Thị trường hàng không Tết năm nay có thể thiếu vắng sự góp mặt của hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines (ICA), Cục Hàng không VN đã chính thức có văn bản 236/CHK-VTHN thu hồi quyền vận chuyển hàng không nội địa của hãng này.
Indochina Airlines bất lực
Trước đó, ICA đã quyết tâm bay trở lại vào ngày 20-1 và nỗ lực chuẩn bị các điều kiện về tài chính, phương tiện, con người, đáp ứng đúng yêu cầu của nhà chức trách hàng không. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng Giám đốc ICA Hà Dũng cũng đã mạnh dạn tuyên bố ICA sẽ trở lại một cách ấn tượng với 2 máy bay, được cổ đông rót thêm 400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ông Võ Huy Cường, Trưởng Ban Vận tải Cục Hàng không, cho biết đúng vào hạn chót là ngày 20-1, ICA đã báo cáo không đáp ứng đủ năng lực tài chính do nhà đầu tư chưa hoàn tất thủ tục tài chính, tiền chuyển vào tài khoản vốn pháp định chỉ có 9 tỉ đồng trong khi mức vốn ICA phải đáp ứng là 200 tỉ đồng. Hơn nữa, ICA cũng chưa hoàn tất thủ tục thuê máy bay. “Cục Hàng không VN đã tạo thuận lợi tối đa nhưng ICA đã không thực hiện được khả năng khai thác, buộc phải thu hồi quyền vận chuyển. Chúng tôi sẽ xem xét cấp lại quyền vận chuyển hàng không cho ICA khi hãng này chứng minh đầy đủ khả năng bảo đảm khai thác theo quy định của pháp luật” - ông Cường nói.
Mặc dù website www.indochinaairlines.vn của hãng hàng không này đã mở lại, sẵn sàng cho việc bán vé và tổng đài chăm sóc khách hàng cũng chính thức thông báo với hành khách “anh/chị vui lòng liên hệ lại để mua vé vào đầu tháng 2” nhưng các chuyên gia trong ngành nhận định ICA không thể kịp bay Tết. Vì thời gian để được cấp lại thương quyền theo quy định là 15 ngày, thời gian tối thiểu để xem xét cấp phép máy bay đủ điều kiện khai thác từ 1 đến 2 ngày và quan trọng là một hãng hàng không khi có giấy phép mới được tổ chức bán vé. Trong khi đó, từ nay đến Tết Canh Dần chỉ còn 18 ngày.
Khó mua vé cho trẻ em
Hiện nay, hành khách không thể mua vé máy bay hạng phổ thông của Vietnam Airlines (VNA) cho hành trình TPHCM – Hà Nội vào những ngày cao điểm (từ 26 đến 29 Tết). Ngay cả những chuyến bay muộn trong đêm giao thừa cũng chỉ còn vài chỗ trên chuyến bay cất cánh lúc 21 giờ 30 phút. Ở chiều ngược lại, khách muốn mua được vé trong các ngày từ mùng 4 đến 8 Tết để kịp có mặt ở nơi làm việc trong ngày đầu năm mới phải chấp nhận bay từ sáng sớm, lúc 6 giờ 30 phút và 7 giờ mới có chỗ. Đối với hành khách có trẻ em đi cùng, khả năng mua vé còn khó khăn hơn vì mỗi chuyến bay chỉ chấp nhận vận chuyển 20% trẻ em dưới 3 tuổi/tổng lượng khách.
Năm nay, VNA tăng tải từ 65% -120% ở một số đường bay nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Trong đó, riêng tuyến Hà Nội - TPHCM (và ngược lại), hãng bố trí tăng cường thêm 562 chuyến, đường bay TPHCM - Đà Nẵng (và ngược lại) sẽ tăng thêm 288 chuyến. Tuy vậy, đại diện VNA cũng phải thừa nhận không thể tránh khỏi tình trạng “cháy vé” trong một số ngày cao điểm.
Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) cũng có kế hoạch tăng chuyến từ rất sớm. Vào dịp cao điểm, hãng này tăng từ 9 lên 11 chuyến/ngày (khứ hồi) trên đường bay Hà Nội – TPHCM, sử dụng hết công suất của đội bay gồm 6 máy bay đang khai thác. Việc thuê thêm một máy bay để dự phòng và tăng chuyến vào dịp Tết đến nay vẫn chưa hoàn tất và chưa thể khẳng định hãng này có thể tăng thêm một vài chuyến trong những ngày cận Tết hay không.
Sự vắng mặt của ICA cũng khiến mỗi ngày có khoảng 1.000 hành khách trên các đường bay Hà Nội – TPHCM, TPHCM – Đà Nẵng phải chuyển sang mua vé của các hãng khác.
Như vậy, năm nay dù khách đã mua vé sớm, các hãng hàng không cũng đã chủ động lên kế hoạch bay Tết từ sớm nhưng tình hình cung ứng vé vẫn hết sức căng thẳng. Theo một chuyên gia trong ngành, kế hoạch bay Tết thường được lập trước 3 tháng. Việc tăng chuyến còn phụ thuộc vào khả năng thuê máy bay, năng lực của phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên, cơ sở hạ tầng... Do đó, không phải thị trường tăng bao nhiêu, các hãng có thể tăng chuyến bấy nhiêu.
(Theo Tô Hà // Nguoilaodong Online)