So với tháng 10 năm ngoái, giá vàng trong nước hiện đã tăng 6,3 triệu đồng/lượng (từ 17,55 triệu đồng/lượng lên 23,85 triệu đồng/lượng), khiến cho sức mua vàng miếng ngày càng ảm đạm. Ngược lại, những món nữ trang vàng lại trở nên rất hấp dẫn, lượng tiêu thụ tăng vọt.
Nhộn nhịp mua bán
Tại khu vực chợ Thiếc (quận 11), tùy theo mẫu mã, giá bán vàng nữ trang (chưa tính tiền công), chủ yếu là “vàng trắng”, dao động 25-33 USD/gram, hầu như không đổi so với năm ngoái. Do giá vàng ngày càng tăng cao, cộng với việc phải đối phó với các sản phẩm vàng nữ trang nhập lậu từ Trung Quốc nên từ giữa năm 2008 Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM (SJC) đã bắt tay vào việc chế tác vàng nữ trang 10K. Nhờ giá chỉ bằng 60% giá vàng 18K (vàng 10K giá chỉ trên dưới 10 triệu đồng/lượng, trong khi đó vàng 18K là 18,05 triệu đồng/lượng) nên dòng sản phẩm này đã nhanh chóng được thị trường đón nhận.
Khách hàng mua vàng nữ trang cần chọn những thương hiệu có uy tín để khi bán lại không bị lỗ quá nhiều. Ảnh: M. Thi |
Theo bộ phận kinh doanh của SJC thì doanh số của nhóm sản phẩm nữ trang 10K hiện đã tăng 200% so cùng kỳ năm ngoái. Cùng với các sản phẩm “vàng trắng”, nhiều khách hàng nữ cũng rất thích thú các mẫu nhẫn, vòng, lắc, mề đay bằng vàng 10K được xi trắng có gắn đá CZ (hay gọi là hột xoàn Mỹ).
Tương tự, sức tiêu thụ nữ trang vàng của Công ty Vàng bạc Phú Nhuận (PNJ) cũng tăng mạnh nhờ có nhiều mẫu mới tung ra phù hợp với túi tiền của giới trẻ. Nhờ kỹ thuật kết hột khá tinh tế nên các mẫu nữ trang bạc (PNJ Silver) và đá CZ rất được khách hàng ưa chuộng. Riêng đá CZ, nhờ kỹ thuật mài và gắn ngày càng tinh xảo, độ sáng bóng tương tự kim cương, giá thành lại chỉ từ 10-30 USD/viên (thấp hơn các mẫu gắn kim cương) nên được bán khá chạy và cũng được nhiều khách hàng chọn làm trang sức cưới.
Nếu như trước đây, nhiều người tiêu dùng e dè với vàng nữ trang và xem đây là món hàng sỉ nên thường ít mua thì gần đây tình hình hoàn toàn ngược lại. Giá vàng càng lên cao thì những món quà nữ trang càng trở nên có giá trị hơn và sức tiêu thụ nữ trang cũng ngày càng mạnh hơn, nhất là các dòng nữ trang vàng thấp tuổi 10K và 12K.
“Non tuổi” và khó bán lại hơn
Nếu như trước đây vàng nữ trang chủ yếu làm bằng vàng 24K, 18K và 14K thì gần đây còn có thêm các dòng sản phẩm bằng vàng 12K, 10K, thậm chí 9K để phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với kỹ thuật xi mạ ngày càng điêu luyện nên bằng mắt thường khách hàng khó mà phân biệt được đâu là vàng 18K, 14K hay 9K. Không những vậy, theo xu hướng thời trang hiện nay thì phần lớn trang sức vàng đều được các công ty chế tác chuyển sang màu trắng (trừ nữ trang vàng 24K). Do vậy, hơn 70% mặt hàng vàng trang sức ở chợ Thiếc là “vàng trắng” và được giới thiệu là nhập từ Italia (!?)
Với nhiều điểm nổi bật trên mà nhiều chị em phụ nữ đã không ngần ngại mua vài bộ nữ trang vàng để làm đẹp cho mình. Thế nhưng họ không nghĩ đến khả năng thanh khoản của những mặt hàng nữ trang này rất kém. Mới đây, tiệm vàng Thu Hoàn ở chợ Vườn Chuối (quận 3) đã thu vào một bộ nữ trang vàng trắng có gắn đá CZ của một khách hàng với giá 1,8 triệu đồng. Vị khách này đã khóc ròng vì trước đó không lâu chị đã phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng để mua nó!
Theo người chủ tiệm vàng này, người mua nữ trang vàng trắng, vàng 10K hoặc 12K khi bán lại phải chấp nhận lỗ 30% còn đổi lại thì chịu thiệt 20%. Ngoài ra, khách còn lỗ tiền công và không được tính tiền đá quý đã mua để gắn thêm trên món đồ.
Thậm chí nhiều tiệm vàng còn từ chối thu vào hoặc thu vào với giá chỉ bằng 65% giá hiện tại đối với những khách hàng bị mất hóa đơn. Vì vậy, khi mua vàng trang sức, nhất là vàng trắng và vàng 10K hoặc 12K, khách hàng nên chọn những cửa hàng có uy tín và thương hiệu nhất định để khỏi bị bắt chẹt về sau và nhất là để tránh phải mua nhầm nữ trang thấp tuổi nhập lậu từ Trung Quốc.
Cần chuẩn hóa chất lượng và giá quy đổi vàng nữ trang Vừa qua, Câu lạc bộ Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhận được đơn phản ánh của anh Phan Xuân Trang (ngụ tại đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) phản ánh về thiệt hại khi mua vàng nữ trang tại cửa hàng vàng Bảo Vy (số 170 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1): Ngày 8-3-2009 anh mua tại cửa hàng trên một lắc tay bằng chất liệu vàng 18K (75% vàng) có trọng lượng 11 chỉ 85, tổng giá trị là 17.664.000 đồng. Tuy nhiên ngày 19-10-2009 khi mang chiếc lắc này đến cửa hàng trên để bán lại thì nơi đây chỉ thâu lại với giá 12.600.000 đồng. Trong khi đó, giá vàng 18K niêm yết tại các cửa hàng vàng cùng ngày là 17.100.000 đồng đến 17.300.000 đồng/lượng. Lý giải về vấn đề này, đại diện của cửa hàng Bảo Vy cho rằng khách mua vàng nữ trang phải chấp nhận lỗ 30%. Do vậy, nhằm chấm dứt tình trạng “thả nổi” chuyện bán buôn vàng nữ trang hiện nay đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo chúng tôi thì Hiệp hội Kinh doanh vàng nên sớm đưa ra chuẩn chung về chất lượng và giá quy đổi vàng nữ trang. M.Th |
(Theo SGGP Online)