Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển nguồn nhân lực vùng Bắc Trung Bộ

Lớp dạy nghề hàn công nghệ cao của Trường cao đẳng nghề Việt Đức, Hà Tĩnh.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, các tỉnh Bắc Trung Bộ tận dụng các tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Việc tập trung chuyển đổi từ tỉnh thuần nông theo hướng công nghiệp - dịch vụ đã đặt ra cơ hội và thách thức phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh thuộc vùng đất này.

Với thế mạnh về kinh tế biển, các tỉnh trong khu vực đều được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ để phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thu hút một lượng lớn lao động, nguồn vốn trong và ngoài nước lên đến hàng chục tỷ USD liên quan luyện thép, hóa lọc dầu, điện năng, vật liệu xây dựng... để nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từ thuần nông sang công nghiệp - dịch vụ. Chỉ riêng KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) có hơn 60 doanh nghiệp vào đầu tư với số vốn đăng ký lên đến hàng chục tỷ USD, như dự án luyện thép của Tập đoàn Formosa (Ðài Loan), giai đoạn một với công suất 7,5 triệu tấn/năm với số vốn đầu tư 7,9 tỷ USD; Dự án luyện thép Sông Quyền của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê giai đoạn một là hai triệu tấn với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; Dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 với  mức đầu tư 1,2 tỷ USD... Ngoài ra, các dự án lọc dầu, luyện cán thép khác đang chuẩn bị được cấp phép đầu tư. Khu Kinh tế Nghi Sơn với các dự án hóa lọc dầu (trị giá sáu tỷ USD), luyện cán thép, nhiệt điện, đóng tàu, xi-măng... được xem là động lực mạnh để phát triển tỉnh Thanh Hóa... Bên cạnh đó, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh khu vực đều xác định, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp ưu tiên hàng đầu để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những chương trình trọng tâm...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: Các dự án lớn ở các KKT trong khu vực cơ bản đang trong giai đoạn bắt đầu triển khai, đã và sẽ cần đến một lực lượng lao động cực lớn. Theo thống kê sơ bộ của các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhu cầu lao động cho các dự án đến năm 2015 lên đến 391 nghìn người, năm 2020 là 550 nghìn người. Ðây được xem là cơ hội quý để giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ cho các tỉnh trong khu vực - nơi có dân số đông, khoảng mười triệu người với hơn 56%  trong độ tuổi lao động. Bên cạnh cơ hội là thách thức lớn đặt ra, số lao động này cần cơ bản được đào tạo bài bản qua các trường lớp (chí ít là trường nghề), lại phải có kinh nghiệm thực tế, lẫn ý thức tác phong làm việc và sức khỏe... Theo Giám đốc Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê Hồ Ðức Bình, đến năm 2015, doanh nghiệp cần hơn 5.000 lao động, nhưng trong số này cần 13% có trình độ đại học và trên đại học, 77% có trình độ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật có kinh nghiệm chuyên môn về các lĩnh vực quản lý, kinh tế, khai thác mỏ, luyện kim và chỉ cần khoảng 10% lao động phổ thông. Trong lúc đó, thực trạng lao động trong khu vực là số lao động trẻ, dưới 30 tuổi, chưa qua đào tạo, chiếm tỷ lệ cao (mới có 25-30% được đào tạo nghề qua trường lớp), lại có tư tưởng "trọng thầy, khinh thợ"; số có trình độ đại học, sau khi đỗ đạt thì thường chọn nơi công tác là các trung tâm kinh tế (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...). Ðáng chú ý, tại các khu vực thuộc diện giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm thuộc diện ưu tiên giải quyết việc làm, số lao động ở đây thường trình độ dân trí thấp, lại ngại học làm thợ chiếm tỷ lệ khá cao.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên các trường đại học, trường nghề ở đây chưa đáp ứng kịp nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Ðến nay, năm tỉnh Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Quảng Trị) có 22 trường đại học và cao đẳng (11 trường đại học), phần lớn các trường mới được nâng cấp trong vài ba năm lại nay mà phần lớn đều bắt đầu từ trường sư phạm của các tỉnh, cho nên thiếu hẳn đội ngũ giáo viên và các trường đào tạo về lĩnh vực khoa học kỹ thuật hay kinh tế như luyện kim, điện, khai khoáng, hóa chất... Hầu như chưa có  tỉnh nào trong khu vực  triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách thu hút nhân tài một cách hiệu quả. Hơn nữa, khu vực này phát triển kinh tế còn chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, cho nên chưa tạo được sức hút nguồn nhân lực; nhất là các nhà quản lý, kỹ thuật đến làm việc. Ðến nay, tuy các dự án đang triển khai  quyết liệt, nhưng quan hệ tay ba giữa: doanh nghiệp - nơi có nhu cầu sử dụng lao động với nhà trường (nơi đào tạo) và nhu cầu học nghề của người lao động vẫn chưa khăng khít. Dẫn đến tình trạng, người lao động băn khoăn trong việc chọn nghề để học, học xong rồi vẫn khó có cơ hội tìm kiếm việc làm...

