Chính sách thu hút FDI cần phù hợp và hỗ trợ cho quy hoạch phát triển mới các vùng kinh tế của VN |
Không thể phủ nhận những thành quả mà dòng vốn FDI đã mang lại cho nền kinh tế VN. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sau những “lùm xùm” xung quanh việc các dự án FDI “mượn vốn trong nước”, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động... nhiều ý kiến nhìn nhận lại hiệu quả của dòng vốn này mang lại. Theo TS Nguyễn Minh Phong - Viện Kinh tế - xã hội Hà Nội, đó chính là “mặt trái của tấm huân chương”.
Những hệ lụy đáng ngại
Bên cạnh những thành tựu to lớn không thể phủ nhận của FDI đối với quá trình phát triển KT-XH VN, thì như mặt trái của chiếc huân chương, dòng vốn đầu tư này cũng có những hệ lụy ngày càng đậm nét và cần sớm nhận biết và ngăn chặn, mà nổi bật là: Gây ra những hệ quả ô nhiễm môi trường nặng nề, kéo dài và không thể tính hết, điển hình như vụ Cty Vedan và bao nhiêu vụ tương tự lớn nhỏ khác đã và chưa phát hiện.
Gây ra tình trạng sử dụng lãng phí đất đai, thất thoát tài sản công và tài nguyên quốc gia, nhất là đất nông nghiệp, đất ven biển và tước đoạt công ăn việc làm, cùng những hệ quả đa dạng, nhiều đời cho người nông dân mất ruộng, mất sinh kế truyền thống, như các dự án về sân golf, xây dựng khu nghỉ dưỡng - du lịch...
Gây ra những đe dọa tiềm tàng cho an ninh quốc gia, và toàn vẹn lãnh thổ, như những dự án trồng rừng vùng biên giới và khai thác tài nguyên những vùng đất chiến lược về quân sự khác đã được cảnh báo và phản biện xã hội khá nhiều trong thời gian gấn đây.
Biến VN thành bãi thải công nghệ và máy móc lạc hậu, gánh chịu tổn thất tài chính to lớn để khắc phục và thay thế, kéo dài tình trạng lạc hậu và kém hiệu quả của nền kinh tế, móc túi người tiêu dùng trong nước do mua phải hàng hóa chất lượng kém với giá cao và giảm nguồn thu NSNN.
Ngoài ra, có nhiều DN FDI đầu tư mang tính chụp giựt; cũng như còn tình trạng các DN có vốn đầu tư nước ngoài liên kết ép giá, lũng đoạn thị trường, thực hiện các hành vi hối lộ, làm tăng tình trạng tham nhũng... gây tổn hại cho lợi ích người lao động, người tiêu dùng và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Những mặt trái của FDI trên là đa dạng, song đều có thể truy ra cùng một nguyên nhân chung quan trọng là sự quản lý nhà nước ở các cấp còn bị buông lỏng, kém hiệu quả và hiệu lực, cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia đang có những bất cập và lỗ hổng đáng lo ngại.
Chính vì điều này hiện có xu hướng phê phán rằng các quyết định cấp phép trước đây có vấn đề, không nhìn thấy trước được "chất lượng" của các dự án FDI. Không chỉ những dự án đã cấp phép trước đây, mà cả những dự án mới được cấp phép trong thời gian gần đây đều có thể gây ra những hệ lụy và tổn thất to lớn nếu các cơ quan chức năng không tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia và lợi ích phát triển theo hướng bền vững trong quá trình thẩm định và quản lý dự án.
Cần nhấn mạnh rằng, việc nhận biết và kiên quyết chống lại các lợi ích nhóm, địa phương và cả những lợi ích cá nhân đầy ích kỷ trong quản lý nhà nước đối với FDI là rất quan trọng để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng lạm dụng khiến các quan chức bị mờ mắt, không nhìn thấy chất lượng thực sự của những dự án mà họ đặt bút ký và giám sát triển khai...
Quản lý cách nào ?
Việc quản lý dòng vốn FDI đang được coi là một bài toán khó với các cấp chính quyền địa phương. Cần có sự phân cấp và phối hợp quản lý FDI chặt chẽ và khoa học hơn giữa các cấp chính quyền, các bộ, ngành và giữa các địa phương. Các quy định cần cụ thể và minh bạch hơn, có tính thị trường hơn và tuân thủ các cam kết, tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, đồng thời cần công khai hóa và dễ theo dõi, dễ tiếp cận. Ngoài ra, cần gia tăng các hoạt động thanh, kiểm tra và giám sát của các cơ quan chức năng và xã hội, áp dụng đồng bộ các chế tài và xử lý nghiêm khắc, mạnh mẽ và kịp thời hơn những vi phạm. Đặc biệt, VN cần áp dụng sớm và đồng bộ các tiêu chuẩn và các quy định khác về kế toán và kiểm toán quốc tế vào quản lý kinh tế VN nói chung, nhất là với FDI nói riêng.
Hơn thế, cấp địa phương khi quản lý FDI thường bị chi phối mạnh bởi lợi ích địa phương, cũng như cả bởi những hạn chế về nhận thức, trình độ, tính chuyên nghiệp, thậm chí cả lợi ích cá nhân và tư duy nhiệm kỳ, nên dễ có những quyết định trong quản lý FDI gây ra những hệ lụy nặng nề và lâu dài không chỉ cho địa phương đó. Đây là một thực tế cần được nhận thức và sớm có giải pháp xử lý vừa tăng cường phân cấp, vừa bảo đảm những lợi ích quốc gia và lâu dài trong quản lý FDI.
Thiết nghĩ, chúng ta cần có những tái nhận thức toàn diện và đầy đủ hơn về tính hai mặt của dòng vốn FDI, không tẩy chay, kỳ thị, nhưng cũng không quá “mê tín” FDI. Đặc biệt, cần có những thay đổi lớn và căn bản hơn trong việc xây dựng các hệ giá trị chuẩn về mục tiêu và tiêu chuẩn đánh giá các dự án FDI, tăng cường hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và cơ chế phân công, hợp tác, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, trách nhiệm của cán bộ có liên quan trong quản lý nhà nước dối với FDI...
Đã đến lúc VN cần đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển bền vững lên hàng đầu trong kêu gọi FDI. Đồng thời, cần hướng đến ưu tiên những dự án đầu tư từ các nhà đầu tư lớn, mạnh, có công nghệ nguồn, cam kết bảo đảm các yêu cầu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển các dich vụ chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao... Không nên lấy số vốn và dự án đăng ký mới như là mục tiêu và tiêu chuẩn duy nhất đo lường thành tích quản lý FDI...
Ông Từ Minh Thiện - GĐ TT xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC): DN FDI “lách” bằng nhập siêu Cần nhìn lại những ưu đãi cho các khối DN FDI nhưng vẫn chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư vào ngành có giá trị gia tăng cao, vô tình lại khuyến khích các DN đầu tư gia công, sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là chính. Điều này đã gia tăng sự mất cân bằng cán cân thanh toán thương mại vì nhóm này luôn luôn có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều. Nhưng có thể thấy, không khó dự đoán việc DN FDI sẽ nhập siêu. Thực tế, đa số DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất để hoàn thành giai đoạn cuối tại nước ta. Các nhà máy gia công được xây dựng tại nước ta để tận dụng ưu đãi của địa phương, nhân công rẻ, đặc biệt là giá năng lượng - nhiên liệu thấp. Ngoài ra, DN FDI đầu tư vào nước ta là để khai thác thị trường nội địa. Những ngành công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, như điện tử và hàng điện gia dụng, công nghiệp ô tô và xe máy, hóa mỹ phẩm tiêu dùng... chủ yếu do các Cty có vốn đầu tư nước ngoài chi phối. Sản xuất tại nước ta chủ yếu là gia công, trong khi, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, thì tất yếu DN FDI phải tăng nhập khẩu. Trong đó, năm 2010 đã nhập siêu 2,7 tỉ USD, trong 5 tháng đầu năm nay là 1,6 tỉ USD. Bởi vì, do ảnh hưởng của việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO. Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhiều DN FDI đã chuyển từ sản xuất sang hoạt động thương mại. Đây cũng có thể là cách để các DN FDI chuyển giá, khai lỗ để trốn thuế không ngoại trừ. Vì nhiều DN FDI đã xây dựng nhà máy chế biến thô hoặc gia công tại nước ta. Nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất, chế biến được chỉ định nhập khẩu từ Cty mẹ. Với thủ thuật làm giá, DN dễ dàng tạo ra chênh lệch lớn giữa giá xuất khẩu và chi phí sản xuất để báo lỗ giả. Nhiều DN đang hoạt động vẫn khai báo lỗ. Hoặc trong khi DN trong nước cùng lĩnh vực sản xuất có lãi, thậm chí lãi cao, thì DN FDI vẫn báo lỗ. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải sớm tìm ra nguyên nhân và giải pháp ứng phó phù hợp. Thực sự, phải tìm ra đúng nguyên ngân DN có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nhiều là do công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, dựa vào lợi thế nhân công rẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động thấp, hay tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng ? Nếu không, tình trạng này sẽ gây méo mó số liệu thống kê, thất thu ngân sách cho Nhà nước, mà còn tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng với các DN khác. Ông Đỗ Duy Thái - Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt: Cần sự thẩm định chặt chẽ Về mặt chiến lược, thị trường nội địa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của DN. Từ “bàn đạp” này các DN có thể vươn mình ra thị trường thế giới không phải chỉ đa số là hàng XK thô và nguồn tài nguyên thô như hiện nay. Từ “hậu phương vững chắc” là thị trường trong nước, các DN nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa nếu những DN đó có môi trường để phát triển. Chính vì thế, chúng ta cần phải trả lời dứt khoát: đầu tư nước ngoài vào chúng ta được gì khi chúng ta phải mất một phần thị trường nội địa cho họ ? Các chính sách của chúng ta hiện đã công bằng với đầu tư trong nước chưa ? Theo tôi, với việc chuyển giá của DN hàng năm đã khiến chúng ta mất quá nhiều, hơn thế việc kiểm soát chuyển giá theo tôi là... “bất khả thi”. Bao nhiêu năm qua, đầu tư nước ngoài chiếm một phần rất lớn thị trường nội địa nhưng để lại hầu hết công nghệ lạc hậu không mang lại giá trị gia tăng cao như chúng ta kỳ vọng và họ có hàng ngàn lý do lý giải về vấn đề này. Sự thất bại của ngành công nghiệp ôtô thất bại là bài học nhãn tiền cho những người đặt quá nhiều kỳ vọng vào đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ cần một đánh giá toàn diện về FDI dể chúng ta nhìn đầu tư này một cách chừng mực tránh là... niềm tự hào như trong thời gian qua. Đối với ngành thép, tôi chỉ nêu một số nước điển hình thành công trong ngành thép, như Nhật Bản và Hàn Quốc không cho đầu tư nước ngoài vào ngành này và ngày nay họ là cường quốc thép của thế giới với những thương hiệu như: Nippon steel và Posco steel. Trung Quốc cũng chỉ cho phép đầu tư nước ngoài vào Cty thép của họ dưới 30% vốn, nghĩa là người TQ quyết định hoàn toàn, hiện nay họ sản suất 1/3 sản lượng thép trên thế giới. Thép là lương thực của công nghiệp vì thế họ muốn kiểm soát hoàn toàn khâu nguyên liệu này để phát triển công nghiệp, việc luyện kim phục vụ cho các nguyên liệu cần những đặc tính khác nhau là cần thiết cho những công nghiệp cần đến thép. Tuy nhiên, cũng không thể trách chính quyền ở các địa phương không đánh giá đúng khi nhà nước phân cấp cho họ, vì việc chuyển giá hay đánh giá về công nghệ nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương... Ngay cả bộ máy cấp trung ương muốn đánh giá cũng cần tuyển nhưng người có năng lực để thẩm định. Tôi đề nghị nhà nước nên thiết lập những chiến lược lâu dài để phát triển DN trong nước. Theo tôi, đầu tư nước ngoài chỉ nên ở những lĩnh vực người VN không làm được, những lĩnh vực đòi hỏi tri thức, hàm lượng chất xám cao. Cần thẩm định dự án một cách chặt chẽ và nên thẩm định ở cấp trung ương để thẩm định được hiệu qua và không mang tính cục bộ địa phương. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com