Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những “đầu tầu” đẩy… CPI

Có tới 6 yếu tố hay là "đầu tầu" thúc đẩy, gây sức ép làm tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2011.

Đó là kết luận được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011” do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Viện Kinh tế – Tài chính đã tổ chức ngày 12/7/2011.

Những ”đầu tầu” đẩy CPI được Hội thảo xác định là:

1- Giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, cùng với tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng tại nhiều nước sẽ gây tình trạng tăng giá lan tỏa của hàng hóa qua biên giới.

2- Nguồn cung thực phẩm chưa thể nhanh chóng phục hồi do cần có độ trễ nhất định để tái sản xuất sau dịch bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao cũng đang hạn chế người dân tái đàn, mở rộng chăn nuôi.

3- Giá điện tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng tăng để bù đắp chi phí tăng.

4- Lãi suất cho vay hiện nay vẫn ở mức cao, tỷ giá sau một thời gian ổn định có thể tăng nhẹ vào cuối năm khi mà nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng.

5- Cùng với chu kỳ tăng giá hàng hóa vào cuối năm thì hiện tượng mưa bão có thể gây đứt nguồn cung hàng hóa và làm tăng giá cục bộ tại một số địa phương.

6- Các mặt hàng lương thực, xăng dầu, thực phẩm như thịt lợn, thủy sản đã bị gom và xuất khẩu qua biên giới với khối lượng khá lớn đã gây mất cân đối nguồn cung hàng hóa trong nước trong thời gian qua nếu không có giải pháp thích hợp sẽ tiếp tục tái diễn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Cục quản lý giá, 6 tháng đầu năm nay giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường có xu hướng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2010 và so với tháng 12 tăng 13,29%.

Ông Nguyễn Lộc An – Phó vụ trưởng – Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phân tích, trong cơ cấu chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay thì 2 nhóm có mức tăng cao nhất và đóng góp vào mức tăng chung khá lớn là nhóm hàng ăn và dịch vụ đồ uống (chiếm tỷ trọng 39,93%) và nhóm giao thông (chiếm 8,87%), với mức tăng lần lượt là 18,68% và 18,74%. Tiếp đến là nhóm vật liệu xây dựng, các nhóm hàng còn lại có mức tăng không cao so với mức tăng chung.

Từ đó có thể thấy rằng, giá nhiều loại hàng hóa nguyên nhiên liệu chủ chốt như: Xăng dầu, phôi thép, khí dầu mỏ... trên thị trường thế giới tăng cao chính là nguyên nhân tác động đến giá các mặt hàng này trong nước.

Để đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho năm nay là: Tăng trưởng GDP khoảng 6%, nhập siêu/xuất khẩu dưới 16%, tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán dưới 15%, cắt giảm chi ngân sách 10%... các diễn giả tham gia Hội thảo cho rằng, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố gây sức ép làm tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2011.  

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đều cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì với chính sách tiền tệ thắt chặt, ít nhất là cho đến cuối năm 2011, để lạm phát không bùng phát trở lại.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc việc xóa bỏ trần lãi suất huy động để tăng tiết kiệm nhằm tăng nguồn cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, giảm tiêu dùng của dân cư, minh bạch hóa thị trường tín dụng để giúp lãi suất cho vay và lãi suất huy động gần nhau hơn điều đó vừa có lợi cho người gửi tiền vừa có lợi cho doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, ĐHKTQD cho rằng, việc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có thể đạt được mục tiêu trong ngắn hạn song không thể giữ nguyên các biện pháp đó trong dài hạn vì nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến mục tiêu tăng trưởng, việc làm của dân cư; do đó giai đoạn 6 tháng cuối năm sự thắt chặt đó có thể sẽ được nới lỏng từng bước.

Đây là điều kiện để đẩy giá cả trong nước tăng lên khi tương quan và cân đối cung – cầu chưa được duy trì ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, theo T.S Lạng, vẫn có khả năng các biện pháp thắt chặt tín dụng và tài khóa vẫn còn tiếp tục áp dụng kéo dài trong thời gian tới để giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài.

Hậu quả là sản xuất – kinh doanh của các DN trong nước có thể bị thu hẹp thậm chí bị đóng cửa vì tình trạng thiếu vốn, khả năng tạo lợi nhuận khó khăn và dòng chảy của các giao dịch kinh tế bị chậm lại. Điều đó vô hình dung lại tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước thông qua mở rộng đầu tư, tăng thị phần và tăng khả năng cạnh tranh.

(Tamnhin)

  • Quyết liệt bình ổn giá thực phẩm Giá tăng vì bão hay nguồn cung?
  • “Thảng thốt” với CPI?
  • Lấy lương cơ bản, lạm phát làm thước đo
  • Việt Nam: Cần sớm thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế
  • Thứ trưởng Bộ Công thương: Việt Nam vẫn thu lợi từ vừa xuất và nhập than
  • Làm sao để tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp?
  • Phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước: Ba “nút thắt” khó gỡ
  • Kinh tế 6 tháng cuối năm: Lạc quan và lo ngại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi