Sau những biến động về tỷ giá, điện, xăng, dầu… câu hỏi tiếp theo được giới phân tích đặt ra là quyết định tăng lương cơ bản sẽ được triển khai trong tháng 5 tới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mặt bằng giá cả.
Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ kết thúc với kết thúc với kết luận của Thủ tướng về việc sẽ thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản cho người lao động kể từ tháng 5 tới. Nghị Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương được Quốc hội thông qua ít lâu trước đó cũng đã thống nhất về khoản kinh phí tương đương 27.000 tỷ đồng sẽ được chi ra trong năm 2011 nhằm phục vụ cho kế hoạch tăng lương.
Thực tế những lần tăng lương cơ bản cho thấy điều chỉnh này ít tác động đến mặt bằng giá cả những tháng sau đó. Chẳng hạn, tháng 1/2009, sau một giai đoạn lạm phát rất cao của 2008, Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu của người lao động lên mức thấp nhất là 650.000 đồng. CPI tháng tăng 0,32% và 1,17% một tháng sau đó (do tác động thêm) của Tết. Tuy nhiên đến tháng 3, giá tiêu dùng đã quay đầu giảm 0,17%.
Đến tháng 5/2010, khi lương cơ bản được điều chỉnh lên 730.000 đồng, CPI 3 tháng sau đó được đánh giá là giai đoạn thấp nhất trong năm (dao động 0,06 - 0,23%). Với những tiền lệ như vậy, một số chuyên gia cho rằng việc tăng lương cơ bản trong năm 2011 sẽ ít gây tác động lên mặt bằng giá, hoặc nếu có, cũng không kéo dài.
Trao đổi với pv tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc cuối tháng 3, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng cùng với những dư âm của đợt điều chỉnh giá điện và xăng trước đó, việc điều chỉnh lương có thể khiến xu thế tăng CPI kéo dài đến hết quý II. “Tuy nhiên, khi các yếu tố tăng giá đã bộc lộ và các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô phát huy tác dụng, lạm phát sẽ dần được kiểm soát”, chuyên gia này nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội (Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng quyết định tăng lương sẽ ít ảnh đến lạm phát vì mặt bằng giá cả hiện nay đã quá cao và phản ánh ít nhiều kỳ vọng tăng giá theo lương. “Tôi cho rằng hiệu ứng lần này thậm chí sẽ còn ít hơn những đợt tăng lương trước”, ông Phong nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia kinh tế này thì mặc dù không chịu tác động nhiều từ quyết định tăng lương nhưng sức ép từ nay đến cuối năm vẫn không hề nhỏ, đặc biệt là từ dư âm của các điều chỉnh tỷ giá, xăng dầu… trước đó.
“Việc điều chỉnh giá xăng là đúng vì giá thế giới đã tăng cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng CPI không chỉ tăng có 0,4% do quyết định này bởi có không ít mặt hàng sẵn sàng “té nước theo mưa” khi giá xăng tăng. Cái này thì không ai tính được”, ông Phong nhận định.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì bên cạnh những nhân tố nêu trên, lạm phát trong giai đoạn từ nay đến cuối năm còn phải chịu sức ép rất lớn từ thị trường thế giới: “Không ai dám chắc trong mấy tháng còn lại liệu thế giới sẽ còn những biến cố gì, gây bất ổn ra sao đến kinh tế. Rồi tình trạng nợ của các quốc gia châu Âu, căng thẳng ở châu Phi - Trung Đông… Đây là yếu tố tác động rất lớn”, ông Ánh nhận xét. “Ngoài ra, kết quả của việc kiềm chế lạm phát sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng triển khai Nghị quyết 11 tại các cơ quan, địa phương có thực sự nghiêm túc, chặt chẽ đến hết năm hay không”, chuyên gia này nói thêm.
Nhận định về tỷ lệ lạm phát của năm 2011, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đưa ra bất cứ dự cảm nào vào thời điểm này đều rất khó chính xác, bởi còn rất nhiều những yếu tố chi phối và không thể lường trước được. “Tôi nghĩ chỉ có các bà nội trợ mới có thể tính đúng, tính đủ lạm phát năm nay. Như vợ tôi, bà ấy nhận định khá tốt khi mỗi lần đi chợ về và làm phép tính từng mớ rau, quả cà, lạng thịt”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong hài hước nói.
Báo cáo Kinh tế tháng 3 của Bộ phận Nghiên cứu Ngân hàng Standard Chartered nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục phải “chiến đấu” với lạm phát trong 9 tháng còn lại của 2011. Báo cáo này đặt ra câu hỏi về khả năng Việt Nam có thể trở lại với tình trạng lạm phát cao, tương tự 2008 sau khi CPI trung bình tăng 2% mỗi tháng trong quý một. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng kịch bản này chỉ xảy ra trong điều kiện hết sức ngặt nghèo của thị trường thế giới. Ở kịch bản thấp hơn Standard Chartered cho rằng CPI của nền kinh tế sẽ tăng trung bình 1% mỗi tháng trong giai đoạn còn lại của năm.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com