Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhận định của Chính phủ: CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%

“Bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế là nguyên nhân chính...”

Đó là đánh giá trong kết quả thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của QH tại phiên họp đầu tiên QH khoá XIII đối với hoạt động điều hành kinh tế  - xã hội của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2011.

Tăng trưởng không theo kịp lạm phát

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo trước QH về tình hình KT-XH và ngân sách 6 tháng đầu năm. Theo đó, với chính sách điều hành của Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao; tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 42,33 tỉ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch được QH thông qua.

Tỉ lệ nhập siêu trong 6 tháng là 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu đã được QH thông qua. Chính sách tiền tệ đã được thực hiện chặt chẽ, lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 5,57%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và không đạt chỉ tiêu QH đặt ra...

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì bên cạnh những kết quả tích cực như vậy, tình hình KT-XH nước ta vẫn đang đứng trước khó khăn lớn như: Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng tháng 6.2011 so với tháng 12.2010 tăng 13,29% (so với cùng kỳ năm trước tăng 16%), vượt quá nhiều chỉ tiêu được Quốc hội thông qua. Nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và yếu tố bên trong do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức.

Do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao, khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại. Thị trường chứng khoán khó khăn, thị trường bất động sản suy giảm... Xu hướng này sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011 và các năm sau...

Từ những nhận định đó, Phó Thủ tướng nêu rõ định hướng điều hành đến hết năm 2011 là tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15-17%; kiểm soát tốc độ tăng trưởng nợ tín dụng cả năm 2011 dưới 20%...

Nguyên nhân là do yếu kém của nền kinh tế


Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UBKT của QH cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp...) là nguyên nhân chính. Những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, điều chỉnh tăng tỉ giá USD/VND, tăng lãi suất ngân hàng tập trung dồn dập vào khoảng thời gian ngắn đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, trong khi đó sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường với thông tin tuyên truyền còn hạn chế, gây tâm lý không tích cực cho người tiêu dùng, qua đó đã gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều hàng hóa khác.

Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Một số DN phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, không ít dự án bị đình hoãn hoặc nguy cơ đình hoãn...

UBKT cũng cho rằng lạm phát cao, giá cả hàng hóa tăng làm cho thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bộ phận dân cư này và đây là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng đình công gia tăng ở một số DN. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 440 cuộc đình công, bằng 105% so với cả năm 2010, trong đó phần lớn xảy ra ở DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trọng tâm là chính sách tiền tệ

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, đạt các chỉ tiêu QH đề ra, UBKT của QH đề nghị Chính phủ tập trung tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều tiết tăng trưởng tín dụng, tránh tình trạng làm gia tăng lạm phát. Bên cạnh việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho DN.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng theo hướng đưa các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng vào thị trường có tổ chức, động viên và khai thác nguồn lực xã hội. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiếp tục cơ cấu, sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động...

(Báo Lao Động)

  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng cao
  • Thiếu thông tin: trở ngại lớn để tham gia thị trường hàng hóa
  • Nhận diện lại FDI : “Mặt trái của tấm huân chương”
  • Việt Nam: Để chiến lược biển không còn nằm trên giấy
  • CPI tháng 7 có thể tăng tốc trở lại
  • Những “đầu tầu” đẩy… CPI
  • Quyết liệt bình ổn giá thực phẩm Giá tăng vì bão hay nguồn cung?
  • “Thảng thốt” với CPI?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi