Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đường tới "thiên đường": Bĩ cực mà chẳng thái lai (Kỳ 2)

Do sống chủ yếu trong rừng nên báo chí và dân địa phương thường gọi họ là "Người Rừng." - tinkinhte.com
Do sống chủ yếu trong rừng nên báo chí và dân địa phương thường gọi họ là "Người Rừng." (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)

Theo những người Việt ở rừng tại Angres, để đến được Pháp, người ít tiền thường bắt đầu bằng đường thủy, sang Trung Quốc rồi qua Nga. Những người "sang" hơn thì đáp máy bay tới thẳng Nga, hoặc Cộng hòa Séc.

Sau đó, họ tiếp tục một lộ trình khá giống nhau: băng qua một số nước Đông Âu để vào EU, đến Pháp rồi sang Anh, điểm đến cuối cùng và cũng là "thiên đường" mà tất cả những người Việt nhập cư bất hợp pháp hướng tới.

Giá cả cho chuyến đi có thể dao động từ 6.000-16.000 USD, tùy theo phương tiện để đến Pháp, điểm dừng chân cuối cùng trước khi sang Anh.

"Nghe mô tả thì thấy thật suôn sẻ, nhưng có dấn thân vào rồi mới thấy nó cay cực đến thế nào," người đàn ông tự xưng là Long, 43 tuổi, làm nghề lái taxi ở Đồng Hới, tâm sự với một giọng chua chát.

Anh kể: "Ở nhà, lương tài xế chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. Chẳng đủ sống. Nghe nói đến Anh có thể kiếm được nhiều tiền, chỉ vài tháng làm việc là đủ để trang trải nợ nần và có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Thế là tôi quyết định ra đi."

Những tưởng có thể phất lên nhanh chóng, anh Long tìm đến môi giới để thực hiện giấc mộng làm giàu của mình. Sau khi thủ tục hoàn tất, tiền đã nộp, anh khăn gói hồ hởi lên đường, để lại nơi quê nhà người vợ trẻ với hai đứa con, một món nợ và cả niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn mà chồng-cha họ sẽ mang về nay mai.

Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản như vậy. Sang đến Nga, cuộc hành trình gian nan và vất vả của anh mới thật sự bắt đầu. Người dẫn đường đưa anh Long cùng một nhóm người đi bằng nhiều phương tiện khác nhau từ Nga, vượt qua các nước Đông Âu và Trung Âu để tới Pháp.

Trong suốt mấy tháng trời, họ trèo đèo, lội suối, vượt rừng để tránh sự kiểm soát của lực lượng kiểm tra biên giới. Phương tiện hỗ trợ chỉ là một chiếc la bàn để định hướng và chiếc bản đồ để xác định nơi đến. Lương thực đi đường chỉ là chai nước và chiếc bánh mì được phân phát mỗi ngày.

Đôi mắt anh Long vụt mờ đi khi những kỷ niệm kinh hoàng trở về trong ký ức: "Có những tuần đi triền miên trong rừng, mệt quá cũng chỉ được nghỉ vài tiếng mỗi ngày. Càng đêm tối, càng phải đi để dễ trốn hải quan và công an. Mùa hè còn đỡ, khi mùa đông đến, rét thấu xương thịt. May thì vẫy được xe đi nhờ, nếu không phải chấp nhận đi bộ."

Anh Long cho biết khó nhất là chặng vượt qua biên giới hai nước Bulgaria và Hungary, vì đây chính là cửa khẩu vào EU nên việc kiểm soát vô cùng gắt gao.

Chẳng may gặp phải lính biên phòng hay cảnh sát đi tuần, người may mắn thoát được thì đi tiếp, những người không may bị bắt lại, bị nhốt vào đồn biên phòng, đến lúc được thả ra, lại tìm đường về nơi tập kết cũ, chờ cơ hội có đoàn khác thì nhập vào.

Nơi đất khách quê người, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết, cuộc sống chỉ trông chờ vào hai chữ rủi may. Căng thẳng, sợ hãi, lang thang, chui lủi…, cứ như vậy đến 4 tháng ròng anh Long mới tới được Calais.

Với giọng hài hước pha lẫn chua chát, anh Long công nhận cái mà anh có được trong chuyến đi "sống dở chết dở" vừa qua là khả năng xem bản đồ, định hướng bằng la bàn và kinh nghiệm nhảy xe tải đường dài.

Đàn ông đã vậy, phụ nữ còn vất vả, khổ sở trăm lần. Khó khăn lắm tôi mới bắt chuyện được với cô gái trẻ tên Thủy, 26 tuổi, đến từ Hải Phòng. Là con gái duy nhất trong gia đình, bố mẹ tuy không giàu, nhưng cũng không để Thủy thiếu thốn.

Nghe người ta quảng cáo đến Anh dễ kiếm tiền, hai ông bà đã chiều con, bán đi ngôi nhà mình đang ở để trang trải cho chuyến đi. Thủy cùng Hoa, cô bạn gái thân, lên đường xuất ngoại với ước vọng tìm được một cuộc sống sung sướng hơn. Nhưng giờ đây, bản thân họ không dám chắc tương lai sẽ tốt đẹp hơn ở nhà.

Không kể ra, nhưng khuôn mặt nhỏ nhắn của cô còn vương lại những nét thảng thốt, sợ hãi, dấu ấn của một cuộc hành trình đầy ác mộng.

Thủy rụt rè tâm sự: "Em cũng không ngờ chuyến đi lại kinh hoàng đến thế. Em cảm thấy bị hủy hoại cả về thể xác, lẫn tâm hồn. Nhiều lúc tủi cực chỉ muốn chết, nhưng lại không dám. Em cũng không dám gọi điện về nhà sợ bố mẹ em biết sẽ khổ sở vô cùng."

Mặc dù đã đến được Pháp, nhưng cái đích để đạt được vẫn còn xa đối với những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Chặng đường khó nhất hóa ra lại là chặng đường ngắn nhất và gần đích nhất.

Để đi từ Pháp sang Anh, cách phổ biến là giấu mình trong những chiếc xe tải đường dài. Thường vào buổi tối, những người này lần mò ra các trạm nghỉ chân của xe tải rồi tìm cách giấu mình trong các xe.

Trời càng rét càng phải đi vì ít người để ý, quần áo càng ít càng dễ giấu mình. Nhỏ con thì nằm ép trong các khe ở dưới gầm xe, to lớn thì chui vào đống hàng hóa trong thùng xe. Phải rúc cho kỹ và sau đó mặc cho số phận định đoạt.

Người nào xui, bị cảnh sát phát hiện thì bị bắt giữ. Nếu chẳng may lên nhầm phải chiếc xe đi Bỉ, hay Hà Lan, thì lại phải tìm cách mà quay trở lại nơi này để thử vận may khác.

Người thanh niên trẻ có tên là Tiến cho biết đã tìm cách qua Anh đến cả hai chục lần, nhưng vẫn chưa sang được. Có lần trốn trong thùng xe, lạnh đến nỗi máu đông cứng, chân không cử động nổi, cảnh sát phải bế xuống và cho vào phòng ấm để khỏi bị chết cóng.

Có lần Tiến thoát được hai trạm kiểm soát rồi, vậy mà đến trạm cuối cùng ở bên Anh vẫn bị chó nghiệp vụ phát hiện. Không có giấy tờ, cũng chẳng biết tiếng Anh, bị bắt rồi cảnh sát Anh trục xuất ngược về Pháp.

Cảnh sát Pháp cũng ngán ngẩm, bắt rồi lại thả ra. Và cứ như vậy từ 6 tháng nay Tiến vẫn lang thang, vất vưởng quanh những túp lều ở bìa rừng.

Mỗi ngày một lần, những nhà hoạt động tình nguyện thay nhau mang đồ tiếp tế đến cho những người Việt ở rừng.(Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)

Những nhà hoạt động tình nguyện: Một miếng khi đói bằng cả gói khi no

Những ngày sống vất vưởng của người Việt nhập cư trái phép để chờ tới nơi "thiên đường" thật thảm thương. Có lẽ, họ sẽ khó trụ nổi nếu không có sự giúp đỡ của những người bản xứ tốt bụng, những thành viên của nhóm Fraternité Migrants - nhóm đấu tranh cho quyền bình đẳng của những người nhập cư trái phép, nhất là vào giữa mùa đông giá rét, khi nhiệt độ xuống tận dưới -7°C.

Mảnh đất nơi họ tạm cất lên những chiếc lều để tránh mưa, tránh tuyết thuộc sở hữu của một số nông dân địa phương. Không phải ai cũng đồng ý cho những người nhập cư bất hợp pháp ở nhờ, nhưng đa số có vẻ xuôi lòng trước tình cảnh của những con người đáng thương này.

Những mảnh vải bạt để dựng lều, chăn đệm, củi lửa và cả những vật dụng cần thiết tối thiểu... cũng đều do các thành viên của nhóm tình nguyện hoạt động nhân đạo mang đến.

