Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Người có điều kiện tính đến những chuyến du xuân; với người nghèo, để có được mấy ngày Tết đủ đầy, nhiều người đã sắm Tết sớm để tránh xu hướng bão giá dịp cuối năm.
Người nghèo lo toan nhiều trong dịp Tết. |
Nghèo lo ăn Tết
Trong vòng một tháng qua, giá cả nhiều mặt hàng tăng vùn vụt, gần như các mặt hàng đều đồng loạt tăng, dường như việc tăng giá là điều hiển nhiên. Người tiêu dùng dù đã quen với xu thế đẩy giá nhưng không ít người vẫn bị sốc. Tăng giá không còn chỉ là chuyện của mấy bà nội trợ mà còn là chủ đề của những người cao tuổi ngay cả lúc đi tập dưỡng sinh...
Ngay tại các cửa hàng ăn sáng, những bát phở cũng vơi- đầy theo thị trường. Tấm bảng ở quầy bánh mì kẹp thịt còn đề rõ: “ Để đảm bảo chất lượng, giá bánh tăng lên 18.000 đồng/chiếc (trước đây là 15.000 đồng). Chị Vũ Thị Thanh, ở số 28, phố Bà Triệu cho biết: “Cả gia đình tôi trông vào thu nhập từ việc bán hàng nước, chỉ đủ sống qua ngày mà giá cả ngày một biến động. Càng gần Tết giá càng tăng nên các khoản chi tiêu phải tính toán chi li”.
Chị Thanh nói: “Đi mua cái gì họ cũng bảo giá tăng, do chi phí vận chuyển, không biết tới đây sẽ ra sao nữa?”. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố tâm lý đang ảnh hưởng nặng nề tới việc tăng giá. Tất cả các mặt hàng đều bị kéo vào vòng xoáy tăng giá, nỗi lo cơm áo gạo tiền dường như càng nặng hơn, cuộc sống người dân luôn bị đảo lộn.
Bác Trương Thị Lộc ở 190 phố Lò Đúc tâm sự: “Lương hưu của hai vợ chồng tôi cộng lại chỉ được hơn 3 triệu đồng, chỉ đủ trang trải trong tháng, chưa kể ốm đau thuốc men, không dám phiền các con nên chúng tôi không dám mua sắm gì, mong sao giá cả được bình ổn, lương hưu tăng may ra cuộc sống được cải thiện”.
Gặp anh Nguyễn Hùng Cường- công nhân tại khu công nghiệp Bình Dương ra Bắc thăm người thân, anh tâm sự: “ Em làm nghề sửa chữa ôtô lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, tiền gửi ra cho vợ con không đủ trang trải. Mấy hôm nữa em lại vào Bình Dương và chắc chẳng thể ra Bắc ăn Tết vì đi lại quá tốn kém”.
Người giàu tính du xuân
Trong khi người thu nhập thấp lo nỗi lo bão giá ngày cuối năm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nồi bánh chưng ngày Tết thì những người có điều kiện lại thong dong chuẩn bị những chuyến du xuân. “Chẳng biết ở nông thôn thế nào chứ ở các thành phố, mấy ai lo ăn Tết đâu. Năm nay, nếu thời tiết quá lạnh, gia đình tôi sẽ đi TP Hồ Chí Minh” - Anh Phan Văn Hùng ở Tây Hồ- Hà Nội cho biết.
Anh Trương Thanh Toàn, ở Phố Huế làm nghề buôn bán đồ điện đang cùng vợ tranh thủ ngày nghỉ đi sắm đồ tại Siêu thị Big C cho biết: “Cũng như mọi năm, nhà tôi không sắm Tết nhiều, có tiền thì cứ 29 hoặc 30 Tết ra chợ mua nhanh lắm, cái gì cũng có”.
Không chỉ chơi Tết, du xuân trong nước, nhiều gia đình còn đặt vé cho những chuyến du xuân ở nước ngoài. Chị Lan ở phố Hai Bà Trưng cho biết, từ 28 tháng chạp, gia đình chị sẽ bắt đầu chuyến du lịch Singapore trong 1 tuần.
(Theo Tienphong Online)