Thị trường hàng hoá thế giới vừa trải qua tháng 1/2010 giảm giá mạnh nhất trong vòng 13 tháng do lo ngại nhu cầu có thể giảm sút sau khi nhiều Chính phủ nỗ lực tìm giải pháp kiểm soát tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index bao gồm 24 nguyên liệu đã giảm 6,8% trong tháng 1/2010, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008, dẫn đầu là thiếc và chì, giảm giá 17%.
Đồng đã mất 8,5% giá trị trong tháng vừa qua, và cũng là tháng giảm giá mạnh nhất trong vòng 13 tháng, trong khi dầu thô giảm giá 7,6%, lần đầu tiên giảm kể từ tháng 7/2009.
Chỉ có một số ít hàng hoá tăng giá như đường, thức ăn chăn nuôi, thịt gia súc và platinum.
Năm qua, giá hàng hoá đã tăng mạnh nhất trong vòng 4 thập kỷ nay, dẫn đầu là đồng, chì và đường – tăng gấp đôi – do các Chính phủ chi những khoản tiền khổng lồ kích thích kinh tế, làm dấy lên hy vọng nhu cầu nguyên liệu sẽ tăng mạnh sau thời kỳ kinh tế toàn cầu giảm giá mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ II. Theo đánh giá của ngân hàng Barclays Capital, các nhà đầu tư đã rót kỷ lục 92 tỷ USD vào hàng hoá trong năm vừa qua.
Sang năm 2010, các chương trình kích thích kinh tế dần dần bị rút lại, và nhu cầu hàng hóa cũng co lại theo.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang từng bước chuẩn bị cho việc chấm dứt các gói kích thích. Theo thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng kinh tế của cường quốc số 1 thế giới đạt 5,7% trong quý IV/2009, mức tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm. Trung Quốc cũng bắt đầu thắt chặt các khoản cho vay ngân hàng từ tháng này.
Tháng 1/2010, giá đồng kỳ hạn 3 tháng tại Sở giao dịch Kim loại London giảm 7,2%, kết thúc tháng ở mức 6.750 USD/tấn. So với 3 tuần trước đó – thời điểm giá cao nhất từ đầu năm tới nay – đồng đã mất 13% giá trị. Dự trữ đồng tại các kho hàng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2004. Trung Quốc – khách hàng mua nhiều đồng nhất thế giới – đã mua với khối lượng lớn trong năm vừa qua, góp phần đẩy giá tăng lên. Đồng là nguyên liệu sản xuất dây và ống.
Dầu thô cũng giảm giá 7% trong tháng qua, với hợp đồng kỳ hạn 3 tháng tại New York kết thúc ở mức 73,36 USD/thùng, thấp hơn 13% so với mức cao nhất từ đầu năm tới nay là 84,45 USD/thùng.
Việc đồng Đôla Mỹ mạnh lên cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế nhu cầu đầu tư vào nguyen liệu như một loại tài sản thay thế. Chỉ số đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt đã tăng 2% trong tháng qua, sau khi tăng 3% trong tháng 12.
Tom Hartmann, nhà phân tích của hãng Altavest Worldwide Trading LLC in Mission Viejo ở California cho biết ai cũng nghĩ rằng kinh tế tăng trưởng trở lại sẽ cải thiện nhu cầu hàng hoá, song thực tế thì nó lại hỗ trợ đồng USD chứ không phải thị trường hàng hoá.
Giá vàng giao ngay giảm 1,8% trong tháng qua, xuống 1.077,55 USD/ounce. Lượng vàng mua đầu tư của quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã giảm 1,9% trong tháng thể hiện tình hình của thị trường này.
Nằm trong số ít những hàng hoá tăng giá, platinum – không nằm trong chỉ số GSCI – đã tăng 2,6% trong tháng qua. Giá đường thô tại New York tăng mạnh hơn, thêm 12%, nhờ hoạt động mua tích cực từ Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.
Giá gia súc giống (chưa đủ lớn để giết mổ) đã tăng 3% trong tháng vừa qua. Ngũ cốc và đậu tương giảm giá sau khi Bộ Nông nghiệp đưa ra các số liệu dự báo cho thấy nguồn cung sẽ tăng lên. Giá ngô đã giảm 13%, trong khi lúa mì giảm 12% và đậu tương giảm 12%.
(Theo Vinanet)