Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. |
Tháng 11/2009, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008).
Năm 2014, sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Từ 27-29/5/2010, để cung cấp thông tin phục vụ cho việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, triển lãm quốc tế lần thứ 4 về điện hạt nhân sẽ được tổ chức tại Hà Nội.
Nhân sự kiện này, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn và Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) Phan Minh Tuấn đã trả lời báo giới về các vấn đề liên quan đến dự án nhà máy điện hạt nhân.
Đang tích cực triển khai
Xin các ông cho biết, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được triển khai đến giai đoạn nào?
Ông Phan Minh Tuấn: Dự án đang được chuẩn bị theo quy trình chuẩn của quốc gia. Tháng 11/2009 Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư và cho phép chủ đầu tư tiến hành bước theo.
Theo lộ trình chúng tôi đang ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi. Giai đoạn này chúng tôi đang xúc tiến tìm kiếm đối tác tư vấn để thực hiện dự án. Các tham chiếu, hồ sơ yêu cầu chúng tôi cũng đã dự thảo xong, xin ý kiến đối tác có kinh nghiệm, chờ tập đoàn phê duyệt sẽ gửi cho đối tác đàm phán.
Dự kiến, thời gian tiến hành dự án đầu tư này sẽ được tiến hành trong 18-24 tháng. Sau đó, sẽ chuyển qua lựa chọn nhà tổng thầu thực hiện dự án theo hình thức chìa khoa trao tay. Mọi công việc đang được tiến hành khẩn trương.
Song song với dự án đầu tư thì một lọat công việc khác cũng đang được triển khai khẩn trương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổng thể nhằm triển khai dự án. Gói chuẩn bị hạ tầng cơ sở chuẩn bị cho thi công cũng đang tích cực triển khai.
Dự án trung tâm tiếp xúc điện hạt nhân với dân chúng tại Phan Rang, Tháp Chàm cũng đang được xúc tiến thủ tục đầu tư ban đầu. Dự án đào tạo nhân lực cũng đang được thực hiện sớm triển khai. Các bộ, ngành khác được sự phân công cũng đang tiến hành các đề án.
Mục tiêu trong 2014 chúng ta sẽ phải tiến hành khởi công tổ máy đầu tiên theo nghị quyết của Quốc hội, và trong vòng 6-7 năm xây dựng, chúng ta phải hoàn thành và vận hành được.
Ông Vương Hữu Tấn: Ngoài ra còn có các công việc khác như xây dựng các thông tư, nghị định, cái này thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước phải lo, rồi ký kết gia nhập các điều ước quốc tế phù hợp với tiến độ xây dựng…
Chọn công nghệ Nga?
Xin hỏi, các cơ quan liên quan đã có thông tin cụ thể gì về công nghệ được lựa chọn?
Ông Phan Minh Tuấn: Theo báo cáo trước đây và nghị quyết của Quốc hội thì chúng ta lựa chọn công nghệ an toàn, hiện đại, và đã được kiểm chứng.
Hiện nay, EVN cũng tuân thủ hướng này của Chính phủ và Quốc hội. Chúng tôi đang bắt đầu cuộc đàm phán đối tác từ Nga, là đối tác được Chính phủ định hướng. Đây là nước sở hữu công nghệ và có bề dày về công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng như thương mại.
Tới nay công nghệ lò phản ứng nước nhẹ của Nga cũng đã cho thấy vận hành an toàn trong khoảng nửa thế kỷ qua. Nếu đi sâu với họ trong dự án này thì chúng ta cũng phải tuân thủ tiêu chí Quốc hội đã thông qua.
Tuy nhiên, công nghệ nào thì chúng ta phải đợi tới khi có quyết định cuối cùng chính thức được ký kết, cũng như phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Ý tôi là hiệp định liên Chính phủ Việt - Nga với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau hiệp định sẽ là báo cáo nghiên cứu khả thi và chìa khóa trao tay giữa chủ đầu tư và tổng thầu.
Chúng ta chờ xem, dự án đầu tư sẽ nói rất rõ, và bây giờ chúng ta đang đợi hợp tác ban hành.
Trên góc độ là các chuyên gia trong ngành, theo các ông, việc chọn Nga là đối tác - nếu được thông qua - có phải là đã tính hết các khía cạnh rồi không?
Ông Phan Minh Tuấn: Đây là bài toán được cân nhắc trong suốt thời gian dài và quyết định này được đưa ra với tính toán tổng thể tầm quốc gia với nhiều vấn đề liên quan.
Xét trên số liệu căn cứ thì công nghệ của Nga cũng là một công nghệ an toàn bậc nhất hiện nay, nếu so sánh với công nghệ khác trên thế giới, cùng là lò nước nhẹ ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật…
Nga có truyền thống lâu dài về vận hành an toàn. Nhiều khách hàng nước ngoài đang đặt hàng công nghệ này của Nga.
Trong dự án đầu tư tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ phải yêu cầu các chủ đầu tư có luận cứ thiết thực để chúng ta có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Kết quả sẽ được Thủ tướng quyết định.
Xin hỏi các ông, giả sử nếu đã chọn Nga là đối tác, việc các nước như Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Mỹ… đến tham dự triển lãm lần này nên hiểu thế nào?
Ông Vương Hữu Tấn: Tổ máy số 1 mình chọn Nga rồi, còn những tổ máy số 2, 3… và nhiều cấu phần của dự án nữa, vì công trình điện hạt nhân có nhiều công đoạn… Cơ hội còn cho các nước khác.