Trong vòng bốn đến năm năm tới, nếu không có chính sách cụ thể, triển khai đồng bộ và kịp thời công tác đào tạo nguồn nhân lực thì các tỉnh Bắc Trung Bộ thiếu hụt một lượng lớn nguồn lao động. Ngoài việc thiếu đội ngũ công nhân lành nghề có ý thức công nghiệp thì ở đây cũng khó thu hút được những cán bộ có kinh nghiệm, trình độ quản lý cùng các chuyên gia, nhà khoa học và những người hoạch định chính sách. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Tĩnh Phan Cao Thanh cho biết: Ngày 19-9 này, Hà Tĩnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực các tỉnh Bắc Trung Bộ do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức với sự tham dự của các bộ liên quan, các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, chuyên gia nước ngoài với lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến dự và chỉ đạo hội nghị sẽ có những chủ trương, chính sách, những giải pháp đột phá để giúp các tỉnh khu vực sớm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

(Bài và ảnh: Thành Châu // Báo Nhân dân điện tử)

  • Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
  • “Gần một nửa số người thất nghiệp từ 15 đến 24 tuổi”
  • Lao động Việt Nam rẻ hay đắt?
  • Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt
  • “Tìm cửa” sang Angola mưu sinh
  • Đào tạo nghệ nhân khó hơn giáo sư
  • Xuất khẩu lao động 2010: "Khai phá" thị trường nào?
  • Nâng cao hệ thống đánh giá kỹ năng nghề: Cần sự bắt tay của cả 3 bên
  • Năm 2009, đình công giảm 70%
  • Lương tối thiểu trong doanh nghiệp sẽ tăng từ 10-15%
  • Ðẩy mạnh việc đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản
  • Lao động mắc bệnh nghề nghiệp: Thiệt đơn, thiệt kép
  • Thuê nhân sự cao cấp người nước ngoài : Bước đệm cần thiết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Từ 1-7: Lao động tu nghiệp tại Nhật được làm 120 loại việc
  • Có nên nhập khẩu lao động phổ thông?
  • Xu hướng việc làm năm 2010: Vẫn thiếu tính bền vững
  • Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững?
  • Năm 2010, Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 12.500 lao động Việt Nam
  • Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?
  • Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020
  • 4,3 triệu việc làm do doanh nghiệp tư nhân tạo ra
  • Lao động tại doanh nghiệp tư nhân tăng hơn 20% mỗi năm
  • Thị trường lao động Canada: Cửa vào không dễ!
  • Năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho gần 2 triệu lao động
  • 1,6 triệu việc làm mới trong năm 2010
  • Xuất khẩu lao động: Tiếp tục thời của thị trường “vàng”?
  • Cung - cầu lao động đang mất cân đối nghiêm trọng
  • Xuất khẩu lao động 2010: "Khai phá" thị trường nào?
  • Nhân sự Việt Nam: Vừa thiếu vừa yếu