Tình hình kinh tế quý I năm 2008 nước ta có những diễn biến bất lợi ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân, đe doạ đến ổn định vĩ mô như: Lạm phát cao, giá tiêu dùng tháng 3 đã tăng 9,19%; nhập siêu lên tới hơn 7 tỷ USD, tăng 62,5% và bằng 56,5% kim ngạch xuất khẩu… Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã xác định kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng.
![]() |
Thác Deraysap, Dak Nông |
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Dak Nông lại đề xuất với Tỉnh ủy chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh sản xuất – kinh doanh, phấn đấu không giảm mục tiêu tăng trưởng! Phải chăng quan điểm này mâu thuẫn với mục tiêu hiện nay của Chính phủ?
Quan điểm của Chính phủ ở tầm vĩ mô là giảm mục tiêu tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, tập trung ổn định kinh tế - xã hội vì an sinh xã hội và hiệu quả của nền kinh tế. Nhưng ở tầm vi mô, mỗi địa phương, tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế - xã hội cụ thể của mình, có thể đưa ra những chiến lược, chính sách phù hợp. Nói cách khác, mức độ ảnh hưởng từ những bất lợi bên ngoài (thời tiết, dịch bệnh, lạm phát, nhập siêu, giá nhiên liệu, sắt thép nhập khẩu tăng cao, tiền tệ - tín dụng…) cũng như sự tác động trực tiếp từ các chính sách vĩ mô của Chính phủ đến các tỉnh là còn tùy thuộc vào đặc điểm cơ cấu kinh tế, lợi thế cạnh tranh, độ mở nền kinh tế, mức độ tài trợ của ngân sách nhà nước cũng như cơ cấu đầu tư của từng địa phương …
Bản chất kinh tế Dak Nông là nền kinh tế tài nguyên, với cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; tỷ trọng GDP công nghiệp – xây dựng không lớn (22%), trong đó công nghiệp chiếm chưa tới 50%, đa phần là sản phẩm thô truyền thống, sử dụng nhiên liệu dầu mỏ không nhiều; độ mở nền kinh tế chỉ bằng một nửa so với cả nước; cơ cấu đầu tư chủ yếu là các chương trình mục tiêu quốc gia và công trình kết cấu hạ tầng cấp thiết… Chính vì vậy, tác động của nhóm các yếu tố bên ngoài và các giải pháp kiềm chế lạm phát vĩ mô của Chính phủ đến nền kinh tế địa phương cũng có sự khác biệt so với tình hình chung của cả nước.
Nhìn chung sự tác động bất lợi của các yếu tố bên ngoài cũng như một số chính sách vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ, chính sách tài khóa tiết kiệm cản trở không lớn đến tăng trưởng kinh tế địa phương, trừ lĩnh vực đầu tư - xây dựng. Thực tiễn kết quả thực hiện Quý I/2008 cho thấy, tình hình kinh tế địa phương vẫn tiếp tục phát triển thuận lợi: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,5%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa - dịch vụ tăng 43,7%, thu NSNN tăng 64,6%; dư nợ tín dụng tăng 2,8% (khoảng 51 tỷ); doanh số cho vay khoảng 560 tỷ;...
Như vậy, tập trung nguồn lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là sản xuất nông nghiệp đảm bảo duy trì mục tiêu tăng trưởng đầu năm là chủ trương nhạy bén, sáng tạo, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thực hiện tốt sẽ giúp cho nền kinh tế địa phương tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Tất nhiên không thể tách rời mục tiêu chống lạm phát; bởi lẽ, lạm phát giảm sẽ làm thu nhập GDP thực tế của người dân sát gần với giá trị danh nghĩa. Duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát là sự chọn sáng suốt, tối ưu trong điều kiện kinh tế cụ thể của địa phương cho phép. Sự lựa chọn này không hề mâu thuẫn với các giải pháp kinh tế vĩ mô của Chính phủ, mà là kết quả tất yếu của sự nỗ lực triển khai các giải pháp đó vào điều kiện cụ thể của địa phương.
Trong điều kiện thời tiết, giá cả nông sản tiếp tục thuận lợi, bằng các giải pháp tập trung điều hành đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; chủ động, mạnh dạn tháo gỡ những vướng mắc trong xây dựng cơ bản, nhất là quy trình điều chỉnh giá nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư; kiên quyết thực hiện việc cắt giảm chi phí hành chính và đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư (ICOR); rà soát khả năng cung ứng tín dụng trên địa bàn toàn Tỉnh để có biện pháp chỉ đạo điều hành theo hướng thúc đẩy sản xuất phát triển, hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo… Dak Nông sẽ sớm vượt qua khó khăn hiện nay và đạt kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, Dak Nông cần phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vào công cuộc kiềm chế lạm phát, giảm nhanh chỉ số giá tiêu dùng so với mức bình quân chung cả nước, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như: lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng... Chống lạm phát là nhiệm vụ chung của cả nước, nhưng kiềm chế rút ngắn khoảng cách giá là nhiệm vụ và trách nhiệm của địa phương, của những người mang trọng trách đối với nhân dân trong Tỉnh./.
(ThS. Trần Mạnh Đương - Tạp chí kinh tế và dự báo)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com