Ông Phạm Minh Tuấn: Trong giai đoạn từ nay tới 2030 và 2050, chúng ta dự kiến phát triển từ 8 - 10 dự án điện hạt nhân, theo quy hoạch cũng phải có 8 - 10 địa điểm xây dựng. Do vậy, với các mục tiêu đó thì các đối tác khác vẫn nhiệt tình tham gia.
Danh sách tham dự lần này đều tụ tập được các "anh hào" trong lĩnh vực hạt nhân, hai "ông lớn" là Nga và Mỹ đều tham gia mạnh mẽ, Nhật, Trung Quốc cũng có mặt…
Nước được chọn phải hỗ trợ tài chính
Với sự quan tâm lớn của nhiều đối tác mạnh, các ông có đặt vấn đề tài chính trong các đàm phán, lựa chọn đối tác?
Ông Vương Hữu Tấn: Về vấn đề tài chính cho dự án, sắp tới trong việc đàm phán với Nga, vấn đề này cũng sẽ có đàm phán riêng.
Ông Phan Minh Tuấn: Tài chính cho một dự án thì rất là lớn, suất đầu tư cho một nhà máy điện hạt nhân cao nhất trong tất cả các loại hình phát điện công nghiệp hiện nay. Do đó, đây sẽ là bài toán tổng hợp.
Chúng ta hiện đang kỳ vọng lớn vào nước cung cấp dự án cho chúng ta, họ sẽ phải hỗ trợ một nguồn tài chính. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tự lo từ 15-20% từ nguồn hỗ trợ Chính phủ, hay chủ đầu tư vay thương mại qua trái phiếu trong và ngoài nước qua bảo lãnh của Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề xử lý chất thải hạt nhân, cách đây không lâu, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ký với Mỹ văn bản hợp tác về vấn đề này. Phải chăng công đoạn này là dành cho Mỹ?
Ông Vương Hữu Tấn: Văn bản Bộ Khoa học và Công nghệ ký với Mỹ là hiệp định khung gồm có nhiều vấn đề, trong đó có quản lý và xử lý chất thải. Riêng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã ký với Nga thì về cơ bản, phía bạn sẽ đảm bảo tiêu chí an toàn về vấn đề này.
Ông Phạm Minh Tuấn: Một trong những điều kiện mà đối tác ký kết với chúng ta là họ sẽ giúp ta quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, cụ thể là giúp ta xây dựng chương trình quốc gia về quản lý và xử lý chất thải của nhà máy điện hạt nhân mang tính cam kết lâu dài.
Đất chiếm không nhiều, dân được hỗ trợ
Nếu theo quy hoạch sẽ phát triển 8-10 nhà máy điện hạt nhân thì diện tích đất cần sử dụng là bao nhiêu?
Ông Vương Hữu Tấn: Một nhà máy điện hạt nhân chỉ cần 300-500 ha, là những nơi mà đất đai khô cằn hoang hóa không còn canh tác được, bỏ không, nên không ảnh hưởng nhiều tới đời sống cư dân.
Ông Phan Minh Tuấn: Chiếm đất thì sơ bộ cho hai nhà máy là trung bình một tổ máy có công suất 1.000 MUW nằm trong hàng rào nhà máy vùng giới nghiêm chỉ hơn 40 ha/tổ máy. Công suất 4.000 MW thì chúng tôi rào 160 ha.
Còn về lý do an ninh an toàn thì sẽ có những vùng đệm chúng ta hạn chế dân cứ và sắp xếp dân cứ có tổ chức. Chúng tôi cũng có kế hoạch là đảm bảo những vùng đất của dân cư canh tác hạn chế tối đa ảnh hưởng, chỉ cần không được ở đó, tìm cách giữ lại những ruộng nho, ruộng lúa của đồng bào.
Các vấn đề xã hội thì Luật Năng lượng nguyên tử cũng đã nêu rõ là cư dân ở vùng có nhà máy điện hạt nhân thì sẽ dược hưởng ưu đãi cho các hạ tầng cơ sở, văn hóa, sản xuất, giáo dục cải thiện hơn. Chúng tôi cũng đang làm theo hướng đó và dự án đầu tiên phải làm mẫu cho một loạt dự án sau.
Một quan ngại khác là về nguồn nhân lực phục vụ các các dự án điện hạt nhân. Xin các ông cho biết kế hoạch cụ thể?
Ông Vương Hữu Tấn: Đào tạo nhân lực thì hiện theo quy hoạch có 7 cơ sở, gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Viện Năng lương nguyên tử, Viện Vật lý; Đại học Đà Lạt, Đại học Khoa học tự nhiên Tp.HCM, Đại học Công nghệ Tp.HCM, và Đại học Điện lực. Ngoài ta còn một số trường đang kiến nghị thêm vào danh sách này như Đại học Công nghệ Hà Nội, Công nghiệp Tp.HCM…
Ông Phạm Minh Tuấn: Về nguồn nhân lực, chúng ta cũng không thể cử người đi học tập ở Pháp, Nhật, Trung Quốc mãi được, mà phải tổ chức đào tạo tại chỗ. Chúng ta đang học tập các nước ngày và một số quốc gia khác để đào tạo mặt bằng kiến thức chung về năng lượng hạt nhân.
(Theo Anh Quân // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com