Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiệm bánh ngoại thúc đẩy tiệm bánh nội

Sau thành công của dòng bánh tươi thương hiệu Tous Les Jours, Onoré… là dòng bánh donuts đang nỗ lực tìm chỗ trong thị phần bánh tươi ở Sài Gòn.

Bánh ngoại tác động bánh nội

Bánh donuts vừa xuất hiện trên thị trường bánh tươi đã nhanh chóng được giới trẻ nhiệt tình ủng hộ. Ảnh: Hồng Thái

Những cửa hàng bakery & café (bánh và càphê) do nước ngoài đầu tư có những khác biệt so với những cửa hàng bánh tươi trong nước.

Bánh của các cửa hàng bakery & cafe được làm không quá lớn nên ăn không ngấy, hương vị lại tinh tế hơn của các cửa hàng bánh tươi bình thường trong nước trước đây. Mỗi cửa hàng đều có những loại bánh đặc trưng riêng theo khẩu vị cũng như ưu thế của họ. Chẳng hạn bánh của Tous Les Jours có gu bánh Pháp nhưng hương vị khá đậm đà, kèm theo là một số sản phẩm bánh theo gu Hàn. Onoré lại có hương vị theo khá sát với bánh Pháp, các sản phẩm đa dạng từ bánh mì đến bánh ngọt, bánh mặn. Schneider (của Đức) thì có thế mạnh ở các sản phẩm bánh mì, bánh mì cuộn, bánh bơ mềm, bánh mì đen, bánh mì lúa mạch…

Đặc biệt không gian của các tiệm bánh ngoại được thiết kế thoáng, đơn giản nhưng bắt mắt. Tủ, kệ đựng sản phẩm tiện nghi dễ lựa chọn. Khách hàng có chỗ ngồi riêng để nghỉ ngơi, ăn bánh uống nước. Nhân viên được huấn luyện tốt, phục vụ niềm nở, sẵn sàng tư vấn, giới thiệu chi tiết đặc điểm các sản phẩm cho khách.

Trước sự phát triển ồ ạt của bakery & café, cùng những ưu thế vượt trội về chất lượng cũng như cung cách phục vụ mới mẻ đang chinh phục nhanh người tiêu dùng, các thương hiệu bánh Việt Nam cũng bắt đầu nhảy vào thị trường này. Kinh Đô đã mở K.Do bakery & café trên đường Hai Bà Trưng, quận 1. Với cách trang trí khá đẹp, khu vực dành cho khách ngồi ăn được bố trí nhiều bộ salon dành cho nhóm bạn từ 4 đến 6 người hoặc nhiều hơn. ABC mở bakery & café đầu tiên trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Họ đã có những cải tiến chăm chút cho chất lượng bánh cũng như giới thiệu nhiều loại bánh mới cho khách hàng. Khu vực trưng bày bánh, chỗ ngồi ăn bánh, cách phục vụ của nhân viên cũng chuyển đổi theo xu hướng hiện đại. Trong năm 2010, ABC sẽ phát triển thêm hai cửa hàng tương tự ở quận 1 và 3. Trước đó, công ty bánh kẹo Phạm Nguyên đã mở một bakery Panier & café trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 (cửa hàng này vừa đóng cửa). Và thương hiệu Pat’ a Chou cũng nhanh chóng theo chân, họ vừa mở một cửa hàng bakery & café trên đường Đồng Khởi vào cuối năm 2009.

Thưởng thức bánh kiểu mới

Theo ông Đỗ Mạnh Cường, quản lý bakery & café ABC trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, đây là cửa hàng thí điểm đầu tiên của ABC nhằm dần hoà nhập để tìm tòi và phát huy. Đa số đối tượng khách hàng là người nước ngoài, nhân viên văn phòng, tuổi teen, khách bình dân đôi lúc cũng đã ghé qua tuy không nhiều. Khách có thể nhiều lựa chọn các loại bánh tại quầy bánh ở tầng trệt, sau đó lên tầng trên và gọi thêm nước uống, càphê. Nhiều người còn chọn bánh tươi, bánh mì để thay thế cho bữa ăn trưa bình thường. Sự thoải mái tự do là điều mà khách hàng thích nhất, song song đó là cung cách phục vụ của nhân viên luôn lịch sự, thân thiện.

Ông Mai Trường Giang, chủ cửa hàng Chewy Junior cho biết, thời gian ở Singapore, ông thấy dòng bánh này rất được ưa chuộng nên đã đăng ký mở cửa hàng nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam và có kế hoạch phát triển trong năm 2010. Đây là loại bánh kết hợp giữa bánh su Nhật Bản và bánh dẻo Mexico.

