Mô hình chăn nuôi lợn ở xã Nam Triều (Phú Xuyên) cho thu nhập cao |
- Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, Phú Xuyên là huyện có nhiều phong trào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như trồng cây đậu tương, rau màu vụ đông trên 100% đất hai lúa, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn... Tuy hệ số quay vòng đất cao nhưng nông dân ở đây vẫn thiếu việc làm, vậy đâu là giải pháp tháo gỡ?
Đa dạng bức tranh nông nghiệp
Đã từ chục năm nay, huyện Phú Xuyên luôn đi đầu trong việc trồng cây đậu tương đông trên đất 2 lúa. Nhiều cải tiến phát sinh từ thực tiễn trong việc gieo trồng đã được chính nông dân ở đây ứng dụng. Vụ đông từ chỗ là vụ làm thêm đã trở thành vụ chính (vụ thứ 3), năm 2007, 2008, thu nhập từ vụ đông đạt 100 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó với cuộc cách mạng chuyển gần 1.000ha đất 2 lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm đã tạo cho nông nghiệp Phú Xuyên nhiều điểm nhấn.
Hiện toàn huyện đã xây dựng được 110 trang trại phát triển chăn nuôi thủy sản và 50 trang trại chuyên canh chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Còn lại là hàng trăm trang trại, vườn trại xây dựng theo mô hình "vườn + chuồng", "ao + chuồng", VAC. Đến nay, bình quân giá trị nông sản thu nhập từ các trang trại đạt 180-200 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí có lãi 60-70 triệu đồng/ha. Với diện tích nuôi trồng thủy sản lên tới trên 1.000ha và tổng đàn gia cầm, thủy cầm đạt gần 1 triệu con, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục được mở rộng ở các xã có khu đồng trũng chỉ cấy được 1 vụ lúa như Chuyên Mỹ 200ha, Đại Xuyên 120ha, Hoàng Long 110ha, Nam Phong 90ha, Minh Tân 77ha... Ngoài chuyên canh chăn nuôi các giống cá chất lượng cao, giống nhập ngoại... nhiều nông dân xã Khai Thái đã tập trung phát triển các mô hình nuôi con đặc sản cho giá trị kinh tế cao như ba ba, ếch, cá rô đồng, cá quả...
Theo ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho rằng: Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, địa phương đã và đang quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững. Cụ thể các xã miền Đông của huyện tập trung vào trồng những loại cây ăn quả chất lượng cao, trồng rau an toàn và trồng cỏ chăn nuôi bò sữa... các xã miền Tây trồng lúa thơm chất lượng cao và nuôi trồng thủy sản.
Phải mạnh cả "2 chân"
Với đa dạng mô hình nông nghiệp hiệu quả, hệ số sử dụng đất cao, đạt trung bình trên 3,5 lần/năm, nhưng khó khăn lớn nhất đối với vùng trũng Phú Xuyên lại chính là nông dân thiếu việc làm. Bởi thực chất làm nông nghiệp chỉ có mùa vụ, tính ra nông dân chỉ lao động tổng cộng trong 1 tháng để sản xuất 3-4 vụ trong năm, còn lại là thời gian nhàn rỗi. Kinh nghiệm của xã Chuyên Mỹ cho thấy: tiểu thủ công nghiệp phát triển chính là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Xã Chuyên Mỹ được coi là xã mạnh cả "2 chân", phát triển nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề tiểu thủ công. Với lợi thế có nghề truyền thống, xã đã vận động nhân dân hoàn thành dồn điền đổi thửa để bố trí sản xuất và sắp xếp lại lao động. Xã đã hình thành 2 bộ phận dân cư: 1 bộ phận chuyên làm nghề, 1 bộ phận chuyên làm nông nghiệp theo hướng xây dựng trang trại phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm. Toàn bộ diện tích đất lúa vùng sâu trũng, đầm hồ sình lầy đã được cải tạo hình thành 49 trang trại với diện tích trên 200ha. Giá trị thu nhập bình quân đạt trên 60-70 triệu đồng/ha/năm, nhiều khu vực đã đạt trên 200 triệu đồng/ha. Từ cuối năm 2008 đến nay, mức đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của Chuyên Mỹ có bước chuyển lớn: đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn được bê tông hóa gần 100%, nhà trẻ, trạm y tế, khu trang trại... được đầu tư xây dựng lên tới trên 50 tỷ đồng.
Theo bà con nông dân huyện Phú Xuyên, yếu tố then chốt để các xã tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung nâng cao giá trị thu nhập là phải chuyển dịch một lượng lớn lao động trong nông nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... đầu tư vốn mở rộng sản xuất, sắp xếp bố trí lại lao động nông thôn theo hướng chuyên môn hóa như một số xã trong huyện đã làm, có như vậy mới giải quyết được vấn đề thiếu việc làm cho người dân trên địa bàn.
(Theo Quỳnh Dung // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com