Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Áp dụng giá điện giờ cao điểm : Những bức xúc chưa được giải đáp

Kết quả kiểm tra đợt 1 về áp dụng giá điện mới tại 8 đơn vị ở 3 địa phương (Hà Nội, Tiền Giang, Long An) của Bộ Công Thương sẽ làm nhiều người ngỡ ngàng. Đó là: chi phí tiêu dùng điện của DN có tăng, nhưng... mức tăng trong chi phí giá thành chỉ ở khoảng 0,1- 0,75 %, cao nhất cũng chỉ 3,4%. Vậy tại sao DN lại “kêu” giá điện mới nhiều như thế ?

Theo công bố của Bộ Công Thương, từ năm 2007, điện cho sản xuất đã chiếm tỷ lệ cao nhất và hiện chiếm trên 50% tổng nhu cầu tiêu thụ. Do vậy, giờ cao điểm sử dụng điện đã dịch chuyển từ buổi tối (17 h - 22 h) sang một phần buổi sáng (9 h - 12 h). Một quan chức của bộ cho biết, thực tế này không chỉ làm ngành điện lỗ nặng, mà còn đồng nghĩa với việc người sử dụng điện vào các giờ cao điểm được mua điện với giá thấp hơn giá thành sản xuất ra điện. “DN đã được hưởng chính sách bao cấp của Chính phủ thông qua giá điện”– vị này nói.

Bố trí”thế nào ?

Điều đó giải thích vì sao phải áp dụng cách tính giá điện cao hơn vào giờ cao điểm sáng (9h30-11h30), và tối (17h - 20h). Việc tính giá bán điện theo giờ cao điểm được Bộ Công Thương đánh giá là một yêu cầu bức thiết. Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Khu, khẳng định để đối phó với tình hình “các nhà sản xuất buộc phải tìm cách bố trí công việc sao cho thật tiết kiệm, giảm chi phí”.

Nhưng thực tế, thì dường như cách tính giá điện mới lại làm... méo mó mục đích điều tiết nhu cầu sử dụng mà các nhà quản lý muốn hướng tới. Câu hỏi đặt ra là nếu phải bố trí lại sản xuất, tránh giờ cao điểm thì DN sẽ sản xuất trong giờ nào? Phải chăng DN sẽ phải bố trí công nhân làm việc từ... 5h30 mỗi ngày? Để có thể vừa đảm bảo thời gian sản xuất, lại vừa tránh được giờ cao điểm vào 9h30 sáng ? Rõ ràng DN không thể bố trí sản xuất một cách... kỳ cục như vậy. Vì đơn giản, không phù hợp với “đồng hồ sinh học”không chỉ của người công nhân, mà của cả xã hội. Nếu không bố trí được công việc, DN sẽ buộc phải chấp nhận sản xuất vào giờ cao điểm, dù biết phải chịu giá điện gần gấp đôi. Và như vậy, ngoài tăng thu cho ngành điện, thì mục đích điều tiết, giảm tải cho hệ thống điện vào giờ cao điểm có khả năng không đạt được. Một công nhân đi làm tại DN, thì phải có những người khác cung ứng các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của họ. Suy ra, nếu muốn đạt mục đích tiết kiệm được điện vào giờ cao điểm sáng, thì hẳn cả xã hội sẽ phải thay đổi thời gian biểu hoạt động. Tức là phải “dậy sớm” hơn, và “nghỉ trưa” từ... 9h30 sáng ? Từ đây sẽ nhận thấy, xác định giờ cao điểm vào 9h30-11h30 sáng và bán điện với giá cao, thực ra, là một kiểu áp đặt. Vì bản chất của áp đặt là buộc đối tượng phải tuân theo một mệnh lệnh duy nhất.

Tăng bao nhiêu... % ?

Hết tháng 3/2009, kết quả sử dụng điện theo giá mới của nhiều DN đã  tăng rất mạnh. Một DN ngành thép của Hải Phòng cho biết, lượng sử dụng điện của DN thường “chốt” vào ngày 21 hàng tháng. Theo tính toán, từ 21/2/2009 đến 21/3/2009 DN này hoạt động đủ 30 ngày, tổng số tiền điện đã trả là gần 1,3 tỷ VND. Từ 21/3/2009 đến 10/4/2009, tức là mới khoảng 20 ngày, số tiền điện mà DN này phải trả đã là trên 1,32 tỷ VND. Như vậy DN mới hoạt động được 2/3 thời gian một tháng thì số tiền điện đã vượt tổng số nộp của cả tháng trước. Mặt khác, các DN thép nội hiện sản xuất cầm chừng vì nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm sút và sự xuất hiện của thép ngoại giá rẻ. Khi thị trường hồi phục, sản xuất của các DN tăng trở lại thì chắc chắn tỷ lệ tăng nộp tiền điện theo giá mới sẽ còn lớn hơn nữa. Đặc thù của ngành thép, đặc biệt với các DN có sản xuất phôi, là phải duy trì sản xuất liên tục và tiêu thụ điện rất lớn. Do vậy, đây cũng là các DN sẽ bị tăng tiền điện nhiều nhất khi áp dụng giá mới.

Tại một DN ngành khoáng sản Hải Phòng, sau khi áp dụng giá điện mới, tổng tiền điện nộp hàng tháng đã tăng 25%. Chủ DN đã lựa chọn phương án rút ngắn thời gian sản xuất mỗi ngày của công nhân để tránh giờ cao điểm. Nhưng đây chỉ là lựa chọn tạm thời, vì thị trường của DN này cũng đang khó khăn. Chủ DN này cho biết, nếu các đơn đặt hàng đều đặn như năm trước, DN của ông vẫn buộc phải tổ chức sản xuất trong giờ cao điểm. Do vậy, DN này hiện đang tính toán phương án tăng giá bán sản phẩm. Còn theo GĐ một DN chế biến gỗ, với cách tính giá điện giờ cao điểm như hiện nay, nếu làm cả 6 ngày mỗi tuần thì chi phí điện phụ trội so với cách tính cũ là 18%, giá thành sản phẩm bị đội lên từ 1,8 – 3,6%. Có nghĩa là không thể có một tỷ lệ tăng chi phí điện “chung” trong khoảng từ 7 – 10% như ngành điện công bố. Nói cách khác, mỗi một ngành sản xuất có đặc điểm, nhu cầu sử dụng điện riêng biệt và vì thế cách công bố mức tăng chung của EVN đã vô tình thành... nói dối. Và nó lý giải tại sao sau khi công bố tăng giá điện, các cơ quan chức năng lại phải đi thẩm tra mức tăng chi phí điện thực tế tại DN. Mặt khác, đồng ý là cả xã hội phải chung tay tiết kiệm. Nhưng không thể hiểu đó là kiểu chung tay để đảo lộn quy luật sinh hoạt cả xã hội. Vấn đề là ở chỗ, việc đổi mới phương thức hoạt động của ngành điện quá chậm chạp đã đưa tới kết quả tập trung, huy động các nguồn lực  sản xuất điện không đáp ứng nổi tốc độ tăng nhu cầu sử dụng.

Thế nên, DN “kêu” về giá điện tăng sốc là hoàn toàn có lý. Họ kêu khi phải gánh giá điện cao có nguyên nhân từ sự tù mù trong tất cả các khâu dịch vụ, cung ứng, cơ cấu bán, giá bán... của ngành điện. Kêu về một khâu còn bảo là “oan” cho ngành điện, nhưng kêu ở mọi khâu như thế thì liệu ngành điện có còn “oan” hay không ?
 
Ông Phan Lê Kim - GĐ Cty TNHH Công nghiệp và Thương mại Sao Nam, Hà Nội
“Mỗi sản phẩm có đặc thù riêng, chi phí năng lượng riêng. Như sản phẩm nước sạch điện chiếm 30 – 40%. Giá thành sản xuất thép năng lượng chiếm gần 40 – 50%. Cơ khí xây dựng hàn nhà tiền chế điện chiếm 30% giá thành. Vậy khi điện tăng giá 11% thì giá thành sẽ tăng lên bao nhiêu? Để hình thành giá thành sản phẩm cần tính toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu thô đến tay người tiêu dùng. Nếu ta nói xí nghiệp May X mua vải về may, sản xuất lớn làm việc 3 ca giá điện tăng 11% nên giá thành tăng 1% thì chưa đúng. Từ bông cán thành sợi ở nhà máy sợi cần điện, ở nhà máy dệt nhuộm cần điện để nhuộm vải để may quần áo. Như vậy, theo tôi Bộ Công Thương cho rằng: “mức tăng chi phí sản xuất do áp giá điện giờ cao điểm không cao, tính chi phí tăng thêm ở khoảng 0,1- 0,75 %” là không thuyết phục.”

(Theo báo diễn đàn doanh nghiệp )

  • Dấu hiệu bất ổn từ các “lỗ hổng” của kinh tế Việt Nam
  • "Điểm mặt" lực cản liên kết phát triển kinh tế các tỉnh Miền trung
  • Việc làm và ngân sách
  • Lựa chọn chính sách: Cái giá của những bài học
  • Tập đoàn và chuyện minh bạch thông tin
  • Standard Chartered: Kinh tế VN có dấu hiệu tốt
  • Phải chăng nền kinh tế Việt Nam được miễn nhiễm?
  • Không mơ hồ với khủng hoảng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi