Vì những quyết định trái chiều của Bộ Tài chính, rất nhiều xe đã nhập về nhưng không đăng ký lưu hành được |
Trong đơn kiến nghị ngày 15/5/2010 gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, một loạt DN đồng loạt kiến nghị ba nội dung. Theo đó, tất cả đều khẳng định Bộ Tài chính đã thiếu nhất quán trong ban hành chính sách thuế, Tổng cục Hải quan thì thiếu nhất quán trong thực hiện chính sách thuế. Đồng thời, cả hai cơ quan này đều không có hướng giải quyết các vướng mắc do chính sách thuế từ năm 2006 đến nay và do vậy “gây thiệt hại kinh tế cho các DN nhập khẩu…”.
Bỗng dưng... vướng
Theo đơn của các DN, giai đoạn 2006 - 2007, dòng ôtô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 tấn được Hải quan Quảng Ninh áp mã thuế nhập khẩu là 8704102110 với mức thuế nhập khẩu 10%. Tuy nhiên, cũng dòng xe này, thời điểm này, Hải quan Lạng Sơn lại áp vào mã 8704234990 với mức thuế 20%. Đương nhiên, các DN nhập khẩu không thể chấp nhận sự bất hợp lý này. Đơn kiến nghị của DN đã gửi đi. Tháng 3/2008, Tổng cục Hải quan đã quyết định: chỉ thu 10% thuế nhập khẩu với dòng xe này. Nhờ thế, theo đơn của DN, “có DN đã được hoàn thuế 10%, nhưng đa số các DN chưa được hoàn thuế”. Tới tháng 12/2010, Bộ Tài chính yêu cầu phải ghi vào tờ khai nguồn gốc nhập khẩu dòng xe này nội dung: “ôtô tải tự đổ không sử dụng trên các loại đường quốc lộ” (Công văn số 17297/BTC-TCHQ). Nhưng với cách ghi này, thì cơ quan Công an các địa phương không cho DN đăng ký lưu hành xe. Ngược lại, nếu muốn xe được đăng ký lưu hành, thì các DN phải... chuyển mã cho xe nhập khẩu. Nghĩa là, dù DN nhập xe tự đổ trọng tải lớn nhưng phải khai thuộc nhóm 8704234990 (xe tải thường), và phải nộp thuế nhập khẩu với mức... 20%.
Sau một thời gian, dường như Bộ Tài chính phát hiện những cách tính thuế nói trên đều không đúng với điều ước thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc. Kết quả là Bộ đã ban hành Thông tư số 65/2010/TT-BTC, đưa dòng xe trên vào nhóm 8704234990 với thuế nhập khẩu là 8%.
Sửa sai... không triệt để
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Bộ Tài chính đã “quên”, hoặc cố tình... lờ đi ba vấn đề. Một là: không xử lý hoàn thuế cho những DN đã phải nộp 20% thuế đã nhập khẩu xe trước thời điểm 3/2008. Hai là: không hoàn thuế cho các DN đã nhập khẩu xe sau thời điểm 1/1/2010. Và ba là: không có hướng xử lý để các xe nhập khẩu sau thời điểm 1/1/2010 nhưng trên tờ khai nguồn gốc đã bị ghi rõ: “ôtô tải tự đổ không sử dụng trên các loại đường quốc lộ”. Đặc biệt, với các xe thuộc trường hợp này, thì cho đến tận ngày hôm nay, các DN vẫn chưa thể được đăng ký để cho xe lưu hành.
Cái “quên” nữa của Bộ mà DN không nhắc tới, là với Thông tư 65/2010/TT-BTC, Bộ Tài chính đã gộp chung dòng ôtô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 tấn vào những loại xe tải bình thường khác. Và do thế, nghiễm nhiên các dòng xe tải bình thường cũng được hưởng thuế nhập khẩu chỉ có... 8%. Trong khi trước đó thì tùy loại, các dòng xe tải thường phải nộp từ 20% tới 30% thuế nhập khẩu.
Tất cả những điều đó cho thấy, là với dòng ô tô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 tấn, Bộ Tài chính đã quản lý nhập khẩu theo cách: “chữa” sự sai này bằng một sự sai khác. Nếu tính bình quân trị giá mỗi xe tự đổ dòng này vào khoảng 30.000 USD/xe, thì tổng số tiền của DN (thực ra là của DN nợ các ngân hàng) là vào khoảng 39 triệu USD. Ước tính, tổng số thuế các DN đang bị Bộ “hành” là vào khoảng trên dưới 50 tỷ VND.
Phải đặt câu hỏi, rằng vì sao Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành xuất nhập nhập khẩu, lại có thể “nghiệp dư” đến thế trong quản lý nhập khẩu dòng xe ôtô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 tấn nói riêng, cũng như nhập khẩu xe ôtô tải nói chung ?
Theo ước tính của các DN, hiện có khoảng 1.300 xe ô tô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 tấn đang bị ảnh hưởng vì các quyết định quản lý liên quan tới thuế và xác nhận nguồn gốc của Bộ Tài chính. |
Thực ra thì, trong quản lý xuất nhập khẩu, rất khó để đảm bảo mọi quyết định đều đúng. Sự sai, không chính xác khi lựa chọn quyết định quản lý sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện quyền quản lý nhà nước. Dù không ai muốn phạm sai lầm, nhưng các cơ quan quản lý rõ ràng cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đối diện và sửa chữa sai lầm do mình gây ra. Ở chiều ngược lại, DN cũng trông chờ vào thái độ sửa chữa sai lầm do các cơ quan quản lý đưa ra để hạn chế thiệt hại của mình.
Nói thế để thấy, với dòng xe ôtô tải tự đổ có tổng trọng tải trên 24 tấn, Bộ Tài chính đã quản lý nhập khẩu vô cùng rối rắm, và cũng không đúng. Nếu ngay từ đầu, trong quá trính nghiên cứu ban hành cơ chế quản lý, Bộ tạm thời cho phép nhập khẩu dòng xe này theo thông lệ, thì những thiệt hại của DN có thể đã được hạn chế và sự sai của Bộ có thể đã không ngày càng trầm trọng hơn.
(Theo Quốc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com