Bị "cài bẫy" khi mua hàng, không được khiếu nại sau khi mua, hàng mang ra khỏi cửa không được trả lại với bất cứ lý do gì... Người tiêu dùng có thể hy vọng "đòi" lại quyền lợi theo một luật chuyên biệt được đưa ra xem xét tại kỳ họp mùa hè tới của Quốc hội.
Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lần đầu tiên cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi trình Quốc hội tháng 5.
Vi phạm nghiêm trọng
Luật chủ yếu đề cập việc giải quyết "hậu quả" có thể xảy ra sau khi người tiêu dùng giao dịch mua bán, hơn là nhấn mạnh yếu tố "bảo vệ" như Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai mô tả là còn "rất mỏng manh".
Tờ trình do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày cho hay "các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ". Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, nước tương nhiễm chất 3-MCPD, gian lận xăng dầu....
Bộ trưởng Công thương dẫn thống kê của Bệnh viện K cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ 5% do gen di truyền. Một ví dụ khác, đó là khoảng 28% cơ sở kinh doanh xăng dầu sai phạm về đo lường, có nơi sai số gần 10%.
Mỹ phẩm giả bày bán trong siêu thị. Ảnh: VNN |
Đó còn là tình trạng người tiêu dùng không được khiếu nại sau khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, hàng mang ra khỏi cửa không được tra lại với bất cứ lý do gì, ngân hàng trốn trách nhiệm trong việc để kẻ gian rút tiền của khách hàng, người tiêu dùng phải gánh chịu rủi ro, bất hợp lý trong các giao dịch mua bán kiểu bị "cài bẫy"... Tất cả chưa có chế tài đặc thù để xử lý.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh còn cho hay không hiếm các trường hợp doanh nghiệp vì mục đích vị kỷ đã sử dụng thị trường Việt Nam làm nơi tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng tồn kho, hàng có chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn hoặc trực tiếp tiến hành các biện pháp khuyến mại, quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Có thể kiện ra tòa
Dự luật đề cập đến 5 phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính và giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Trong đó, giải quyết tranh chấp tại tòa án được cho là phương thức hữu hiệu để người tiêu dùng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, các ý kiến ủng hộ thiết lập trình tự xét xử rút gọn tại tòa án dân sự so với thủ tục tố tụng dân sự thông thường.
Song phần lớn các ủy viên UBTVQH cho rằng nên khuyến khích giải quyết qua thương lượng, hòa giải bởi việc khởi kiện ra tòa chỉ áp dụng đối với những giá trị giao dịch đến 100 triệu đồng. Đối với giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính, UBTVQH chỉ ủng hộ áp dụng giải quyết cho các tranh chấp có giá trị nhỏ, đơn giản, có chứng cớ rõ ràng. Theo dự án luật, tranh chấp có giá trị nhỏ là dưới 10 triệu đồng.
Đối với phương thức khởi kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Uông Chu Lưu lưu ý quy định "nếu bên nào thua kiện thì phải chịu trả chi phí", chứ không áp cứng quy định người tiêu dùng đi kiện phải chịu chi phí giải quyết tranh chấp.
Nhà nước phải chịu trách nhiệm?
Ủng hộ luật có phạm vi điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa người kinh doanh và tiêu dùng, song Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trong tranh chấp quyền lợi với người tiêu dùng. Ông đặt câu hỏi: "Với 9,4 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, vừa là người sản xuất, vừa là người cung ứng, nếu sản phẩm không đảm bảo thì sao?".
Có thực tiễn người tiêu dùng bị "cài bẫy" khi mua hàng, mua phải hàng giả, không được khiếu nại sau khi mua, hàng mang ra khỏi cửa không được trả lại với bất cứ lý do gì. Ảnh minh họa : VNN |
Nêu thẳng vai trò của Nhà nước, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói trong khi nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, Nhà nước phải có trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
"Sữa giá cao không lẽ người tiêu dùng với cơ quan kinh doanh tự giải quyết với nhau? Kiểm soát không được giá cả, cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm. Vậy Nhà nước đi đâu trong việc bảo vệ người tiêu dùng?", bà Mai nói.
Chủ nhiệm UB Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng Đào Trọng Thi đồng tình khi chỉ ra những dạng hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ở một số lĩnh vực dịch vụ công, hưởng ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, liên quan lợi ích tinh thần, sức khỏe, phát triển tư tưởng văn hóa, không thể không quy định trách nhiệm của Nhà nước.
"Có những dịch vụ như chất lượng giáo dục, bảo vệ sức khỏe, văn hóa tinh thần rất khó nhận biết. Nhà nước phải trực tiếp tham gia kiểm định chất lượng, quy định, hướng dẫn giá cả, thông tin cho người tiêu dùng. Trong giáo dục công, phải quy định về học phí, bảo vệ sức khỏe phải có quy định về viện phí. Nếu dịch vụ tư trong kinh doanh có điều kiện, Nhà nước không có quy định giá cả thì phải có quy định bảo vệ người tiêu dùng", ông Thi nói.
Dẫn vụ Vedan làm ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba nêu một dạng thức khác, đó là khó khăn cho cộng đồng dân cư cùng bị ảnh hưởng khi chứng minh thiệt hại chung. Bà đặt câu hỏi tổ chức xã hội hay đơn vị nhà nước nào có thể giúp cộng đồng dân cư xử lý trường hợp này? Bà Ba gợi ý không thể giao những trường hợp này cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà phải viện đến vai trò của Viện Kiểm sát.
Các ý kiến cũng ủng hộ việc thành lập Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như một tổ chức xã hội hóa, có trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ bảo về người tiêu dùng theo dự thảo luật quy định. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An Ninh Lê Quang Bình đặt câu hỏi về việc phát huy quyền năng, trách nhiệm thực chất của tổ chức này khi thực tế đã có 30 tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
( Theo VietnamNet )