Mười năm trước, khi người tiêu dùng đã bình chọn được hơn 300 doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Bí thư Thành uỷ lúc đó là ông Trương Tấn Sang, trong một phát biểu đã gọi chương trình bình chọn này là một cuộc vận động lớn cho phong trào người Việt dùng hàng Việt. Cuộc vận động đó đã được chương trình mở rộng bằng những hội chợ triển lãm từ Bắc chí Nam, phát động phong trào doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt về làng, quảng bá hàng Việt trên các trạm phát thanh từ huyện đến xã ở đồng bằng sông Cửu Long... Người ta có thể đo lường được mức độ hưởng ứng của người dân từ các siêu thị đến các chợ làng xã trên cả nước, duy có một khách hàng đặc biệt đến nay vẫn chưa đáp ứng lời kêu gọi này, và các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được, đó là Chính phủ.
Trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá mặt hàng, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng các công tác khuyến mãi... nhằm cung ứng cho người tiêu thụ những sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mặt hàng phong phú hơn, mẫu mã bắt mắt hơn, mặt hàng dễ làm quen và nhất là dễ tìm mua hơn. Một số không nhỏ doanh nghiệp đạt các danh hiệu tiêu chuẩn chất lượng ISO, tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia, tiêu chuẩn cấp quốc tế... Những nỗ lực đó đã được người tiêu dùng trong mọi tầng lớp nhân dân đáp ứng lại qua việc tin tưởng chọn mua, từng bước đẩy lùi hoặc thay thế các mặt hàng ngoại nhập trên thương trường. Nhưng cũng chỉ có một khách hàng đặc biệt đến nay vẫn chưa có một chủ trương nào chọn mua hàng Việt Nam trong cơ cấu chi tiêu ngân sách hàng năm, đó là Chính phủ. Việc bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ ban hành quy định cước phí vận tải bằng tiền ngân sách phải vận chuyển bằng tàu của các doanh nghiệp 100% sở hữu Việt Nam, ngày 5.7.2000, là thể hiện tinh thần chi ngân sách phải là động lực phát triển kinh tế trong nước, nhưng đến nay hình như vẫn chưa được chấp thuận.
Hàng năm chi ngân sách quốc gia lên đến 300.000 – 400.000 tỉ đồng, trong đó chi cho mua sắm khoảng 20%, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ của cả nước. Chính phủ là người tiêu dùng vừa lớn nhất vừa đa dạng nhất nếu ngân sách có chủ trương các đơn vị nhà nước phải dùng hàng Việt trong mọi mua sắm |
Hàng năm chi ngân sách quốc gia lên đến 300.000 – 400.000 tỉ đồng, trong đó chi cho mua sắm khoảng 20%, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ của cả nước. Chính phủ là người tiêu dùng vừa lớn nhất vừa đa dạng nhất nếu ngân sách có chủ trương các đơn vị nhà nước phải dùng hàng Việt trong mọi mua sắm. Nếu các khoản chi ngân sách của 120 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, 600 quận huyện thị xã và 10.000 phường xã thị trấn được tổ chức hướng về tiêu thụ hàng Việt Nam thì đây là cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.
Tại các nước trên thế giới, một khi trong nước đã sản xuất hàng hoá dịch vụ đủ cung ứng cho nhu cầu và chất lượng tương đối tốt so với hàng ngoại nhập, các khoản chi của ngân sách đều phải nhắm đến việc tiêu thụ các hàng hoá dịch vụ trong nước. Họ tổ chức các đơn vị gọi đấu thầu công khai cung cấp cho các cơ quan Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, từ dân sự đến quân sự, từ vật phẩm nhỏ nhất như cây kim sợi chỉ cho đến những hàng hoá cồng kềnh như máy bay. Các dịch vụ về ngân hàng, vận tải... cũng vậy, đều sử dụng “hàng nội địa”. Gần đây là quyết định của Chính phủ Mỹ là chỉ chấp nhận hỗ trợ các khoản chi đầu tư nếu đơn vị tiếp nhận sử dụng vật liệu xây dựng trong nước. Chưa nghe ai nói quyết định đó là đi ngược với nguyên tắc tự do của nền kinh tế thị trường!
Để phát triển sản xuất hàng hoá và dịch vụ, thị trường là yếu tố then chốt. Chi tiêu mua sắm của Chính phủ là thị trường tập trung nhất của các doanh nghiệp; nói khác hơn Chính phủ là người tiêu dùng chiến lược của hàng Việt. Chính phủ dùng tiền của nhân dân để mua sắm hàng hoá trong nước thì cũng là để tăng trưởng GDP và từ đó tạo nguồn thu nhiều hơn cho ngân sách. Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt và chủ trương kích cầu thiết nghĩ phải được bắt đầu từ Chính phủ.
( Theo Nguyễn Văn Sơn // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com