Dạng bakery & café hiện nay là tự phục vụ. Khách hàng sau khi chọn bánh, trả tiền xong rồi vào bàn gọi thức uống. Thức uống đa số là các loại như: coffee with flavor, latte, espresso, cappuccino, mocha blend… thành phần chủ yếu là càphê, sôcôla, sữa, kem ngọt…

Chú trọng dịch vụ

Có thể xem quận 1 và quận 3 là “thiên đường” của các cửa hàng bakery & café. Đây là khu dân cư có thu nhập cao, khách vãng lai nhiều, tập trung các cao ốc văn phòng... Do vậy hai quận trên là mục tiêu mà các cửa hàng bánh tươi và càphê nhắm tới. Tuy nhiên sự cạnh tranh sẽ là những thách thức không nhỏ đối với các thương hiệu.

Chewy Junior ngoài việc nâng cao chất lượng bánh còn áp dụng phong cách phục vụ một đối một, khi khách lần đầu tiên vào cửa hàng sẽ có nhân viên tư vấn và mời khách ăn thử bánh. Giá bánh trung bình từ 9.000 – 18.000đ/phần.

Onoré luôn khẳng định chất lượng và hương vị bánh. Khi khách vào cửa hàng sẽ cảm nhận được không khí ấm cúng, thân thiện. Giá cả không quá đắt tiền, không gây cảm giác e ngại khi khách bước vào. Giá bánh trung bình chỉ từ 3.500 – 17.000đ/phần.

ABC luôn chú trọng đến sở thích của khách hàng. Khu vực nhiều khách nước ngoài, nhân viên văn phòng, dòng bánh Âu sẽ được đẩy mạnh kèm theo là dòng bánh Việt có hương vị đặc sắc nhằm giới thiệu nét đặc trưng về ẩm thực của địa phương. Đối với khu vực đa số là khách hàng trong nước thì sẽ có phương thức ngược lại. Giá bánh trung bình từ 7.000 – 15.000đ/phần, bánh kem từ 25.000 – 30.000đ/phần.

Bánh tươi và càphê hiện nay đang thu hút người trẻ, nhân viên văn phòng, sinh viên,… ưa thích bởi phong cách ăn uống, phục vụ hiện đại gần gũi với xu hướng quốc tế.

Lịch sử cửa hàng bánh tươi ở Sài Gòn

Mô hình nhà hàng bánh mì, bánh tươi và càphê có mặt tại Sài Gòn từ những năm 1950. Khởi đầu là hai nhà hàng Givral và Brodard, chỉ được người Pháp và giới trung lưu, công chức ở Sài Gòn biết đến. Sau đó, các hiệu bánh Hòa Mã, Hà Nội (quận 3); Như Lan (quận 1) cũng mở ra để bán bánh tươi.

Sau năm 1975, các thương hiệu bánh trên vẫn còn hiện diện nhưng hoạt động kinh doanh chưa khởi sắc. Mãi cho đến thập niên 90, những thương hiệu bánh như Đức Phát, Kinh Đô, Hỷ Lâm Môn… với những sản phẩm đa dạng bánh Việt và bánh Âu bắt đầu tham gia thị trường. Sự cạnh tranh của các thương hiệu bắt đầu tạo nên một không khí ganh đua sôi nổi mà nổi bật là hai thương hiệu Đức Phát và Kinh Đô đã cạnh tranh nhau từng vị trí “đẹp” ở khắp các quận nội, ngoại thành. Cuối thập niên 90 có thêm thương hiệu Pat’ a Chou với một cửa hàng nhỏ trên đường Hai Bà Trưng gần công trường Mê Linh (quận 1), chuyên bán bánh mì tươi, bánh ngọt theo khẩu vị Âu.

Tháng 6.2007, thương hiệu Tous Les Jours của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã khởi đầu một xu hướng mới “Bánh tươi và cà phê” (bakery & café ) tại Sài Gòn. Theo sau là các thương hiệu Onoré, Schneider.

Năm 2009 các thương hiệu trong nước như ABC, Kinh Đô, Pat’ a Chou mở các cửa hàng bakery & café đầu tiên. Năm 2009 dòng bánh tươi donuts cũng bắt đầu có mặt ở thành phố với những cửa hàng tương tự như bakery & café. Bánh donuts là một loại bánh hình vành khăn hoặc tròn, làm từ bột mì. Bánh donuts thường được phủ một lớp sôcôla hoặc kem, trang trí bằng các loại hạt, kẹo nhiều màu sắc để tăng sự bắt mắt, hấp dẫn. Bánh donuts có nhiều hương vị như: sôcôla, dâu, cam, trà xanh, dừa… Đây là dòng bánh đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ, hứa hẹn nhiều phát triển trong năm 2010.

( Theo Q.T - M.C // SGTT Online)

  • Jetstar Pacific tung ra chương trình ưu đãi cho khách hàng
  • Rẻ như SIM đã kích hoạt
  • Thị trường hàng hoá tháng 1 giảm giá mạnh nhất trong vòng 13 tháng
  • Nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng tháng 1
  • Thị trường điện tử, điện máy cuối năm kém vui
  • Dùng sơn quan tài làm... xôi gấc
  • 1/3 đồ chơi trẻ em TQ chứa hóa chất độc
  • Phát hiện chất độc hại có trong quần áo trẻ em của Trung Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng