Hàng chục di tích, phế tích cấp tỉnh, cấp quốc gia ở Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi thời gian và sự quên lãng của con người. Phải chăng chúng ta đang chỉ nhìn thấy Hội An, Mỹ Sơn mà bỏ qua nhiều địa chỉ có ý nghĩa văn hóa lớn?
Toàn cảnh lăng mộ Đoàn Quý Phi trong hoang tàn . Ảnh: Nam Cường |
Trời âm u, thi thoảng những con gió len vào da thịt lạnh như cắt, con đường lên thánh địa Mỹ Sơn héo hút đổ dài bên triền sông Thu. Bên đường, bóng cờ lau trắng phau phơ phất.
Thương phận dâu tằm
Người xứ Quảng quan niệm tháng 10 (âm lịch), lúc lau trổ bông trắng xóa là vùng trũng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn không còn lũ. Rừng lau bời bời bên bờ sông đẩy lùi ký ức dâu tằm về dĩ vãng. Phận dâu tằm Duy Xuyên giờ cũng chỉ là những ký ức mỏng manh trong trí nhớ của lớp người già. Con dân Duy Xuyên giờ đã đóng khung gác cửi tứ tán vào Nam làm ăn bởi cái đói nghèo và... tránh lụt.
Ký ức dâu tằm, có chăng chỉ tái hiện qua vài lần lễ hội, nơi người ta đua nhau phục dựng để cánh phóng viên quay phim chụp ảnh. Phận dâu tằm, dẫu sao vẫn còn được hiện diện trong nhiều lễ hội, còn số phận lăng mộ của bà chúa dâu tằm hiu hắt hơn nhiều.
Cũng đã lâu lắm rồi tôi không về lại Mỹ Sơn, giờ đi ngang làng Chiêm Sơn hỏi lăng mộ Đoàn Quý Phi lại càng khó gấp bội. Con đường vào mộ bà giờ đã khác xưa, lổn nhổn đất đá trong khung cảnh tiêu điều. Tôi khựng lại bên đường bởi tấm bảng lờ mờ không rõ chữ: “Lăng mộ Đoàn Quý Phi - Di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh theo QĐ số 436 QĐ/UBND ngày 15-2-2005 của UBND tỉnh Quảng Nam. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại di tích - Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Duy Xuyên”.
Sách xưa chép lại, bà Đoàn Quý Phi (1601-1661) người gốc Duy Trinh, là vợ của Hiếu Chiêu Hoàng đế Nguyễn Phúc Lan (1563-1648) và là thân mẫu của Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần. Lăng mộ của bà được xem là lăng mộ cổ nhất triều Nguyễn ở phía Nam, được xây dựng vào thế kỷ 16.
Hằng năm cứ đến ngày 24-3 âm lịch, nhân dân quanh vùng và tộc họ thường làm lễ dâng hương để tưởng niệm. Người dân xứ Quảng, đặc biệt vùng Duy Trinh mang ơn bà Đoàn Quý Phi bởi bà là người khai sinh nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Bà được mệnh danh là Bà chúa Tằm Tang.
Con dân xứ Quảng, từ Điện Bàn, Đại Lộc đến Duy Xuyên còn truyền lại giai thoại cuộc gặp gỡ vô cùng lãng mạn giữa Chúa thượng Nguyễn Phúc Lan và bà bằng mấy câu thơ: Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng-Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa-Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu-Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình.
Tôi còn nhớ độ tháng trước, không tin lời anh bạn ở Duy Trinh, cá rằng làng dâu tằm giờ chỉ còn đúng… một hộ trồng dâu nên đã lên đường về Duy Trinh, không ngờ sự thật còn thê thảm hơn nhiều. Mấy trăm hộ dân Duy Trinh ngàn đời sống nhờ những triền dâu xanh mướt bên dòng Thu Bồn giờ gác cửi lên mái bếp, tứ tán đi làm ăn xa.
Tiếng thoi đưa lách cách giờ không còn, triền dâu xanh mướt nhường chỗ cho lau lách cỏ dại. Lão nông Nguyễn Điền Quang (Chiêm Sơn) nói: “Lụa tơ tằm làm thủ công bán chẳng ai mua, đẹp thì có đẹp nhưng giá rẻ mạt khiến bà con bỏ nghề. Vẫn biết là giữ gìn truyền thống nhưng đói quá chịu không thấu”.
