Mặc dù có một vài điểm chưa đồng ý về quan niệm “thị trường tự do... là tự do thuận mua vừa bán”, nhưng tôi đồng tình với ông Lê Văn Triết về vai trò của các công ty, các tổng công ty, các tập đoàn quốc doanh
![]() |
Ngày nay, khái niệm kinh tế tự do luôn luôn được đi kèm với vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước thông qua các công cụ thuế, lãi suất, tỷ giá hối đoái... cùng các quy định, luật lệ về tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ, giá cả. Nếu Chính phủ có “đẻ” ra các công ty, các tổng công ty hay tập đoàn quốc doanh thì cũng – nói cho cùng – là chỉ để làm các nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng trong nước mà thôi. Các đơn vị quốc doanh nêu trên có nhiệm vụ sản xuất (và kinh doanh) các mặt hàng mang tính chiến lược mà tư doanh chưa muốn làm (vì lợi nhuận thấp, thiếu vốn, chưa nắm vững thị trường, chưa có điều kiện kỹ thuật), không thể làm (vốn quá lớn, có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà Nhà nước giành độc quyền). Và sau khi sản xuất kinh doanh thành công, các đơn vị quốc doanh nêu trên thường được giải tư (cổ phần hoá) cho tư doanh, nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Loại đơn vị quốc doanh nêu trên tại các nước tiên tiến như Bắc Âu thường không được giao nhiệm vụ điều tiết thị trường, bảo đảm an ninh tiêu dùng, mà cũng chỉ sản xuất kinh doanh thuần tuý theo nền kinh tế thị trường. Không có chuyện như một số tổng công ty của ta vừa làm kinh doanh, vừa làm an toàn quốc gia, khiến tay mặt (kinh doanh) đè tay trái (nhiệm vụ an toàn), đè luôn nhà sản xuất ) bằng “thu mua có định lượng, định giá” và đè luôn các đơn vị kinh doanh khác của các tỉnh và tư doanh bằng “quyền lực” mà Chính phủ giao cho như “điều hoà” thị trường xuất khẩu, thực hiện vai trò “chủ đạo”. Phải chăng đó là “thay vì cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, (các tập đoàn) chủ yếu quay về bắt chẹt tư nhân và doanh nghiệp nhỏ hơn ở trong nước”; phải chăng đó là do “khái niệm định hướng đã không được định nghĩa rõ ràng” như ông Lê Văn Triết nói?
Nhìn lại tình hình sản xuất và kinh doanh lúa gạo trong vòng 10 năm qua, nhiều lúc chúng tôi không khỏi chạnh lòng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chưa có vùng nào trong cả nước có năng suất và sản lượng gia tăng đều đặn, mặc dù diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp như ĐBSCL. Cũng chưa có vùng nào mà công ty lương thực của các vùng khác có mặt “trên từng cây số” tại các tỉnh trọng điểm lương thực để khai thác gạo xuất khẩu như tại ĐBSCL. Do đó tuy nói là gạo xuất khẩu của cả nước, nhưng kỳ thực đó là gạo của ĐBSCL, hay ít ra cũng 98 – 99%. Nhưng số lượng xuất cũng “ì à ì ạch”, “khi thăng khi giáng” tuỳ theo đơn vị “điều tiết” có tìm được thị trường hay không, nhưng luôn luôn có tốc độ cao hơn sản lượng (3,2%/năm so với 2,5%/năm), trong 10 năm gần đây lượng gạo xuất chiếm khoảng 45 – 50% lượng gạo làm ra. Người dân đã chán cảnh hễ xuất được thì đơn vị “điều tiết” mua, không xuất được thì ngưng mua, đổ thừa cho an ninh lương thực, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh nhỏ hơn ở trong nước tìm được thị trường xuất khẩu thì bị làm khó dễ bằng nhiều lý do. Giá cả cũng thường bất lợi cho nông dân do chính sách định giá của đơn vị “chủ đạo” luôn luôn thấp hơn giá gạo đồng chủng loại của Thái Lan từ vài chục đến hàng trăm USD/tấn (do tranh bán hay do thiếu ổn định thị trường?). Cụ thể là trong mấy tháng đầu năm 2009 này, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái là 608 USD/tấn thì của Việt Nam cao nhất là 405 USD/tấn. Chính phủ Thái đã biết dùng Kho an toàn lương thực để ổn định giá (cho thu nhập, đầu tư và tiêu dùng của nông dân) cho dân, trong khi chúng ta cũng có chính sách an toàn lương thực, nhưng đến khi tình hình thị trường gạo trong nước biến động (2008) thì không thấy nhiệm vụ “an toàn lương thực” ở đâu, vì... không có kho an toàn... Các chợ gạo đầu mối được đầu tư hàng chục tỉ đồng thực chất chỉ là các kho thu mua tồn trữ kiếm lời của đơn vị quốc doanh chủ đạo.
Lại nói về giá, ngay trong bốn tháng đầu năm 2009, trong khi giá gạo xuất khẩu có khuynh hướng dao động trong mức 380 – 405 USD/tấn, thì giá gạo ăn trong nước vẫn ở nguyên mức từ 10 đến 12 triệu đồng/tấn, nếu tính theo tỷ giá hối đoái của ngân hàng Ngoại thương là 17.784 đồng/ USD (cuối tháng 4.2009), tương đương với 562 – 675 USD/tấn, ngang bằng với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Tại sao người tiêu dùng Việt Nam phải ăn gạo với giá cao hơn giá xuất khẩu? Xuất khẩu với giá thấp để tạo ngoại tệ cho quốc gia, ai được hưởng lợi và nông dân được hưởng lợi gì? Thiết tưởng người dân cần biết và cần có câu trả lời và đáp ứng minh bạch, cụ thể.
Và nếu giá xuất khẩu được nâng lên bằng mặt bằng của gạo ăn trong nước và của thế giới thì khoản chênh lệch này chắc sẽ là một khoản thu nhập rất lớn cho đất nước, và nếu được bỏ vào quỹ Bình ổn giá lúa gạo, để khi gặp khó khăn sẽ xuất ra làm gói kích thích đầu tư và tiêu dùng lớn cho nông thôn, nông nghiệp và nông dân, chưa phải cần đến ngân sách kích cầu của Chính phủ. Thiết tưởng bất cứ nhà kinh tế nào của Chính phủ cũng đều có thể tính được khoản thu nhập (để kích cầu) này.
Như đã có lần chúng tôi đề nghị: Chính phủ hãy trả các tập đoàn này trở lại với vai trò kinh doanh thuần tuý, bình đẳng cạnh tranh với tư doanh và các doanh nghiệp nhỏ, để bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất và giới tiêu thụ trong nước, đồng thời tạo “cơ hội” cho họ “ra biển lớn” làm ăn với quốc tế, tạo lợi ích cho quốc gia. Hãy cất giùm cho họ vai trò điều tiết, vai trò an ninh lương thực để họ làm ăn hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, cho quỹ Bình ổn giá. Nên chăng?
![]() |
( Theo Nguyễn Văn Sơn // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com