Ảnh: ST |
Đây là một trong những ý kiến ĐB nêu trước Quốc hội chiều 18/6 - khi Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.Đa số các ĐBQH đều cho rằng, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời là sự mong mỏi bức thiết của người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, thảo luận về dự luật, các ĐB vẫn còn nhiều băn khoăn.
Nhiều Luật nhưng chưa giúp NTD yên tâm, tin cậy
ĐB Ly Kiều Vân (Quảng Trị) nhận định, Quốc hội đã ban hành nhiều dự án luật như Luật an toàn thực phẩm vừa mới được thông qua; Luật cạnh tranh; Luật thương mại, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tại Bộ luật hình sự, Điều 162 quy định về tội lừa dối khách hàng nhưng thực chất chưa hẳn giúp được NTD yên tâm và tin cậy hơn khi mua hàng hóa.
Theo ĐB Vân, thực trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận trong cân đo, đong, đếm, thông tin về hàng hóa thiếu trung thực, quảng cáo sai sự thật vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt thời gian qua người dân phải chịu cảnh cắt điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng quyền lợi của NTD vẫn chưa được bảo vệ.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) băn khoăn, khi nghiên cứu hết dự án Luật này thì “ không rõ ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho mình, bảo vệ như thế nào và chế tài để xử lý những đối tượng không đảm bảo quyền lợi cho NTD?”
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) thì thẳng thắn: “Tôi thấy với quy định như dự thảo luật là chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa thật sự bảo vệ được quyền lợi của NTD và cũng chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Mặt khác, dự thảo luật rất chú trọng việc giải quyết hậu quả, có đến 32/66 điều đề cập. Trong khi đó, vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng quy định còn mờ nhạt”.
ĐB Lý Kim Khánh (Cà Mau) còn nêu, luật chưa tập trung vào lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc sống, còn nặng về hàng hóa, thiếu những mảng dịch vụ như giáo dục, y tế và luật chỉ mới tập trung vào khu vực siêu thị, còn những giao dịch với NTD ở các cá nhân nhỏ lẻ và tại vùng sâu, vùng xa thì chưa được đề cập.
“Theo tôi luật này quy định càng đơn giản, nhưng càng cụ thể thì tính khả thi càng cao. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại những vấn đề trên”.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, trên thực tế, quyền lợi của NTD vẫn còn bị vi phạm và rất thiệt thòi, đặc biệt trên 2 khía cạnh: quyền được đảm bảo về chất lượng nói chung và nhất là quyền được đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng; Quyền về lợi ích tài chính, tức là được mua hàng hóa và trả thanh toán dịch vụ đúng giá, không phải cao ngất ngưởng như giá sữa, một số thuốc chữa bệnh, một số hàng hóa dịch vụ khác.
“Vì thế tôi đề nghị sau kỳ họp này cần tiếp tục hoàn chỉnh lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân - cũng là NTD để thảo luận thông qua Kỳ họp thứ 8, luật có hiệu lực càng sớm càng tốt”.
Trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước chưa rõ
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, dự án luật tập trung quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà chưa đề cập cụ thể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Vì trong thực tế có rất nhiều vụ việc cần phải có vai trò trách nhiệm của Nhà nước như: làm sao NTD biết được nước tương có chứa chất gây ung thư, hay phân biệt được hàng thật và hàng giả khi thấy chúng y hệt như nhau, hoặc người mua xăng làm sao biết được xăng có chứa chất Aseton, rồi đánh giá sữa, hay giá thuốc người tiêu dùng khó biết là cao hay thấp để khiếu nại.
Theo ĐB Tấn, bên cạnh hoạt động quảng cáo ở nước ta, chúng ta thiếu hoạt động kiểm soát các sản phẩm quảng cáo thật phong phú, sản phẩm nào cũng nhận là siêu rẻ, là tốt nhất, vậy ai bảo vệ NTD? - "đó chính là các cơ quan chức năng của Nhà nước" - ĐB Tấn nhấn mạnh.
Theo đó, các cơ quan này có cán bộ công chức có trình độ, có phương tiện và có nguồn tài chính để giúp người tiêu dùng toàn xã hội,phải có trách nhiệm bố thông tin cho NTD, nhất là những thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh để mọi NTD tự phòng, tránh hoặc đi đến quyết định tiêu dùng.
ĐB Tấn cũng đề xuất, cần phải tính cả phương cách phòng bệnh chứ không chỉ đơn thuần là chữa bệnh. Theo đó, đề nghị dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định cụ thể hơn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công thương của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, của UBND các cấp trong việc bảo vệ lợi ích chung của NTD.
Cùng với đó, cần quy định những chế tài cụ thể với các hành vi, vi phạm có tổ chức gây hại cho nhiều người, thậm chí cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng .
“Theo tôi khi nào xác định những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi NTD là tội ác thì quyền lợi của NTD mới được bảo vệ và khi đó mới hy vọng doanh nghiệp hoạt động vì NTD” – ĐB Tấn quả quyết.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) còn cho rằng, trong thời gian vừa qua có không ít người dân "dị ứng" với một số quy định của Chính phủ. Những quy định này chúng ta đưa ra nhưng chúng ta không thể thực hiện được, ví dụ như quy định về việc cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng - Chính phủ mong muốn những điều tốt đẹp cho người dân và mong muốn đưa đến cho người dân, NTD của chúng ta không bị ngửi khói thuốc. Nhưng nếu quy định như vậy thì quả thực là không thể thực hiện được!
ĐB Minh dẫn chứng, khi tìm hiểu về luật của một số nước, quyền của nhà nước có thể chia bớt cho người dân, sau đó người dân thực hiện những quyền đó và được quyền xử phạt. Như ở Latvia không được uống rượu sau 22h, người ta giao quyền cho các cửa hàng bán rượu đó để được xử phạt, còn khi những cảnh sát đã đi xử phạt phải cửa hàng có người uống rượu thì người ta phạt rất nặng, thậm chí thu cả giấy phép.
“Chính vì như vậy để cho mình rơi vào thế chủ động và những người ta cố tình làm những hàng giả, hàng nhái rơi vào thế bị động thì tôi nghĩ rằng cần phải giao thẩm quyền mạnh hơn cho UBND các cấp trong đó có cấp xã, phường” – ĐB Minh đề xuất.