Việc cơ cấu lại doanh nghiệp(DN) có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2020 thì vấn đề tái cơ cấu là vấn đề chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh của DN và đất nước.
Trên thực tế, nhiều hoạt động của DN vẫn phụ thuộc vào đầu tư, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam còn thiếu tính liên kết với DN nước ngoài. Bên cạnh đó, việc cải cách DN nhà nước(DNNN) là rất quan trọng, cần có lộ trình thực hiện tạo bước tiến cao hơn nữa trong chuỗi giá trị.
Tái cấu trúc DN thích ứng với tình hình mới
Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam (DN) năm 2010 được công bố mới đây cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2010 đã được cải thiện đáng kể với tốc độ tăng trưởng GDP cao 6,78%, kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với nhập khẩu; tiến 10 bậc so với năm 2009 đưa Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi kinh doanh. Cơ cấu xuất khẩu có những chuyển biến tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế tạo, giảm dần xuất khẩu hàng thô
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh năm 2010 vẫn còn những “hạt sạn” tác động xấu đến việc tái cấu trúc DN nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung như: lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, lạm phát vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, mặt bằng giá tăng cao ngay trong quý I năm 2011 như: xăng dầu, xi măng, sắt, thép đều tăng dần…khiến việc tái cấu trúc doanh nghiệp cần phải có hướng điều chỉnh thích ứng với nền kinh tế vĩ mô.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT) cho biết “Việc tái cấu trúc DN không phải là mới mà đã được tiến hành từ năm 2008, tuy nhiên việc làm này thời gian qua chưa mang lại hiệu quả nên nay phải thực hiện lại. Trong tình hình hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP để tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài, vững chắc là tiền đề để DN phát triển. Tiếp tục công cuộc này, cần dứt khoát chuyển sang cơ chế thị trường, thực hiện minh bạch xóa bỏ cơ chế xin- cho, nhắn gửi, chạy chọt. 3 nhóm trong nước gồm: DN tư nhân, DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài phải bổ sung hỗ trợ nhau cùng phát triển.”
Cũng xét về mặt bản chất tái cấu trúc doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững: “Tái cơ cấu là bản chất quá trình phân bố lại nguồn lực sử dụng hiệu quả hơn và thực hiện theo cơ chế thị trường. Việc phân bố lại nguồn lực DN phải dựa trên sự ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài, vững chắc; thắt chặt đầu tư của DNNN, triệt tiêu đầu tư đi tìm địa tô hơn lợi nhuận; môi trường cạnh tranh hơn.”- Ông Cung cho biết thêm.
Thêm vào đó, việc tái cấu trúc DN cũng cần dựa trên “sức khỏe” của chính DN. Nhóm nghiên cứu Báo cáo cũng chỉ ra mức độ báo động về năng lực sử dụng vốn thấp của các DN thâm hụt vốn và hiệu quả lao động thấp trong các DN thâm dụng lao động. Trong 8 ngành được nghiên cứu, gồm: viễn thông, bảo hiểm, sản xuất và phân phối điện, vận tải đường thủy, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, may mặc, sản xuất sản phẩm từ cao su plastic và xây dựng thì 3 ngành cuối cùng có thu nhập bình quân lao động thấp nhất. Và hầu như chi phí cho hoạt động khoa học công nghệ trên tổng vốn đầu tư trong các ngành sản xuất đều thấp dưới 10%.
Xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp năm vừa qua
Dù năm 2010, DN vẫn chịu ảnh hưởng dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó khăn trong quý I/2011 như lãi suất cao, hạ tầng thấp, tỷ giá,… nhưng vẫn thấy những điểm sáng trong phát triển. DN vẫn trên đường ray phục hồi và lớn lên qua tốc độ tăng trưởng GDP tăng khá, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng 20% mỗi năm, vốn đầu tư của DN tăng. Sự vận động của DN là phù hợp với cơ chế thị trường, Chính phủ là người hỗ trợ DN.
Có thể nhận thấy tại khu vực tư nhân, DN đã dần cởi bỏ “tập quán cũ” là mô hình quản trị DN “manh mún” và quản trị theo thói quen “gia đình” vốn khó mang lại hiệu quả kinh doanh lâu dài và bền vững. Thay vào đó là mô hình quản trị “công” như: Cổ phần, sát nhập, liên doanh…rõ ràng, công khai, và minh bạch hơn.
Còn tại khu vực DNNN thông qua kế hoạch sắp xếp và đổi mới các DNNN đã chuyển đổi thành công ty TNHH 1 TV 901 DN; cổ phần hóa được 148 DN; xu hướng mua bán sáp nhập DN bắt đầu được quan tâm với dự báo sẽ mở rộng 30-40% xu hướng này trong những năm tới.
Bên cạnh đó, tín hiệu khả quan cho xu hướng tái cấu trúc DN vừa được Nhóm khảo sát động thái kinh doanh của DN do VCCI thực hiện trong quý I/2011 cho biết, trong các trọng tâm tái cấu trúc doanh nghiệp tập trung nhiều nhất vào việc tăng chất lượng và giá trị sản phẩm chiếm đến 92,1%, tăng năng suất lao động 87,6%.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết “ trong thời gian tới, để khuyến khích DN phát triển, Chính phủ vẫn tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển DN thông qua chính sách nhất quán thể hiện ở 3 điểm: tạo điều kiện cho doanh nghiệp hình thành, phát triển với môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, thực hiện cải cách hành chính, thực hiện chiến lược dài hơi trong đầu tư phát triển hạ tầng, lao động,…; thứ hai là trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNN&V bằng các chương trình đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ, hỗ trợ pháp lý,…Thứ ba là thực hiện miễn, giảm thuế tạo điều kiện cho các DN hình thành, phát triển.”
Trước các xu hướng và chỉ số về tình hình sản xuất kinh doanh 2010-2011, hầu hết các DN đều cho rằng vấn đề đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ phải được đặc biệt quan tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động tái cấu trúc DN. Trong thu hút vốn FDI cần hạn chế tối đa thu hút đầu tư gia công. Tách bạch rõ ràng chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu… có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp và của toàn nền kinh tế quốc dân.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com