Chẳng hiểu sao, bỏ dâu tằm nhưng những bãi bồi ven sông Thu cũng không làm nên trống gì. Số phận dâu tằm của Bà chúa Tằm Tang đã thế, lăng mộ bà cũng chẳng nghĩa lý gì, bởi ven chân núi Chiêm Sơn kia, nói không chừng vài năm nữa chỉ còn là phế tích.
Hoang tàn
Nhờ tấm biển lờ mờ không rõ chữ, tôi vạch lối tìm đường vào khu lăng mộ. Nhưng tuyệt nhiên, ngoài đất đá bùn lầy và những đống phân trâu bò bẩn thỉu, không thể thấy đường vào. Mãi sau, một cậu bé chăn trâu ven núi, mới chạy đến mách rằng, đi vòng sang phía bên kia, nơi mép ruộng sình lầy, mới thấy hai cái cổng sơn vàng đã gỉ mắt sét mở toang hoác.
Không nhờ tấm biển này, ai biết lăng mộ Đoàn Quý Phi? |
Chẳng cần tác động nhiều, chỉ cần đẩy nhẹ, cánh cổng sắt vốn đã mở sẵn bung ra từng mảng gỉ. Trước mắt tôi chỉ còn lại một khu quần thể lăng mộ hoang tàn. Gọi khu quần thể lăng mộ, bởi tôi đã đọc được tấm bảng ở mé tây nam ven đường.
Ngoài lớp sình lầy ở phía ngoài cùng, khu thành ngoài có đến 4-5 chỗ toang hoác, trơ gạch đã rêu phong phủ bám theo thời gian. Khu thành trong lại càng hoang tàn gấp bội bởi sự xuống cấp nghiêm trọng. Bàn thờ chánh điện, bát nhang mâm quả xô lệch ngả nghiêng.
Gốc nhang theo mưa nắng đã mủn ra bởi sức chịu đựng thời gian. Ven lùm cây lau lách cỏ dại, bỗng đâu một con rắn lửa trườn hẳn lên thành, giương mắt gờm gờm nhìn tôi. Tôi bấm vội mấy tấm hình rồi quay xe ra khỏi núi. Xung quanh đường từ núi ra thôn Chiêm Sơn, hàng chục ngôi mộ xanh đỏ tím vàng, rồng phượng khoe sắc. Đó là những ngôi mộ của người dân.
Bát nhang ngả nghiêng trên chánh điện. |
Anh Nguyễn Văn Thành - trưởng thôn Chiêm Sơn vừa rót chén trà nghi ngút khói, mới nghe tôi xưng nhà báo đã vội trách khéo rằng, sao về lăng mộ bà mà không nói một tiếng để anh dẫn đi. Anh kể thêm rằng, dù là di tích cấp tỉnh, nhưng có ai thèm ngó ngàng gì tới.
Tôi đưa anh Thành xem những tấm ảnh hoang tàn lăng mộ, bát nhang khói ngả nghiêng, rồi trâu bò phóng uế, anh Thành gãi tai: Thì anh tính, ai mà suốt ngày ra đứng canh ở đó. Với trách nhiệm trưởng thôn, thi thoảng tui có ra coi ngó, còn không thì cũng bỏ thôi. Dạo trước đấu tranh mãi mới làm được cánh cổng, mà cũng 7-8 năm rồi. Tui sợ cứ đà này, dăm năm nữa, lăng mộ Bà chúa Tằm Tang chỉ còn trong ký ức.
<
Bà Đoàn Quý Phi tên thật là Đoàn Thị Ngọc, con thứ ba của ông Đoàn Công Nhạn - một hào trưởng ở làng Chiêm Sơn (sau được Chúa Nguyễn Phúc Lan phong tước Thạch Quận công); gia đình chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, viết: “Năm 15 tuổi bà hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Huy Tông Hoàng đế (tức Chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, công tử Phúc Lan đi theo hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến cung hầu chúa”. Công tử Nguyễn Phúc Lan và thôn nữ họ Đoàn đã bén duyên nhau từ đó. Năm 1617 họ kết duyên và sống tại dinh trấn Thanh Chiêm. Sau đó, bà Đoàn Thị Ngọc đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa…Nhờ đó mà nghề tằm tang ở Đàng trong được mở mang vào đầu thế kỷ 17. Cũng từ đó, cảng thị Hội An đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế xuyên đại dương ở thế kỷ 17-18. Các nhà nghiên cứu cho hay, sở dĩ hoàng hậu họ Đoàn có tên là Đoàn Quý Phi, là do mẹ chồng bà cũng là hoàng hậu nên gọi vậy để tránh phạm húy. |
(Theo Nam Cường // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com