Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc gia thất bại và quốc gia thành công

Kể từ năm 2005 trở đi, hàng năm tạp chí chính trị học nổi tiếng Foreign Policy (Chính sách đối ngoại, xuất bản tại Mỹ) công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được đánh giá theo Chỉ số quốc gia thất bại (Failed States Index, FSI).

Chỉ số FSI là do Quỹ vì Hòa Bình (Fund for Peace, một Think tank độc lập với tạp chí Foreign Policy) tổng hợp 90.000 nguồn dữ liệu định lượng khác nhau (được công khai từ đầu năm đến cuối năm) của 177 quốc gia trên thế giới, để gộp thành 12 thang điểm đo từ mức độ phát triển kinh tế cho đến chỉ số về sự công bằng trong xã hội. Sau đó, tạp chí Foreign Policy công bố Bảng Xếp hạng các quốc gia được khảo sát theo FSI.

Quỹ Vì hoà bình đưa ra khái niệm chỉ số FSI nhằm để từ đó dùng phương pháp định lượng tìm ra các quốc gia thất bại.

Sở dĩ phải xác định quốc gia thất bại chủ yếu là do các quốc gia đó đang trở nên mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế, nhất là lo ngại khi vạch chính sách ngoại giao đối với các quốc gia đó. Quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất là nơi có nền kinh tế yếu nhất, phát triển chậm nhất, nhiều bất công nhất, v.v.. Nói đơn giản, đó là nơi mà phần lớn dân có đời sống hàng ngày rất khó khăn, xã hội bất an; người dân phải phấn đấu để sống sót từng ngày, để được một chút tự do. Đó là những hoàn cảnh căn bản tạo nên một quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.

Có 12 chỉ tiêu (Indicator) đánh giá, gồm 4 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu chính trị. Mỗi chỉ tiêu được đánh giá theo thang điểm 10; điểm càng cao tức càng thất bại, điểm càng thấp thì càng thành công. Cộng điểm của 12 chỉ tiêu này lại được tổng số điểm đánh giá mức độ thất bại, tức FSI của quốc gia đó.

biểu đồ
Ảnh minh họa: saga

Chỉ tiêu xã hội gồm: (I-1) Áp lực gia tăng số dân; (I-2) Sự di chuyển lớn dân tị nạn hoặc thu xếp nội bộ nơi ở của dân, tạo ra nguy hiểm nhân đạo; (I-3) Hậu quả của sự tồn tại các nhóm thù địch nhau hoặc các nhóm cuồng tưởng (paranoia); (I-4) Dân bỏ trốn để thoát cảnh khổ sống trong nước mình.

Chỉ tiêu kinh tế gồm: (I-5) Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều theo các nhóm dân; (I-6) Suy thoái kinh tế nặng.

Chỉ tiêu chính trị gồm: (I-7)  Mức độ tham nhũng của chính quyền; (I-8) Tình trạng suy thoái của các dịch vụ công cộng; (I-9) Sự trì hoãn hoặc độc đoán trong quá trình chấp hành luật pháp và vi phạm nhân quyền một cách phổ biến; (I-10) Sự vận hành các cơ quan an ninh "nhà nước bên trong nhà nước"; (I-11) Tình trạng bỏ ra nước ngoài của những người tài; (I-12) Sự can thiệp của các nước ngoài hoặc thế lực chính trị bên ngoài.

Trong bảng này, các quốc gia chia làm 3 loại tùy theo tổng số điểm FSI: - loại Báo động (Alert), có FSI từ 90 điểm trở lên, là các nước thất bại nhất, kém ổn định nhất; - loại Cảnh giác (Warning), có FSI từ 60 đến dưới 90 điểm; - loại Vừa phải (Moderate) - 30 đến dưới 60 điểm; - loại Bền vững (Sustainable) - dưới 30 điểm, là các nước thành công, ổn định nhất. Nghĩa là tổng số điểm FSI càng nhỏ thì càng thành công, và ngược lại.

Theo thói quen, 60 quốc gia có tổng số điểm FSI cao nhất bị coi là nhóm quốc gia thất bại; các quốc gia còn lại không bị coi là thất bại.

