Các vấn đề an sinh xã hội, an ninh và quốc phòng là những nội dung của chiến lược phát triển bền vững, đã được đề cập trong chiến lược phát triển đang thực hiện.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nóng lên của trái đất (Ảnh: ĐỨC THANH) |
Kỳ II: Đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Phần này trình bày đôi điều về biến đổi khí hậu toàn cầu và giới hạn của sự phát triển, một vấn đề cần hết sức lưu ý trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thập niên tới.
Năm 1972, quyển sách mỏng "Các giới hạn của sự tăng trưởng" (Limits of Growth) do Câu lạc bộ Rome (Club of Rome), một tổ chức phi chính phủ của Italy xuất bản, lần đầu tiên trên thế giới đã cảnh báo về giới hạn của trái đất và sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, đưa ra dự báo toàn cầu dài hạn về dân số, kinh tế, môi trường và các quan điểm giải quyết.
Hồi chuông báo động của Câu lạc bộ Rome rung lên cách đây đã 37 năm, nhưng những gì mà loài người đang hứng chịu từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong những năm gần đây đã nhắc nhở rằng, nếu không có các giải pháp cứu trái đất trước nguy cơ nóng lên, thì thế giới sẽ ngưng phát triển từ năm 2015 như Câu lạc bộ Roma đã cảnh báo.
Loài người đang đứng trước một thực trạng đáng sợ do nhiệt độ hành tinh đang tăng lên, tuy rất chậm, nhưng tác hại của hiện tượng đó thì rất lớn. Chưa bao giờ như hiện nay, những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, lượng mưa giảm ở nhiều vùng làm cho tốc độ sa mạc hóa gia tăng, trong khi đó giông bão đã xảy ra với cường độ mạnh hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.
ở châu á, hạn hán trên diện rộng đã tàn phá mùa màng ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam á. Băng tuyết ở đỉnh những ngọn núi cao nhất thế giới Himalaya, Alps, Pyrenes đang tan chảy; số lượng các trận bão có cường độ mạnh tăng lên. Mỗi năm, diện tích rừng tự nhiên trên thế giới bị thu hẹp khoảng 13 triệu ha.
Hiện tượng El Nino có chu kỳ từ 2 đến 7 năm tạo ra sự biến đổi khí hậu liên lục địa; trong khi những nước Đông bán cầu như Việt Nam, Philippines, Indonesia nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng, thì ở một số nước Nam Mỹ lại hứng chịu những trận mưa như trút nước. Trái ngược với El Nino, hiện tượng La Nina mang đến những dòng nước lạnh với những trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy và bão có sức tàn phá ghê gớm, nhất là ở vùng Đại Tây Dương.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nóng lên của trái đất, khoảng 50 năm vừa qua, nhiệt độ trung bình của nước ta tăng lên 0,7 độ C, mực nước biển dâng thêm 20 cm; dự báo năm 2100, nhiệt độ tăng khoảng 3 độ C và mực nước biển dâng thêm 1 m, theo tính toán thì khoảng 40.000 km2, 12,3% diện tích chìm dưới nước biển, 10% dân số nước ta chịu tác động, thiệt hại khoảng 10% GDP.
Trái đất nóng lên xuất hiện những người di cư mới - người tỵ nan vì khí hậu, Tổ chức Chistian Aid (Anh) dự báo, năm 2050 toàn thế giới có khoảng 1 tỷ người tỵ nạn các loại, chủ yếu là tỵ nạn khí hậu. Nông nghiệp và an ninh lương thực chịu tác động rõ rệt nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng về lương thực, đến mức Liên hiệp quốc phải kêu gọi các nước có hành động khẩn cấp để cứu nguy.
Từ tháng 3/2007, giá lúa mì, gạo, đậu tương đã tăng lên rất nhanh, lúc đầu tăng 87%, tiếp đó tăng thêm 130%, những tháng đầu 2008 đạt đến mức kỷ lục tăng gần ba lần, gây ra những cú sốc đối với cuộc sống thường ngày của hàng tỷ người. Tình trạng thiếu lương thực đã được báo động từ trước, theo một nghiên cứu được tạp chí Science công bố gần đây, thì do trái đất nóng lên, các nước Nam Phi có thể giảm 30%, vùng Bắc á giảm 10% sản lượng gạo, ngô và các cây lương thực khác. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo, các nước đang phát triển sẽ mất đi 11% diện tích đất canh tác sử dụng nước mưa vào năm 2080 so với năm 1995, có thể giảm 280 triệu tấn ngũ cốc, ước tính khoảng 56 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, 60-70% dân cư ở các nước nghèo sống ở nông thôn, nguồn thu nhập chủ yếu là nông nghiệp, 1/3 kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước là sản phẩm nông nghiệp, do vậy người dân các nước đó chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu.
Năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng cũng chịu tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhu cầu năng lượng tăng lên nhanh chóng trong quá trình công nghiệp hóa của hàng trăm nước trên thế giới, do nhu cầu sử dụng ô tô và các phương tiện vận tải khác gia tăng, do những đợt nóng gay gắt mùa hè và giá lạnh mùa đông. Trung Quốc là một ví dụ điển hình về sự gia tăng mức tiêu dùng dầu mỏ.
Năm 2000, lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc 4,6 triệu thùng/ngày và dự báo năm 2015 là 10,5 triệu thùng/ngày, trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Dầu mỏ còn là vũ khí chính trị mà một số nước đang sử dụng trong quan hệ quốc tế. Lượng tiêu thụ dầu mỏ tăng lên nhanh chóng đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các thành phố lớn trầm trọng hơn, lượng khí thải từ dầu mỏ cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho nhiệt độ trái đất nóng lên.
Ngày 25/10/2007, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) công bố "Báo cáo viễn cảnh môi trường toàn cầu", được coi là tài liệu tổng quan về biến đổi khí hậu, nguồn nước và đa dạng sinh học trên trái đất, đã đưa ra lời cảnh báo: "Môi trường trái đất đang tiến dần đến ngưỡng giới hạn tồn vong của nhân loại, phụ thuộc vào việc chúng ta bắt tay hành động ngay hôm nay chứ không phải ngày mai".
Ông Achim Steiner, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc, Giám đốc điều hành UNEP nhấn mạnh: "Sự tàn phá tài nguyên thiên nhiên một cách có hệ thống đã tới cái ngưỡng mà khả năng sống còn của các nền kinh tế bị thách thức nghiêm trọng, hóa đơn thanh toán của chúng ta để lại cho con cháu sẽ không thể thanh toán được".
Trong báo cáo của UNDP "Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu" năm 2007 đã nhận xét: "15 năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về phát triển con người… Tuy vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thật sự những thành tựu đó và không đâu nghiêm trọng hơn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".
Nhân loại đang sống trong điều kiện vượt quá sự chịu đựng sinh học của trái đất, phải tìm mọi cách để vượt qua thách thức nghiêm trọng đó. Môi trường sinh thái đang trở thành vấn đề thời sự trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Khái niệm "phát triển bền vững" ra đời để bảo đảm rằng, sự tăng trưởng kinh tế cho thế hệ hôm nay không trở thành gánh nặng đối với các thế hệ mai sau.
Những thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp gây ra ở Đồng Nai, Nha Trang, TP.HCM, Hà Nội và nhiều vùng trong cả nước trong điều kiện các cơ quan chức năng của nhà nước buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát đã báo động hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, nếu không hành động kịp thời và có hiệu quả để giải quyết về cơ bản.
Chương trình không khí sạch Việt Nam - Thụy Sĩ (SVCAP) phối hợp với Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành hai đợt quan trắc SO2, NO2 và benzene tại hơn 100 vị trí thuộc 8 quận nội thành Hà Nội từ ngày 12/1 đến 6/2 và từ ngày 17/1 đến 11/9 năm 2007 đã cho kết quả đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô.
"So với nhiều nơi khác trong vùng và trên thế giới, Hà Nội thuộc loại thành phố ô nhiễm không khí "có hạng". Trầm trọng nhất là bụi PM10, hàm lượng thường vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là gần các trục giao thông và những nơi hay bị kẹt xe". (xem: Phạm Duy Hiển, Bản đồ môi trường Hà Nội, Tia sáng, 23/12/2008)
Con người là tác nhân chính của tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, thì cũng chính con người có trách nhiệm cứu sống thảm họa hủy diệt trái đất bằng các công trình nghiên cứu khoa học với sự hợp tác về hành động của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhằm tìm ra các giải pháp để thay đổi từ quan điểm sống của con người, phương thức sản xuất sản phẩm vật chất, cách tiêu dùng của mỗi gia đình và các chiến lược phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Do vậy, trong khi coi trọng tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, thì trong chiến lược sắp đến cần có những nghiên cứu và dành nội dung thỏa đáng cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đối với giới hạn tăng trưởng của Việt Nam, cũng như những vấn đề đặt ra đối với an ninh lương thực, năng lượng… của đất nước, đề ra giải pháp toàn diện tác động đến các đối tượng - người dân - doanh nghiệp - công chức và đầu tư công nghệ, để ngăn ngừa và đối phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
(Theo GS.TSKH Nguyễn Mại // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com