Cuộc khảo sát 57 vị quản lý cấp cao của các công ty tại Việt Nam hoàn tất vào tháng 5 của Nielsen Việt Nam, cho thấy doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng ngành của họ cao hơn trước, ở mức 13,6% trong 12 tháng tới.
“Mặc dù niềm tin của người tiêu dùng giảm nhẹ, tăng trưởng ngành được kỳ vọng sẽ cao gấp đôi mức tăng 6% của GDP 2010”, ông Darin Williams, giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam nói. Các vị lãnh đạo này cũng cho rằng, lực lượng lao động của họ cũng sẽ tăng trưởng, với 11% cho rằng sẽ tăng mạnh, 46% tin rằng sẽ tăng nhẹ, 30% cho rằng mức tăng bình thường.
Các vấn đề nhà quản lý quan tâm nhất hiện nay là: (1) Áp lực cạnh tranh và tăng trưởng 68%, (2) Khả năng tăng giá 59%; (3) Lạm phát 56%; (4) Thiếu hụt lao động có kỹ năng 29%; (5) Giá xăng dầu 22%; (6) Tăng trưởng 12%; (7) Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10%; (8) Khác (tỷ giá hối đoái, chính sách…) 10%.
Còn năm mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng là sức khoẻ; giá cả thực phẩm tăng; giá điện nước tăng; bảo đảm công việc; giá xăng, nhiên liệu tăng.
Tới thời điểm này của năm 2010, các nhà sản xuất hầu như đã đạt chỉ tiêu (86%) cao hơn rất nhiều so với sáu tháng cuối năm 2009 (70%)...
Các nhà quản lý cũng cho rằng điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã cải thiện rất nhiều từ một năm qua.
Giới lãnh đạo các công ty cũng dự đoán từ 6 – 12 tháng tới, người tiêu dùng sẽ mua nhiều hàng hoá nhãn hiệu Việt Nam hơn. Theo khảo sát, hiện nay người Việt đang có xu hướng dùng hàng Việt Nam, chuyển từ mua sản phẩm cao cấp hơn sang việc mua các sản phẩm trong nước và “nghiện” khuyến mãi. Theo đó, người tiêu dùng có khuynh hướng mua hàng nội địa, có nhãn hiệu Việt Nam, mua gói hàng hoá lớn hơn để tiết kiệm hơn, và mua nhiều hàng khuyến mãi hơn.
( Theo H. Sương // SGTT Online)