Tại các chợ ở TPHCM, các loại gia vị tạo mùi thịt bò, heo, gà, tôm, cua... đang được bán tràn lan mà theo các chuyên gia chúng có thể có nhiều độc tố.
Thông tin tại Trung Quốc xuất hiện loại hóa chất tẩm vào thịt heo, “hô biến” thành thịt bò dấy lên làn sóng lo lắng liệu loại gia vị này đã có tại Việt Nam? Mới đây, ngànhy tế TPHCM đã mở đợt khảo sát, kiểm tra tại một số chợ đầu mối và cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Rất nhiều loại hóa chất tạo mùi, tạo hương không rõ nguồn gốc bán tại chợ Bình Tây- TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Mua bao nhiêu cũng có
Qua kiểm tra chính thức tại chợ Bình Tây, Kim Biên (TPHCM), đoàn kiểm tra của Sở Y tế chưa phát hiện được loại gia vị biến thịt heo thành thịt bò này. Tuy nhiên, trước đó, nhân viên của sở này đóng vai khách hàng đến tìm hiểu tại chợ Kim Biên đã phát hiện nhiều sạp bán loại hóa chất tạo mùi bò dưới dạng dung dịch nước và bột với giá 300.000 đồng/kg.
Trong vai người mua gia vị về chế biến thực phẩm, chúng tôi đến chợ Kim Biên hỏi mua gia vị tạo mùi (người bán thường gọi là hương) thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Có lẽ vẫn cảnh giác do vừa bị đoàn kiểm tra của Sở Y tế “hỏi thăm sức khỏe” nên nhiều sạp đều khẳng định “không biết, không bán”.
Tại một cửa hàng đối diện chợ Kim Biên, khi chúng tôi hỏi mua gia vị tạo mùi thịt bò, mùi tôm, cua thì một thanh niên dò xét chúng tôi từ đầu đến chân rồi phán: “Không có!”. Thế nhưng khi chúng tôi tỏ vẻ thất vọng quay ra thì người này kê vào tai nói nhanh: “Mua nhiều không?”, “Mỗi thứ một ký” – tôi trả lời. Thanh niên này kêu tôi chờ, quay vào hỏi ông chủ ngồi bên trong phòng riêng rồi trở ra báo giá hương tôm, cua, gà là 360.000 đồng/kg (dạng bột). Nếu mua cả “cây” (10 kg/cây) sẽ được giảm 10.000 đồng/kg. Chúng tôi chê mắc để tìm cách bỏ đi.
Đến một sạp bên hông chợ Kim Biên thì loại hương tôm, cua lại được bà chủ mời chào với giá 260.000 đồng/kg. Thấy chúng tôi chần chừ, bà tiếp thị: Ở đây có cả hương thịt bò, hương thịt heo, cũng đồng giá 260.000 đồng/kg và muốn mua bao nhiêu cũng có.
Khảo sát nhiều sạp khác cho thấy sạp nào cũng bán hương bò, heo, gà, tôm, cua… trong đó có loại hàng xá và hàng có bao bì,nhãn mác.
Khảo sát tại các chợ lẻ ở quận 5, Bình Thạnh…, chúng tôi phát hiện đều có bán loại gia vị này. Ngoài ra, những nơi này còn bán nhiều loại gia vị lẩu thái, lẩu bò, lẩu thủy sản với giá từ 7.000 đồng- 18.000 đồng/bịch hoặc chai. Còn loại gia vị dùng để nấu các món phở bò, phở gà, hủ tiếu, bún riêu, bún bò Huế, vịt tiềm… thì nhiều vô số kể, trong đó có một số loại trên bao bì không ghi nguồn gốc xuất xứ, giá bán chỉ 4.000 đồng/hộp (hộp 4 viên), một nồi lẩu chỉ sử dụng 1 - 2 viên.
Rất độc hại
Một chuyên gia trong ngành hóa chất cho hay ngoài chất tạo mùi, có một loại hóa chất trong ngành y sử dụng làm acid gây mê, giảm đau. Hóa chất này có thể tạo độ dai, “biến” thịt heo thành thịt bò. Khi tẩm hóa chất này vào thịt heo, miếng thịt sẽ nở căng ra và có màu đỏ giống như màu thịt bò. Tuy nhiên, cách làm này cần phải có quy trình hầm ủ với nhiều công đoạn.
Theo giới chuyên môn, các loại gia vị tạo mùi, gia vị chế biến thức ăn thành các món lẩu, phở bò, phở gà, bún riêu… ngoài những cơ sở có địa chỉ rõ ràng trong nước sản xuất còn có cả những nơi thu mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc về đóng gói bán ra thị trường.
Ông Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết các loại gia vị tạo mùi thịt, cá, cua… không rõ làm từ những nguyên liệu gì nên rất khó quản lý, kiểm soát. Một trong những loại hóa chất thường để tạo mùi vị nói trên là từ gốc aldehyde, một loại độc tố có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Những loại hóa chất này đã bị cấm sử dụng nhưng không loại trừ vẫn được đưa vào chế biến gia vị. Giới chuyên môn còn cho biết nếu sử dụng thường xuyên những loại gia vị này sẽ tích lũy chất độc hại trong cơ thể, dẫn đến nhiều chứng bệnh khó lường.
Ngoài vòng kiểm soát Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, các loại hóa chất tạo dai, tạo mùi lâu nay bán đầy rẫy trên thị trường, rất khó kiểm soát, lẫn lộn cả hàng công nghiệp và thực phẩm. Cơ quan chức năng chưa thể kiểm tra, giám sát được nơi sản xuất để biết chính xác họ chế biến bằng hóa chất, nguyên liệu gì và cũng chưa có thiết bị kiểm tra, phân tích tất cả các chất độc hại mà chỉ có thể kiểm nghiệm được một số tạp chất kèm theo loại hóa chất đó. Khi hóa chất đã đưa vào chế biến thành phẩm thì càng khó có thể phân tích, kiểm soát.
(Theo Nguyễn Hải/nld online)