Lao động Việt Nam chuẩn bị đi xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Internet) |
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Malaysia và các nhà máy dệt may nước này đều phải tuyển dụng công nhân nước ngoài.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đầu năm 2009, Chính phủ Malaysia quyết định cấm tuyển dụng công nhân nước ngoài để ưu tiên cho người lao động trong nước.
Đến nay khi kinh tế thế giới đã phục hồi, nhiều nhà máy ở Malaysia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Trước thực trạng này, Chính phủ Malaysia lại cho phép tuyển dụng lao động đến từ các nước.
Giám đốc nhân sự của Gimmill Industrial SDH.BHD, một doanh nghiệp dệt may lớn nhất khu công nghiệp Johore, miền Nam Malaysia cho biết, hiện nay nhà máy này đang rất khó khăn về nhân lực.
Nhà máy có tổng cộng 3.500 công nhân, trong đó 2.100 là công nhân nước ngoài và công nhân Việt Nam chiếm tới 1.100 người, với 70% là nữ. Tuy nhiên, đa số lao động Việt Nam sắp hết hạn hợp đồng và phải về nước.
Trước mắt nhà máy cần tuyển ngay 100 lao động và trong năm tới cần ít nhất 200 người. Theo bảng lương ba tháng gần đây nhất, hầu hết lao động Việt Nam có mức lương trên 1.000 ringgit (khoảng trên 300 USD)/tháng, trong đó có 30% đạt mức lương trên 2.000 ringgit/tháng.
Nhà máy Honsin, lớn thứ 3 bang Johore, chuyên sản xuất đồ thể thao hiệu Adidas và Nike để xuất khẩu sang Canada và Mỹ, cũng trong tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
Tổng Giám đốc B.P. Lau (Lau) cho biết với số lượng máy móc hiện nay, nhà máy cần khoảng 1.500 công nhân mới đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhưng hiện tại mới chỉ có 1.162 nhân công, trong đó có 710 lao động nước ngoài và lao động Việt Nam chỉ còn lại 93 người. Hiện tại nhà máy đang có nhu cầu tuyển dụng ngay 250 nhân công.
Tại một số nhà máy khác như Graceful, Golden Vertex và Tập đoàn PCCS (Perusahaan Chan Choo Sing SDN BHD), lãnh đạo các nhà máy đều nói rằng hàng loạt máy móc của họ đang "đắp chiếu" chờ lao động Việt Nam
Các nhà máy này chấp nhận tuyển dụng cả những lao động chưa hoàn thành khóa đào tạo bởi họ sẵn sàng đào tạo tiếp khi các công nhân Việt Nam sang làm việc tại Malaysia
Theo ông Paul Khoo, Giám đốc Công ty môi giới lao động Nationcity của Malaysia, hầu hết các doanh nghiệp dệt may ở nước này đều muốn công nhân nước ngoài kéo dài hợp đồng lao động, bởi như vậy sẽ giúp họ bỏ qua được khâu đào tạo và sản phẩm xuất khẩu luôn bảo đảm chất lượng.
Song do quy định mới của Chính phủ Malaysia, mọi lao động nước ngoài chỉ được phép làm việc tại Malaysia tối đa 5 năm, nên các chủ lao động khuyến khích các lao động Việt Nam hết hợp đồng về nước trở lại làm việc trong nhà máy của họ.
(Theo TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com