|
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách (THCS), Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN cho biết: “Trong quá trình xem xét, chúng tôi nhận thấy nhiều nơi xây dựng giá dịch vụ y tế còn chưa hợp lý, chưa đúng với chất lượng dịch vụ”.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Ban THCS, BHXH Việt Nam) cho biết, BV C.R khi xây dựng giá 8 triệu đồng cho một ca siêu âm động mạch chủ bụng đã thống kê một số chi phí chưa hợp lý. Ví dụ như: BV kê sử dụng 2 ống thông (420.000 đồng), trong khi thực tế chỉ dùng 1 ống; số phim sử dụng trong kỹ thuật này là 4 cái được thống kê (chi phí 228.000 đồng) nhưng thực tế lại dùng đĩa CD, có chi phí thấp hơn. Thuốc cản quang thực tế dùng hết 1 lọ/ca nhưng cơ cấu giá thống kê thành 2 lọ/ca với chi phí 1.134.000 đồng.
Theo ước tính của BHXH, có nhiều dịch vụ mà chi phí bị đắt hơn so với thực tế từ 3.000-4.000 đồng/lần đến vài trăm ngàn đồng/lần thực hiện. Hầu hết đó đều là dịch vụ có tần suất sử dụng lớn. Nếu không kiểm soát thì hàng trăm ngàn lượt sử dụng dịch vụ với hàng trăm loại dịch vụ bị kê khống thì khoản chênh có thể cả tỉ đồng mỗi năm. Với dịch vụ siêu âm đen trắng, số hình trung bình là 2 hình/kết quả/bệnh nhân nhưng khi xây dựng giá, có BV cũng kê thành 4 hình ảnh với 4 tờ giấy in có chi phí 6.000 đồng, cao gấp 2 lần mức trung bình trong thực tế.
BV T.Ư H. cũng được xem là một trong những đơn vị có thống kê chưa hợp lý các yếu tố cấu thành giá dịch vụ.
Theo tính toán của BV này, siêu âm màu tim là 173.000 đồng/ca, trong đó khẩu trang thì hết 2 cái nhưng mũ lại hết 3 cái. Găng tay 8.300 đồng/hai đôi trong khi đó, giá thực chỉ khoảng 1.800-2.300 đồng/đôi. Thậm chí cùng một loại vật tư là khẩu trang nhưng ở dịch vụ Siêu âm Doppler màu tim thì đề xuất giá 1.199 đồng/chiếc nhưng với dịch vụ Siêu âm nội soi lại là 1.400 đồng/chiếc.
Tại BV này, với số lượng 221 ca siêu âm màu tim/tháng, 2.600 ca/năm thì những chi phí bị cho là tính "đắt" lên chỉ riêng với kỹ thuật này là một khoản tương đối.
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, sau khi các BV có thời gian thực hiện viện phí mới sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng dịch vụ đặc biệt là cùng với BHXH giám sát chặt chẽ việc thu phí, không để tình trạng tính giá hai lần: đã được BHYT thanh toán nhưng vẫn kê đơn để bệnh nhân phải mua.
Ông Phúc cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá với các dịch vụ giá đã lạc hậu là cần thiết, tuy nhiên sử dụng với tinh thần tiết kiệm, hợp lý nhất. Trong khi quỹ thanh toán của chúng ta chỉ đủ tiền dùng “cơm bình dân” thì các BV không nên xây dựng giá kiểu "cơm nhà hàng" sang trọng, thậm chí có tình trạng kê các yếu tố cấu thành giá còn bất hợp lý và lãng phí.
Ví dụ như có BV tính giá thành của một lần đặt Catheter đã kê số lượng thuốc tiền mê sử dụng cho một lần đặt lên đến 4 ống trong khi thực tế chỉ sử dụng không quá hai ống. Ngay với giá thuốc tiền mê cũng bị đội lên 22.000-23.000 đồng/ống trong khi giá của Bộ Y tế đưa ra là 14.000 đồng/ống.
Có BV thống kê một ca phẫu thuật nội soi ruột thừa dùng hết 12 gói chỉ nhưng thực tế, trung bình chỉ 3-5 gói.
Hiện chỉ có 15 tỉnh, thành phố chưa thực hiện giá viện phí mới là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Đắk Lắk và Gia Lai. Các địa phương còn lại hiện đã thực hiện viện phí mới hoặc bắt đầu thu theo giá mới từ ngày 1-8. BHXH VN đã có văn bản gửi các địa phương có giá phê duyệt cao bất hợp lý đề nghị rà soát lại và thực hiên theo lộ trình chứ không áp ngay giá cao. |
Nam Sơn // Thanh Niên