Thị trường tivi LCD năm nay chưa ghi nhận tình trạng "cháy hàng" như năm ngoái. Ảnh: Minh Tâm |
Thời điểm này, dù là mùa mua sắm cuối năm nhưng sức mua trên thị trường điện tử, điện máy chỉ ở mức trung bình khá. Theo các nhà bán lẻ, người tiêu dùng năm nay tập trung vào các loại hàng hóa thiết yếu hơn là mua sắm máy móc...
Hàng gia dụng: tăng không nhiều Khảo sát tại các trung tâm điện máy trên địa bàn TPHCM thời điểm này cho thấy, không khí mua sắm không tấp nập, nhộn nhịp như thời điểm Tết Dương lịch trước đó, cũng như cùng kỳ năm ngoái dù các chương trình khuyến mãi vẫn đang được tung ra. Ông Thái Thanh Sơn, Giám đốc marketing Công ty thương mại Nguyễn Kim, phân tích: “Nguyên nhân là do người tiêu dùng hầu như đã tranh thủ trang bị đầy đủ các vật dụng gia đình từ những chương trình khuyến mãi lớn vào dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch trước đó”. Ở những mặt hàng vốn được ưa chuộng vào dịp cuối năm như tivi LCD, máy chụp hình cũng không có hiện tượng “cháy hàng" như năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Quyền, Phó giám đốc marketing Trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa, chobiết: “Đến thời điểm này, mặt hàng tivi LCD chưa xảy ra tình trạng thiếu hàng như năm ngoái do các nhà sản xuất tung ra nhiều mẫu, các sản phẩm cũng tương đương nhau nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn”. Hàng công nghệ: không bằng năm ngoái Trong khi đó, ở ngành hàng công nghệ dành cho cá nhân, sức mua năm nay không như mong đợi của các nhà bán lẻ khi thị trường khá ảm đạm, doanh thu giảm và giá trị từng mặt hàng hóa mua sắm cũng không cao. Dạo qua các siêu thị, cửa hàng điện thoại di động trên địa bàn thành phố trong ngày 3-2, không khí mua sắm khá lặng lẽ. Lượng người đến mua khá rải rác chứ không đông đúc, chen lấn như mùa tết năm ngoái. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thành Công Mobile cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết qua điện thoại, sức mua tại các cửa hàng của hệ thống Thành Công Mobile trong dịp này khá yếu, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. “Năm nay, mối quan tâm của người tiêu dùng lúc này là các nhu cầu ăn ở, đi lại chứ không phải mua sắm điện thoại”, ông Bảo nói. Theo đại diện các nhà bán lẻ, phân khúc hàng điện thoại cao cấp có giá từ 3 đến 10 triệu đồng năm nay đã giảm mạnh, chỉ chiếm khoảng 5% so với 15% của năm ngoái. Điện thoại có giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng năm nay chiếm 20-25% và dưới 1,5 triệu đồng là 60-70%. Tình hình này khiến số lượng điện thoại bán ra có tăng nhưng doanh số thu lại giảm. Tuy nhiên, đại diện Công ty Thế Giới Di Động, ông Đinh Anh Huân, Giám đốc tiếp thị lại dự đoán, thị trường các ngày tới, khoảng 1 tuần trước tết có thể sẽ sôi động nhờ người tiêu dùng được nhận tiền thưởng và có thời gian đi mua sắm.
(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)