Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam |
Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động được tổ chức trước thềm Hội nghị giữa kỳ nhóm Tư vấn các nhà tài trợ 2010 do tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên thuộc nhóm ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 26/5, nhiều đại biểu cho rằng để Việt Nam nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thì Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến 3 vấn đề.
Cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính
Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) Alain Cany cho rằng: “Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong khoảng thời gian còn lại của năm 2010 là cân bằng tốc độ tăng trưởng mà không gia tăng lạm phát, đồng thời tạo ra các giải pháp bền vững trong dài hạn cho quốc gia”. Ông nêu thực trạng, hiện Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn tương đối thấp và chủ yếu dựa vào nguyên liệu thô như dầu khí, khí đốt, gạo và cà phê hoặc các sản phẩm đơn giản có giá trị gia tăng thấp như sản phẩm làm bằng da, quần áo may mặc hoặc giày dép. Để Việt Nam có thể chuyển đổi sang sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài thì theo ông cần quan tâm đến 3 vấn đề đó là cơ sở hạ tầng và năng lượng, phát triển nguồn nhân lực và tiếp tục duy trì việc cải cách pháp lý và cải cách hành chính.
Theo ông Alain Cany, những trở ngại chính cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, sự thiếu nhất quán và minh bạch trong môi trường pháp lý. Tuy nhiên các doanh nghiệp châu Âu vẫn luôn tin tưởng vào tiềm năng lớn của Việt Nam, một quốc gia dẫn đầu trong khu vực và là một điểm đến cho các nhà đầu tư nhất là trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ có cơ hội đặc biệt để thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, để gia tăng liên kết khu vực và đáp ứng với các thách thức toàn cầu như khủng hoảng tài chính kinh tế, thực phẩm và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai và bệnh tật.
Không nên triển khai cơ chế quản lý giá cả
Bà Jocelyn Tran – Chủ tịch AmCham Việt Nam tỏ ra quan ngại đối với bản dự thảo thông tư nhằm triển khai cơ chế giá cả. “Chúng tôi tin rằng việc quản lý giá cả đã không thực hiện được và mang tính phản tác dụng. Bên cạnh cách tiếp cận tổng quát phi thị trường đối với việc định giá, thông tư này đã tạo ra những gánh nặng mới về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi sản xuất và phân phối của nhiều loại sản phẩm. Thông tư cũng buộc các doanh nghiệp phải tiết lộ những điều được coi là bí mật doanh nghiệp”.
Bà cũng đánh giá khá gay gắt khi cho rằng thông tư này “là một bước lùi quay về thời kỳ kế hoạch tập trung và tạo ra thêm nhiều chi phí và không chắc chắn đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam”.
Rồi bà Jocelyn Tran đưa ra giải pháp, thay vì quản lý nhà nước về giá cả, Chính phủ nên quan tâm đến việc tự do hóa chuỗi cung cấp đối với việc phân phối sản phẩm nhằm làm cho việc phân phối sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn và đó cũng là phương thức hữu hiệu hơn để giúp cho các sản phẩm có giá cả dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.
(Theo Hồ Hường // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com