Cuối tuần trước, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã hoãn phiên toà xử nguyên giám đốc trung tâm xuất khẩu lao động thuộc công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) Nguyễn Thanh Biên. Vụ án này đã lộ ra những mảng khuất trong hoạt động xuất khẩu lao động, khiến các nhà hành pháp không biết phải xử thế nào cho đúng.
Trái phép hay không?
Đầu mối của vụ án này là Dương Minh Thuý, giám đốc công ty Phúc Lâm không có giấy phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc (xuất khẩu lao động). Thuý đã được ba doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động là công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh, công ty Du lịch và khách sạn Thái Bình, công ty cổ phần Cơ khí và xuất khẩu lao động Thừa Thiên – Huế ký biên bản thoả thuận hợp tác. Sau đó, Thuý tuyển chọn và đưa lao động sang Ma Cao làm việc qua giấy phép của các công ty này. Đến hết tháng 11.2008 Thuý đã tổ chức được 17 chuyến đưa 40 lao động sang Đài Loan, Ma Cao làm việc. Cuối năm 2008, Dương Minh Thuý và Nguyễn Thanh Biên bị viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh khởi tố về tội tổ chức đưa người ra nước ngoài và ở lại trái phép do hầu hết lao động đi Ma Cao đều ở Bắc Ninh.
Theo hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS), tất cả các doanh nghiệp đưa lao động sang Ma Cao làm việc đều phải đối mặt với rủi ro này. Theo quy định của Ma Cao, tất cả lao động phổ thông, lao động giúp việc gia đình khi nhập cảnh vào đây đều phải dùng visa du lịch. Nếu là lao động phổ thông sau khi đã được chủ tuyển chọn, chủ mới làm thủ tục xin cấp thẻ xanh để người lao động được làm việc hợp pháp. Nếu là lao động giúp việc gia đình, người lao động phải tập trung ở các công ty môi giới lao động của Ma Cao để chờ chủ tới tuyển chọn. Sau khi được tuyển, chủ sử dụng mới làm các thủ tục để người lao động được làm việc, cư trú hợp pháp. Do quy định này nên nhiều lao động không chắc chắn mình được chủ chọn và đã phải về nước sau khi thời hạn visa du lịch đã hết mà vẫn chưa được chọn.
Đến nay cục Quản lý lao động ngoài nước đã cho phép 19 doanh nghiệp đưa lao động sang Ma Cao làm việc. Để đưa được lao động sang Ma Cao, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tuân theo quy trình đó và lao động sang Ma Cao ban đầu chỉ bằng visa du lịch nên bất cứ lúc nào cũng có thể đối mặt với tội này.
Cứ làm là sai
Ngay sau khi vụ án này xảy ra, cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản gửi Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh với nội dung thông tin về thị trường Ma Cao. Văn bản trên khẳng định, việc ông Biên ký thoả thuận hợp tác với Dương Minh Thuý là sai nhưng lỗi này chỉ có thể phạt hành chính.
Trong thực tế cách làm của Nguyễn Thanh Biên không phải là quá hy hữu hiện nay. Hiện tại có tới hơn 160 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động nhưng chính cơ quan quản lý thừa nhận chỉ có khoảng 40 – 50 doanh nghiệp làm thật, còn lại chủ yếu là xin giấy phép để cho thuê lại. Tuy nhiên tới thời điểm này cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được các giải pháp quản lý chi nhánh doanh nghiệp xuất khẩu lao động, việc cho thuê giấy phép… thực sự hiệu quả.
Với hệ thống các văn bản hiện hành quy định về xuất khẩu lao động, không kể thị trường Ma Cao, hầu như doanh nghiệp nào cũng phải vi phạm mới làm được. Ví dụ như thị trường Đài Loan, theo quy định doanh nghiệp chỉ có thể đàm phán với công ty môi giới nước ngoài thu phí môi giới của người lao động mỗi năm làm việc tương đương với một tháng lương cơ bản. Ví dụ hợp đồng hai năm với mức lương cơ bản là 500 USD/tháng thì chỉ được phép thu phí môi giới là 1.000 USD/người. Tuy nhiên trong thực tế, mức phí môi giới này không thể mang lại hợp đồng cung ứng cho doanh nghiệp và cơ hội xuất ngoại cho người lao động. Mức phí tối thiểu khoảng 2.000 USD/người. Như vậy để có được hợp đồng cung ứng, doanh nghiệp buộc phải “vượt rào”.
Cũng về phí môi giới, cách đây mấy năm bà Nguyễn Thị Đông, giám đốc công ty xuất khẩu lao động thuộc tổng công ty Dệt may Vinatex cũng đã vướng vòng lao lý khi thu tiền phí môi giới tại hợp đồng đưa lao động sang Nhật Bản làm việc với mức 1.000 USD/người. Tại thời điểm đó quy định luật pháp chưa cho phép thu khoản tiền này nhưng thực tế phải có phí môi giới thì doanh nghiệp mới có hợp đồng đưa lao động đi. Vụ án khép lại, nhiều doanh nghiệp nhận được những bài học xương máu khi chính họ đang phải hoạt động trong một môi trường luật pháp không theo kịp thực tế.
(Theo SGTT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com