Nhiều tiền không có nghĩa sẽ sắm được bộ dàn karaoke hay. Vấn đề ở chỗ, các yếu tố cấu thành bộ dàn phải đồng đều nhau về chất lượng.
Chỉ với số tiền không quá lớn, bạn hoàn toàn có thể sắm một bộ dàn karaoke hay để giải trí trong dịp Tết và xả stress bất cứ khi nào có thể.
Một bộ dàn karaoke gồm nhiều thành phần, từ màn hình TV, đầu đọc đĩa tới ampli/mixer, loa và micro.
Thông thường, mỗi gia đình đều có sẵn TV nên nếu không có nhu cầu đặc biệt, bạn chỉ cần sắm những thành phần còn lại.
Bí quyết để chọn một bộ dàn chất lượng nằm ở chỗ các thành phần phải đồng đều với nhau. Nếu đầu đọc đĩa và ampli của bạn tốt nhưng loa dở, hoặc mic dở thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả như mong muốn. Thà rằng bạn mua một bộ dàn karaoke mà tất cả đều có chất lượng trung bình còn hơn TV xịn, loa xịn mà mic lại dở.
Chính vì một bộ dàn karaoke gồm nhiều thành phần nên bạn có thể mua lẻ để lắp ráp vào, hoặc mua sẵn cả bộ . Tất nhiên, lựa chọn mua lẻ sẽ linh hoạt hơn và rẻ hơn. Bạn có thể tự chọn cho mình những thành phần phù hợp với túi tiền, tất nhiên là có cả sự cân nhắc về chất lượng.
Có điều từ khâu lựa chọn các thiết bị, rồi đến lắp đặt, cấu hình bộ dàn karaoke không phải là không mất thời gian. Việc chọn lựa các tên tuổi hàng hiệu cũng khiến cho bạn phải cân nhắc nếu hầu bao của bạn hạn hẹp.
Chất lượng cần phải đồng đều
Với đầu đọc đĩa, bạn có thể lựa chọn những tên tuổi trong nước như Vitek, Tiến Đạt và SONCA với giá dao động từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng. Tuy nhiên, một chiếc đầu đĩa có giá khoảng một triệu đồng trở xuống hoàn toàn có thể là sự lựa chọn của bạn cho một bộ dàn ở mức bình dân.
Chẳng hạn như chiếc đầu đĩa Tiến Đạt DVD-K611 cũng chỉ có giá bán ở mức 700 ngàn đồng. Tất nhiên, nếu hầu bao dư dả hơn, bạn có thể đầu tư trong khoảng 2-3 triệu đồng cho một chiếc đầu đĩa của Tiến Đạt, Vitek hoặc California.
Kinh nghiệm cho thấy, một đầu đĩa cho âm thanh hay thường phải từ 4 triệu đồng trở lên. Còn nếu bạn chỉ muốn sắm một bộ dàn để giải trí thông thường và không muốn đầu tư nhiều thì có thể mua loại đầu đĩa của Trung Quốc (đọc được VCD/DVD, MP3 và không kén đĩa) với giá có vài trăm ngàn đồng.
Ngay cả các tên tuổi như Ariang hay Philips đều có những mẫu đầu đĩa rất rẻ, chẳng hạn như Arirang DH-903S (500 ngàn đồng), PHILIP DVP5166K (700 ngàn đồng), hay như chiếc VTB D549M cũng chỉ có giá khoảng 800 ngàn đồng.
Ampli: Mức đầu tư bình dân cho ampli sẽ rơi vào khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Mới mức giá này, bạn có thể chọn chiếc ampli Arirang PA-203 EV (1,2 triệu đồng), hoặc California 128B (1,3 triệu đồng).
Còn nếu muốn mua thấp hơn, chỉ có thể chọn ampli của Trung Quốc với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Tất nhiên, đã là đồ Trung Quốc bình dân thì chất lượng không thể bền được, nhưng nếu tính vào khấu hao theo năm, lựa chọn đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Khi mua ampli bạn cũng cần chú ý mua thêm bộ trộn (mixer), nếu đã có sẵn ampli rồi thì chỉ cần mua mixer không mà thôi. Với ampli, có loại tích hợp mixer, có loại không, nên tốt nhất là bạn hãy hỏi người bán để biết được chi tiết.
Loa: Các tên tuổi trong làng loa như Bose, BMB, AR, Peavey... dĩ nhiên là đắt tiền, còn nếu muốn ít tiền thì có loa Trung Quốc. Loa Trung Quốc nghe được sẽ rơi vào khoảng 500 ngàn đồng đổ xuống. Các loa hàng hiệu như trên thì giá sẽ từ vài triệu trở lên.
Tất nhiên, bạn không thể mua loa vi tính dùng cho bộ dàn karaoke. Khi mua loa, bạn nhớ mua thêm loa siêu trầm để âm thanh hay hơn. Loa dùng cho gia đình thì chỉ cần công suất khoảng 100-150W là đủ.
Micro: Thành phần cuối cùng cấu thành nên bộ dàn karaoke chính là micro. Cho dù tất cả những thiết bị trên đều xịn mà micro dở thì tiếng hát của bạn sẽ chẳng đâu vào đâu.
Với micro, đúng là "tiền đi liền chất lượng". Micro tốt giá có thể lên tới 2 triệu đồng, tuy nhiên cũng cần chú ý là mục đích của bạn chỉ dừng ở mức giải trí gia đình nên một chiếc mic giá khoảng 200-300 ngàn đồng là có thể thể chấp nhận được.
Cách âm: Phần cuối cùng tuy không liên quan tới việc chọn mua bộ dàn karaoke nhưng có ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh. Đó chính là bố trí phòng hát và cách âm. Nếu không bố trí hợp lý, âm thanh hay bị dội ngược lại hoặc tản mát, hoặc không đạt được mức độ hài hòa một cách hợp lý.
Phòng hát nên sử dụng rèm hoặc thảm vải để hạn chế hiện tượng dội âm. Diện tích phòng hát tùy theo quy mô của từng gia đình, có thể từ 10m2 với 20m2. Tất nhiên là đừng rộng quá bởi khi đó công suất của loa cũng sẽ phải đáp ứng được không gian trải dài hơn.
(Theo Gia Nguyễn // Tienphong Online)