Thị trường Việt Nam hiện có hơn 300 dòng sản phẩm về sữa. Theo luật định, các đơn vị sản xuất trong nước cũng như sữa nhập khẩu tự công bố chất lượng, các thành phần trong sữa.
Ngoài những đơn vị sản xuất lớn thì còn quá nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không công bố tiêu chuẩn rõ ràng nên người tiêu dùng khó nhận biết được chất lượng. Tuy nhiên, do khâu kiểm tra không thường xuyên, mức phạt đối với công ty sai phạm quá thấp không đủ sức răn đe nên có cả công ty lớn cũng không "thật thà" với khách hàng.
Trong quá trình quản lý mặt hàng này, thực tế đã bộc lộ các yếu điểm như: chưa kịp thời bổ sung và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sữa và các sản phẩm sữa cũng như chức năng, trách nhiệm các cơ quan quản lý chưa rõ ràng. Vì vậy đã gây nên những "chấn động tâm lý" và nỗi hoang mang, lo sợ cho người tiêu dùng mỗi khi cơ quan chức năng công bố những thông tin: sữa nhiễm mê-la-min, nghèo chất đạm, 50% sản phẩm sữa không đạt tỷ lệ đạm hoặc sữa đậu nành có chứa khuẩn trong "chất thải" người, gây tiêu chảy gấp tới 20.000 lần cho phép... Không chỉ lo về chất lượng mà người tiêu dùng còn lo lắng khi giá sữa tăng hằng ngày. Theo thống kê, chế biến sữa trong nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu và phải nhập 50% nguyên liệu từ nước ngoài. Với mức giá nguyên liệu nhập khẩu thấp như hiện nay: 1kg sữa bột về đến Việt Nam giá chỉ 70.000 đồng/kg, sau khi đã bổ sung các chất vi lượng và khoáng chất cộng thêm tất cả những chi phí khác thì doanh nghiệp nội địa bán với giá 120.000 - 130.000 đồng/hộp 900g. Trong khi đó, các hãng sữa ngoại lại đẩy giá lên cao ngất ngưởng, ở mức 350.000 - 400.000 đồng/hộp 900g. Như vậy, mấu chốt của việc giá sữa trên thị trường Việt Nam quá đắt là do các công ty ngoại nâng lên để kiếm lợi nhuận lớn chứ không phải là do các kênh phân phối. Việc lan truyền trong người tiêu dùng rằng, sản phẩm sữa nhập khẩu thường được sản xuất theo những quy trình nhiêm ngặt, được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó sữa đắt chắc là sữa tốt nhất. Từ tâm lý này nên các gia đình có điều kiện kinh tế hoặc không cũng cố gắng chọn loại sữa đắt tiền để mua, điều này là nguyên nhân đã đẩy giá sữa lên cao.
Trong lúc chưa thành lập được quỹ bình ổn và bản thân người tiêu dùng cũng không tận dụng 8 quyền của mình theo quy định của luật pháp thì không còn cách nào khác, người tiêu dùng Việt Nam phải thông qua các tổ chức hợp pháp để tỏ thái độ phản ứng về sự vô lý đối với nhà sản xuất và nhập khẩu sữa. Chỉ có như vậy mới hy vọng bảo vệ quyền lợi của chính họ.
(Theo Tiên Thêm Sắc // Hanoimoi Online)