Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đàm phán FTA: Không chỉ là mở rộng thị trường

picture
Tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất, hạ giá thành, nâng tính cạnh tranh của hàng hoá.

Trước đây, việc xác định đối tác để tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) thường do bên “trên” dội xuống và với mục đích là mở rộng thị trường, nhưng trong giai đoạn mới này mục tiêu đàm phán phải đặt cao hơn.

Đây là vấn đề được thống nhất cao tại hội thảo “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 16/3.

Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ, sau 15 năm tham gia ASEAN, khu vực này đã  trở thành đối tác kinh tế, thương mại số 1 của Việt Nam, vượt qua cả hai đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Năm 2010, nhập khẩu từ ASEAN đạt khoảng 16,4 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (84,8 tỷ USD). Xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,3 tỷ USD, tương đương 11,5% kim ngạch xuất khẩu (72,2 tỷ USD). ASEAN đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước ta.

Bên cạnh đó, thông qua các hiệp định thương mại tự do của ASEAN với các nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, New Zealand, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan.

Theo cam kết, từ năm 2010, Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ tới 90% số dòng thuế nhập đối với hàng hoá của ASEAN. 96,4% số dòng thuế của Úc và gần 85% số dòng thuế của New Zealand cũng đã ở mức 0% vào 2010. 75% số dòng thuế của Ấn Độ ở mức 0% từ năm 2010 và quốc gia này sẽ tiếp tục đưa lên 90% số dòng thuế đạt 0% vào năm 2016…

Trong giai đoạn 2011-2020, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, mục tiêu của đàm phán các FTA được đặt ra vẫn là thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các nhiệm vụ cụ thể sẽ hướng vào việc cải thiện cán cân thương mại, ứng phó với các bất lợi trong quá trình tự do hoá thương mại, tăng cường quan hệ, hợp tác song phương, đa phương, tạo cơ hội thuận lợi cho sự chuyển hoá nhanh của đất nước.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì tình hình hiện nay đã khác trước khá nhiều, chúng ta đang xây dựng chiến lược trong một thế giới có nhiều biến động. Do đó, Việt Nam cần phải xác định những thị trường nào thực sự tiềm năng để tiến hành đàm phán.

“Trước đây, việc đàm phán này thường là do ý muốn chủ quan từ “trên” dội xuống, nay cần có sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp”, ông Khoan nói.

Cũng theo phân tích của ông Vũ Khoan, hiện nay thị trường không phải là vấn đề quá lớn đối với hàng hoá của nước ta mà phải là chất lượng tính cạnh tranh của hàng hoá. Hàng hoá của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới mong mở rộng quy mô sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này mới thực sự là quan trọng chứ không phải là việc Việt Nam thu hút được những dự án có giá trị bao nhiêu.

Bên cạnh đó cũng cần phải xác định được thế mạnh của nước ta trong thời gian tới để thu hút các đối tác. Thời của nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã qua, thế mạnh trong thời gian tới của nước ta là gì?

Tán đồng với ý kiến trên, ông Phạm Quang Lực, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Văn phòng Trung ương Đảng) cho rằng mục tiêu của nước ta đến năm 2020 là cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì vậy, chúng ta cũng nên chọn các đối tác có thể đáp ứng được nhu cầu này.

Theo gợi ý của đông đảo các đại biểu thì phải là các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản EU. Các quốc gia này không chỉ có thị trường lớn mà còn có công nghệ rất cao.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng ngoài các đối tác tiềm năng là Nhật Bản, Mỹ, EU, Việt Nam cần quan tâm tới đối tác Nga để đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế. Đây cũng là thị trường khá tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta như thuỷ sản, dệt may, da giày, đồ gỗ…

“Tuy nhiên, FTA cũng không phải là con đường duy nhất để chúng ta có thể thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước nên không nhất thiết phải dùng công cụ này để đánh đổi với các vấn đề khác”, vị đại diện Bộ Ngoại giao nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đình Hoàn, Vụ hợp tác quốc tế (Văn phòng Chính phủ) cũng chia sẻ rằng tình hình thế giới hiện nay đã khác trước rất nhiều, do vậy, trong đàm phán không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đạt được những lợi ích cao nhất.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp nêu trên, ông Phạm Văn Phượng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, 15 năm qua quá trình gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực, các diễn đàn đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu, thời gian tới Việt Nam cần phải tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi thương mại toàn cầu. Đó mới chính là mục tiêu mà chiến lược đàm phán FTA cần hướng tới trong giai đoạn 2011-2020.

(Theo Vneconomy)

  • Đến năm 2015: Cần 559 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
  • Tái cấu trúc Doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh
  • Quốc gia thất bại và quốc gia thành công
  • WB: Chính sách vĩ mô của Việt Nam đúng hướng
  • Cơ hội thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế
  • Tình hình kinh tế quý I
  • WB nhận xét tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam
  • Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi