Trong khi tại Mỹ và châu Âu, trọng tâm của các gói kích thích kinh tế là hỗ trợ các tập đoàn khổng lồ với những khoản chi “giải cứu” trị giá hàng trăm tỉ USD, thì tại châu Á những giải pháp thiết thực và cụ thể cũng được coi trọng không kém các chính sách ở tầm vĩ mô.
Người dân đi mua sắm ở khu thương mại Mongkok, Hong Kong. Quan chức đặc khu này đang nỗ lực làm gương để hối thúc dân chúng tiêu dùng nhiều hơn nữa - Ảnh: Reuters |
Hong Kong: quan chức đi mua sắm
Báo Straits Times ngày 3-1 cho biết các quan chức của chính quyền Hong Kong đã đi mua sắm rầm rộ để làm gương cho người dân, nhằm khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn giúp phục hồi nền kinh tế.
Viên chức cao cấp mới nhất tham gia danh sách đi “shopping” là người phụ trách các vấn đề hiến pháp và quan hệ với đại lục, ông Stephen Lam.
Báo South China Morning Post cho biết ông Lam đã chi 5.000 HKD (gần 650 USD) ở khu mua sắm Taipo vào ngày đầu năm mới. Ông Lam đã mua rất nhiều thứ, cho cả vợ và con gái, cũng như đóng góp cho thùng từ thiện ở khu mua sắm.
Cấp phó của ông, Raymon Tam, cùng với bà Florence Hui và ông Kenneth Chen, những quan chức các sở nhà ở và giáo dục, cũng đã dành thời gian để sắm sửa mừng năm mới nhằm nêu gương cho người dân ở đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc này.
Tháng trước, trưởng đặc khu hành chính Donald Tsang đã tiêu gần 1.300 USD ở hội chợ các nhãn hàng Hong Kong và hàng hóa xuất khẩu tổ chức ở công viên Victoria. Thủ hiến Henry Tang và hai thành viên khác trong nội các theo gương nhân vật số một của Hong Kong một tuần sau đó với việc chi gần 800 USD trong một chuyến mua sắm tại khu Causeway Bay.
South China Morning Post cho biết tất cả các buổi mua sắm đó đều được phát lại trên các kênh truyền hình ở Hong Kong, và đã trở thành một hoạt động kích thích tiêu dùng thường xuyên với các quan chức của đặc khu hành chính này.
Nhật Bản: cho tiền cả dân nhập cư
Trong một bản tin vào cuối tháng 12-2008, Hãng thông tấn Kyodo News cho biết Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trao một khoản tiền mặt trực tiếp cho khoảng hai triệu người nước ngoài có đăng ký với nhà chức trách nước này trong năm tới, để họ góp phần vào việc kích thích tiêu dùng.
Kyodo News dẫn lời Bộ Truyền thông và các vấn đề quốc nội nói những người nước ngoài có đăng ký ở Nhật Bản tính tới ngày 2-1-2009 sẽ được xem xét tham gia một chương trình trị giá tới 2.000 tỉ yen (21,7 tỉ USD) áp dụng cho gần như tất cả mọi người sống trên đất Nhật.
Chính phủ Nhật nói hai triệu người này bao gồm từ những người định cư dài hạn cho tới lao động nhập cư theo hợp đồng có thời hạn, kể cả người nước ngoài học tập hoặc tập huấn ở những công ty Nhật Bản. Chỉ khách du lịch nước ngoài là không nằm trong gói hỗ trợ kể trên.
Đây là một giải pháp quan trọng trong gói kích thích kinh tế thứ hai từ ngân sách kỷ lục cho năm 2009 đã được Thủ tướng Taro Aso thông qua cuối năm trước.
Theo đó, mỗi người nước ngoài sống ở Nhật, giống như dân bản xứ, sẽ được chính phủ phát không số tiền tương đương 130 USD để “xài chơi” trong tháng 1-2009, và thêm một khoản gần 90 USD nữa sẽ được phát cho những người dưới 18 và trên 65 tuổi vào đầu tháng 2-2009. Tiền sẽ được phát tại các trung tâm hành chính địa phương nơi những người nước ngoài đăng ký tạm trú.
Trung Quốc: giúp nông dân sắm đồ điện máy
Ngày 1-1, CCTV đưa tin Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có chuyến thăm tới tỉnh Sơn Đông để thị sát tình hình đời sống nông thôn và nói lời chúc mừng năm mới với nông dân sống ở đây, những người được hưởng lợi từ chương trình giúp nông dân mua sắm đồ điện máy mà chính phủ nước này đã triển khai trong năm qua.
Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh Trung Quốc phải tìm ra nhiều biện pháp “sáng tạo” để kích thích nền kinh tế giống như chương trình giúp nông dân mua hàng điện máy.
Từ tháng 12-2008, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo chính phủ nước này sẽ mở rộng chương trình nói trên với mục tiêu trong bốn năm tới sẽ bán được 480 triệu sản phẩm gia dụng trị giá 135 tỉ USD ưu tiên cho các gia đình ở nông thôn.
Theo đó, từ ngày 1-12-2007 đến 30-11-2012, chương trình được mở rộng ở tất cả 13 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc và sẽ mở rộng ra phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 1-2-2009 tới 31-1-2013.
Ông Ôn Gia Bảo nhận định thị trường trong nước của Trung Quốc là “rất rộng lớn”, “đầy tiềm năng” và nhấn mạnh việc phải khai thác hơn nữa thị trường nông thôn, đồng thời cam kết chính phủ sẽ tiếp tục duy trì trợ giá để người dân khu vực nông thôn được mua đồ điện tử gia dụng với giá rẻ hơn so với giá thị trường.
Đài Loan: chính quyền phát phiếu mua hàng
Ngày 2-1, Taiwan News đưa tin Văn phòng thông tin Đài Loan (GIO) đã chuẩn bị 8 triệu tờ rơi quảng cáo cho việc làm thế nào để sử dụng tối đa các phiếu mua hàng miễn phí hoặc giảm giá sẽ được chính quyền phát không cho công dân ở hòn đảo này.
Những phiếu mua hàng do chính quyền trợ cấp với mục tiêu kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế đó sẽ được phát cho khoảng 23,18 triệu người bắt đầu từ ngày 18-1.
Công dân Đài Loan và vợ hoặc chồng là người nước ngoài sẽ nhận phiếu tại văn phòng địa phương ở 25 thành phố và đơn vị hành chính trên toàn hòn đảo theo sắp xếp của cơ quan các vấn đề nội địa. Những tờ quảng cáo sẽ được phát trước đó tám ngày để khuyến khích, hướng dẫn và nhắc người dân tới nhận phiếu mua hàng.
Trong tờ rơi quảng cáo, GIO cho biết không chỉ có thông tin về địa điểm và thời gian nhận phiếu, mà còn có cả những lời giới thiệu các cửa hàng uy tín và những địa chỉ mua sắm đáng tin cậy trên mạng Internet với giá cả rất phải chăng, ngay trước dịp đón năm mới âm lịch bắt đầu vào ngày 25-1.
(Theo báo Tiền phong)