Thị trường sữa VN đang chứng kiến một nghịch lý, giá sữa ngoại cao nhưng người tiêu dùng vẫn mua tơi tới, giá sữa nội thấp mà người tiêu dùng lại vẫn thờ ơ.
Theo nghiên cứu của Cục Quản lý cạnh tranh công bố mới đây, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở VN so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... nhìn chung cao hơn từ 20-60%, có trường hợp cao hơn từ 100-150%. Ví dụ, cùng là sữa Dutch Lady 1, 2, 3 nhập khẩu từ Hà Lan nhưng giá bán tại VN cao hơn ở Malaysia khoảng 30%; sữa Pedia Sure bán tại VN có giá cao hơn ở Thái Lan khoảng 20%, cao hơn ở Malaysia, Indonesia khoảng 25-30%.
Trong khi đó, thực tế là giá sữa ngoại tại thị trường VN cao không phải do giá thành phẩm cao bởi hầu hết các yếu tố chính tạo ra giá thành phẩm đã giảm đáng kể, ví dụ: giá sữa nguyên liệu; thuế nhập khẩu nguyên liệu.
Đi tìm căn nguyên
Căn nguyên của việc vì sao sữa ngoại vẫn hút hàng trong khi giá cao hơn nhiều so với sữa nội, và so với cả thu nhập của người tiêu dùng, đã được chỉ rõ. Có cả những nguyên do được coi là hình thức cạnh tranh không lành mạnh như chia sẻ hoa hồng trực tiếp đến người mua, đến các bác sĩ, y tá tại các bệnh viện, ngôn từ quảng cáo gây ngộ nhận cho người tiêu dùng... Nhưng cũng có cả những nguyên nhân được coi như các chiêu bài làm hài lòng “thượng đế” khách hàng như hội thảo – vui chơi, tặng thẻ VIP, đổi hoặc tặng quà; đánh trúng tâm lý của các bậc cha mẹ như mong con khoẻ mạnh, thông minh, thần đồng... Công bằng mà nói, họ cũng có điểm đáng chê, nhưng cũng có những điểm mà DN sữa VN cầu thị cần học hỏi ở nghĩa là kinh doanh thì phải biết được tâm lý và làm hài lòng khách hàng.
Bên cạnh đó, có ý kiến còn cho rằng, tình trạng sữa ngoại chiếm ưu thế trên thị trường còn có nguyên nhân từ điểm yếu nội tại của ngành sữa VN. Hầu hết các sản phẩm sữa bột của VN chưa tạo được sự tin dùng, ra đời từ những DN ít có đầu tư cơ bản cho công nghệ và chất lượng. Điều này khiến sữa nội bị “lép vế” trước sữa ngoại ngay trên sân nhà.
Bắt đầu từ đâu ?
Theo tính toán của giới chuyên gia, nếu nhà sản xuất sữa làm đúng quy định thì chi phí phân phối, nhân sự, marketing không quá 20% giá thành sản phẩm. Nhưng theo những ví dụ đã nêu ở các phần trên, giá của sản phẩm sữa ngoại đã tăng thêm 0,6-0,8 lần so với giá vốn cho công ty phân phối. Theo kết quả thanh tra giá bán, giá thành của một số DN sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn TP HCM do Đoàn kiểm tra liên ngành của TP HCM tiến hành mới đây, chi phí quảng cáo, khuyến mãi của Mead Johnson (nhà phân phối là Cty TNHH Tân Tiến) chiếm hơn 56% tổng chi phí trong quý 4/2008, chiếm gần 33% tổng chi phí trong quý 1/2009, trong khi theo Luật cạnh tranh thì chi phí quảng cáo tối đa chỉ được chiếm 10%. Như vậy, dễ nhận thấy giá sữa ngoại đã bị đẩy lên cao ở khâu nào.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã khẳng định: Cục sẽ siết chặt việc xem xét các ngôn từ quảng cáo. Bên cạnh đó, một kiến nghị đã được nhắc tới là tăng cường sự tham gia của các chuyên gia dinh dưỡng trong việc điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tránh tình trạng sữa ngoại thì tin dùng, sữa nội thì thờ ơ.
(Theo Thanh An // Diễn đàn doanh nghiệp)