Mỗi ngày một lần, họ thay nhau mang đồ tiếp tế đến cho những người Việt ở rừng, từ can nước đến túi khoai tây, từ quần áo đến giày dép và cả thuốc men. Hàng tuần, họ đưa những người Việt nhập cư trái phép đi tắm, đi giặt trong thành phố.

Chị Fabienne Bouny cho biết những người Việt này không gây rối như những nhóm cộng đồng khác, bởi vì mục đích của họ chỉ là tìm đường sang Anh. Hơn nữa, họ lại nhỏ con, hiền lành nên hay bị các nhóm cộng đồng khác ăn hiếp, bắt nạt. Chính vì vậy, họ được những người làm từ thiện quan tâm, chăm sóc hơn cả.

Chị cũng rất biết theo luật của Pháp, những trường hợp tiếp tay cho người nhập cư bất hợp pháp có thể bị kết án 7 năm tù và phải trả 70.000euro tiền phạt.

Thế nhưng, chị và những người trong nhóm vẫn giúp đỡ những người Việt nhập cư, bởi vì họ cho rằng hành động của mình không phải là "tiếp tay", mà đơn giản chỉ vì thấy những con người này quá đáng thương. Hơn nữa, theo chị, không có luật pháp nào cấm các hoạt động từ thiện với mục đích đơn thuần là giúp cho những người khốn khổ có điều kiện tồn tại một cách tối thiểu.

Chị Annick Pagias, một nữ y tá hoạt động tình nguyện cũng cho rằng những việc làm của chị và các thành viên khác trong nhóm Fraternité Migrants không phải là để khuyến khích, hay tiếp tay để những người Việt nhập cư chạy sang Anh, mà chỉ giúp cho họ có được điều kiện sống tối thiểu của một con người.

Chị nói: "Tình cảnh của họ thật đáng thương. Nếu không có sự trợ giúp, chắc họ không thể chịu nổi mùa đông khắc nghiệt ở nơi này. Chúng tôi giúp đỡ họ, chỉ vì chúng tôi cũng là con người."

Chị cho biết, vì mùa đông ở đây rất lạnh giá và khắc nghiệt, nên chính quyền địa phương và cảnh sát cũng chấp nhận làm ngơ để những nhà hoạt động từ thiện giúp đỡ những người nhập cư này. Tuy nhiên, chị cũng lo ngại rằng thời gian tới, khi thời tiết sẽ ấm áp hơn, chính quyền địa phương và cảnh sát sẽ dẹp bỏ những lều trại này và những người nhập cư Việt Nam cũng sẽ lại rơi vào tình trạng lang thang vất vưởng như trước kia.

Để những người Việt ở rừng có được chút hương vị ấm cúng của Tết quê hương, hai chị Xuân Phương và Tố Nga, thuộc tổ chức từ thiện mang tên "Hoa hy vọng" ở Paris cũng đội mưa gió, bão tuyết, để mang gạo nếp, bánh chưng và những thực phẩm cần thiết khác đến cho họ "ăn" Tết.

Các thành viên thuộc nhóm Fraternité Migrants còn tìm mua cả gà sống để những Việt nhập cư cúng giỗ đêm Giao thừa.

Nhờ sự trợ giúp của những người làm từ thiện, cuộc sống của người Việt ở rừng có phần dễ thở hơn. Một thanh niên có tên là Hùng cho biết, trong mấy tháng trời lang thang khắp nơi, có lẽ điểm dừng chân này là nơi anh cảm thấy cuộc sống của mình tử tế hơn cả. Ít ra là cũng còn có cơm để ăn, củi để sưởi, chăn để đắp và may mắn hơn cả là có người quan tâm và chia sẻ những nỗi đau khổ mà họ đã tự mình trải qua.

Mặc dù ai cũng biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng những sự giúp đỡ đó đã phần nào mang lại cho những thân phận đáng thương này chút hơi ấm tình người trong những ngày đông giá rét./.

Kỳ trước: Những người Việt đi tìm tương lai ảo ở nước Anh

Kỳ cuối: Thông điệp cho những người muốn tìm ảo mộng
 
Nguyễn Thu Hà/Paris (Vietnam+)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Thông điệp cho những người muốn tìm ảo mộng (Kỳ cuối)
  • Câu chuyện dài như con đường (Kỳ I)
  • Câu chuyện dài như con đường (Kỳ II)
  • Câu chuyện dài như con đường (kỳ III)
  • Câu chuyện dài như con đường kỳ IV
  • Điều chưa nói từ con số thống kê mù chữ
  • Tôn trọng dân để đánh thức, khai mở sức mạnh dân tộc - Phần 1
  • Tôn trọng dân để đánh thức, khai mở sức mạnh dân tộc - Phần 2
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi