Đánh vào nhu cầu mua sắm cuối năm, nhiều điểm bán hàng điện gia dụng, điện máy, các điểm bán quần áo, giày dép tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh từ 20%- 30%, thậm chí đến 50%. Tuy nhiên, trên thực tế đó chỉ là “chiêu” của các nhà bán lẻ nhằm thu hút khách.
Quảng cáo giật gân để hút khách
Đối với các mặt hàng điện máy, điện gia dụng, tại các điểm bán luôn có hàng ngàn mặt hàng nhưng thực chất chỉ có vài chục mặt hàng là có giảm giá và mức giảm giá cũng không đủ lớn như quảng cáo.
Ông Huỳnh Bảo Tuấn, giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng điện gia dụng, cho biết khảo sát các đợt giảm giá gần đây cho thấy tỉ lệ hàng giảm giá chỉ chiếm 5%- 7% so với số hàng bày bán. Thậm chí chỉ có một vài model cho một dòng sản phẩm là có giảm giá thật sự, còn lại đều bán với giá cao hơn thị trường từ 5%- 10%. Mức giảm giá cũng thấp hơn nhiều so với mức các trung tâm điện máy quảng cáo là 30%- 50%...
Một hiện tượng cũng rất đáng lưu ý là trong tháng 12-2009, các nhà bán lẻ đua nhau giảm giá thì nay khi sức mua tăng lên họ lại đẩy giá lên cao rồi công bố chương trình khuyến mãi. Kết quả là người tiêu dùng dù mua được hàng khuyến mãi nhưng giá vẫn cao hơn hẳn đợt trước.
Chẳng hạn mặt hàng tivi LCD 32 inch của Sony trong đợt khuyến mãi của tháng 12-2009 giá chỉ còn 6,5 triệu- 6,7 triệu đồng/cái thì nay giá khuyến mãi tăng lên 7,5 triệu- 7,8 triệu đồng/cái. Tivi LCD 32 inch của Sharp từ mức khoảng 6 triệu đồng thì nay nâng lên 6,5 triệu- 7 triệu đồng/cái. Các mặt hàng lò vi sóng, nồi cơm điện, máy giặt... thuộc diện khuyến mãi cũng có tình trạng tương tự.
Ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc marketing Khu Mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, cho biết một số nhà bán lẻ đưa ra mức giá cao rồi giảm giá, mục đích là để đánh vào tâm lý người tiêu dùng là mặt hàng đó đang giảm giá cả triệu đồng/cái.
Cận Tết, tràn ngập các điểm bán hàng treo bảng giảm giá 50% - 70%
(ảnh chụp trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 - TPHCM)Ảnh: T.Thạnh
Đại diện nhiều hãng điện tử cũng cho rằng các nhà bán lẻ đưa ra mức giá cao rồi khuyến mãi giảm giá mạnh là kiểu quảng cáo giật gân nhằm lôi kéo khách hàng. Nguyên nhân là do hiện nay các hãng sản xuất điện tử không kiểm soát được giá bán lẻ trên thị trường, quyền quyết định giá bán hoàn toàn do các nhà bán lẻ.
Gần đây các điểm bán lẻ hàng điện máy còn tung “chiêu” mới là bày bán khá nhiều thương hiệu lạ với mức giá không thua gì các nhãn hiệu nổi tiếng sau đó công bố giảm giá 20%- 30% nhưng tính ra giá vẫn rất cao so với giá thực.
Hàng giảm giá: Tiền nào của nấy
Khảo sát quanh các shop quần áo thời trang, giày dép, các điểm bán hàng lề đường “giảm giá đến 50%, sale off đến 70%” trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), Nguyễn Trãi (quận 5- TPHCM)... chúng tôi nhận thấy lượng khách ra vào khá thưa thớt. Tuyết Phương, nhân viên bán hàng trên đường Nguyễn Trãi, cho biết: “Chiêu” treo bảng giảm giá không còn “ép phê” mạnh như trước vì nhiều người đã cảnh giác...
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, hiện đang có hiện tượng một số đơn vị kinh doanh quy mô lớn đặt hàng giá rẻ, chất lượng thấp để làm hàng khuyến mãi, kể cả một số siêu thị. Chị Hải Lam, nhà ở quận 5, cho biết vừa mua quần jeans, áo thun giảm giá trong một siêu thị ở quận 6, về giặt bị ra màu, mới mặc 2-3 lần đã bị dãn. Trong khi đó, cũng nhãn hiệu này nhưng chị mua ở các cửa hàng bên ngoài, giá cao hơn khoảng 10.000 đồng – 20.000 đồng/cái, đẹp và bền hơn.
Chủ một cơ sở may mặc tại TPHCM thừa nhận: Hàng bán cho siêu thị, các trung tâm mua sắm lớn và cho cửa hàng, shop có khác nhau “chút ít” về nguyên phụ liệu, mẫu mã. Nguyên nhân là hàng vào siêu thị để bán khuyến mãi chịu chi phí chiết khấu cao (20% - 25%) và phải tính toán sao cho giá bán lẻ ở những nơi này rẻ hoặc bằng giá bên ngoài. Cho nên, đừng vội ham quần áo giá rẻ, khuyến mãi mà nên chọn sản phẩm phù hợp vì “tiền nào của nấy”.
Hàng sai trọng lượng, nhãn mác còn nhiều Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố kết quả đợt thanh tra hàng đóng gói năm 2009 tại 62 tỉnh, thành. Theo đó, bộ đã thanh tra 3.131 cơ sở, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. |
(Theo L.GIANG – Đ. NGHI // Nguoilaodong Online)