Trong Bảng xếp hạng FSI năm 2010 có 37 nước thuộc loại Báo động. 92 nước thuộc loại Cảnh giác, 35 nước thuộc loại Vừa phải và 13 nước thuộc loại Bền vững.

Các quốc gia thất bại thường có một số đặc điểm chung, phổ biến nhất là mất sự kiểm soát thực tế lãnh thổ hoặc không thể hoàn toàn nắm được quyền lực hợp pháp sử dụng vũ lực. Tiếp theo là sự suy yếu khả năng quyết sách tập thể; không thể cung cấp cho nhân dân các dịch vụ công cộng thích hợp, không thể dùng tư cách thành viên chính thức của cộng đồng quốc tế để giao lưu với  các quốc gia khác.

12 chỉ tiêu nói trên hàm chứa nhiều nhân tố của quốc gia thất bại như tham nhũng nặng; các hành vi phạm tội; không có khả năng thu thuế hoặc khả năng được nhân dân ủng hộ; có số lượng lớn người buộc phải bỏ quê nhà tha phương cầu thực; nền kinh tế suy thoái nặng; sự bất bình đẳng giữa các quần thể nhân dân; sự hãm hại nhân dân một cách có tổ chức hoặc phân biệt đối xử nghiêm trọng; sức ép dân số nặng; người tài bỏ ra nước ngoài; môi trường sống bị phá hoại nặng.

Chỉ số FSI đầu tiên được đưa ra vào năm 2005, hồi ấy chưa có ai thật sự nghiên cứu về các quốc gia thất bại một cách có phương pháp. Trong 5 năm qua, việc đưa ra FSI và bảng xếp hạng quốc gia thất bại đã tạo lập được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với nhóm quốc gia này và tăng cơ hội thảo luận giữa các nhà quyết sách ở Mỹ và trên thế giới. Chỉ số FSI khiến họ chú ý đến các quốc gia thất bại, cách đối phó với những thể chế ấy, và các "căn bệnh" đặc biệt của mỗi quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.

Tạp chí Foreign Policy số tháng 7-8/2010 đã công bố kết quả khảo sát các quốc gia thất bại năm 2010.

Bảng này cho thấy có nhiều nước châu Phi trong nhóm 37 quốc gia xếp vào loại "Báo động" (tức nguy hiểm).

Somalia 3 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia thất bại với tổng số điểm FSI là 114,3. Đây là một nước suốt 18 năm qua không có sự vận hành của bộ máy nhà nước, thiếu luật pháp, rối loạn, nạn cướp biển hoành hành, các nhóm Hồi giáo vũ trang kiểm soát chặt đường phố thủ đô Mogadishu, nội chiến liên miên, dân chúng không biết dân chủ là gì ...Somalia đạt số điểm cao tuyệt đối (10 điểm) về 4 chỉ số : dân tị nạn nhiều; tham nhũng; tồn tại "nhà nước bên trong nhà nước"; và thất thoát người tài.

Tiếp sau là Chad, Sudan, Zimbabwe, Cộng Hòa Congo, Afghanistan, Iraq, Cộng hòa Trung Phi, Guinea, Pakistan, Haiti, Bờ Biển Ngà (Ivory Coast), Kenya, Nigeria, Yemen, Myanmar, Ethiopia, Đông Timor, Bắc Triều Tiên, Niger thuộc số 20 quốc gia thất bại nhất. Hầu hết những quốc gia này đều nghèo đói, rối loạn, chính trị độc tài chuyên chế, nhiều người dân vì khổ cực phải bỏ nước ra đi.

Có những quốc gia nhờ cải thiện được một số chỉ tiêu nên thứ hạng tăng về phía tốt hơn. Như Sierra Leone và Liberia các đây ít lâu thuộc top 20 quốc gia thất bại nhất nay đã ra khỏi danh sách đó. Sri Lanka sau khi dẹp xong sự nổi loạn của nhóm Con hổ giải phóng Tamil từ thứ 22 năm 2009 nhảy lên thứ 25 năm 2010 (tăng 3 bậc về phía tốt). Cộng hòa Dominic cũng tăng 5 bậc.

Các quốc gia xếp ở cuối bảng (số thứ tự lớn nhất) là các quốc gia ổn định nhất, tốt nhất. Ở châu Á, quốc gia tốt nhất là Nhật Bản, xếp thứ 164, với tổng FSI bằng 31,3 điểm; thứ nhì là Singapore, thứ 160 với 34,8 điểm .

13 quốc gia thuộc loại Bền vững gồm: 10 nước châu Âu (trong đó có 4 nước Bắc Âu), 1 nước châu Mỹ, 2 nước châu Úc. Na Uy là quốc gia tốt nhất, xếp cuối bảng (thứ 177) với FSI thấp nhất, bằng 18,7 điểm. Tiếp đó đến: Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ai-len, Đan Mạch, Niu Di-lân, Áo, Úc, Lu-xem-bua, Hà Lan, Ca-na-đa, Ai-xơ-len (thứ 165).

Xếp hạng của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như sau: tốt nhất là Anh - thứ 161, Pháp - 159, Mỹ - 158, Nga - 80, Trung Quốc - 62.

Có một trường hợp đặc biệt: Trung Quốc năm 2009 bị xếp thứ 57, thuộc vào loại quốc gia thất bại, tức trong nhóm 60 nước có FSI lớn nhất (nhưng năm 2010 tăng 5 bậc về phía tốt hơn, ra khỏi nhóm quốc gia thất bại).

Vì sao một nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới lại bị xếp vào nhóm quốc gia thất bại? Đó là vì Trung Quốc có chỉ số FSI lớn về các chỉ tiêu: - sức ép dân số (chỉ số Demographic Presures bằng 9, do có nhiều người Trung Quốc di cư ra nước ngoài), - phân hóa giàu nghèo quá chênh lệch (chỉ số phát triển không đồng đều Uneven Development bằng 9,2), - tồn tại vấn đề nhân quyền (chỉ số Human Rights bằng 8,9),

Năm 2010 Việt Nam xếp thứ 95 (tức tăng 1 bậc về phía tốt hơn so với năm 2009), như vậy là tốt hơn Ấn Độ (thứ 87), Thái Lan (81), Indonesia (61), Phillippines (51), Cam-pu-chia (40), Lào (40), Myanmar (16); chỉ kém Malaysia (110), Brunei (117), Singapore (160), nói cách khác, Việt Nam là quốc gia thành công thứ 4 trong khối ASEAN.

Các chỉ tiêu từ I-1 đến I-12 của Việt Nam có số điểm như sau: 6,9; 5,2; 5,3; 5,9; 5,9; 6,6; 7,3; 6,4; 7,3; 6,0; 7,0; 6,2; Tổng cộng được 76,6 điểm, vẫn thuộc vào loại quốc gia cần được cảnh giác. Có 3 chỉ tiêu cao từ 7,0 trở lên, đó là chỉ tiêu tham nhũng có số điểm là 7,3; chỉ tiêu nhân quyền - 7,3; chỉ tiêu thất thoát nhân tài - 7,0.

Dư luận một số nước châu Phi có phản ứng khi thấy nước mình bị xếp hạng xấu, cho rằng đây chỉ là cách đánh giá theo quan điểm của phương Tây, còn đa số các nước không bình luận. Trung Quốc năm 2009 bị xếp hạng thuộc nhóm quốc gia thất bại nhưng cũng không có phản ứng gì.

Điều đó có thể cho thấy phương pháp đánh giá quốc gia thất bại nói trên là tương đối khách quan. Dĩ nhiên, Quỹ vì hoà bình và tạp chí Foreign Policy tiến hành việc nghiên cứu xếp hạng quốc gia thất bại nói trên trước hết nhằm phục vụ nhu cầu chiến lược của Washington, vì thế họ chẳng cần quan tâm lắm tới phản ứng của dư luận./.

-----------------
Tác giả: NGUYỄN HẢI HOÀNH
Nguồn: Tuần Việt Nam

Nguồn tham khảo:
1) http://www.foreignpolicy.com
2) http://www.fundforpeace.org

  • WB: Chính sách vĩ mô của Việt Nam đúng hướng
  • Cơ hội thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế
  • Tình hình kinh tế quý I
  • WB nhận xét tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam
  • Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia
  • Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2010: Bức tranh sáng, tối
  • Việt nam không phải là quốc gia hưởng lợi từ việc giá dầu tăng
  • Những tín hiệu khả quan từ quý I/2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi