Khả năng có một chính sách hỗ trợ mới, hay một gói kích cầu thứ hai đã bắt đầu được hé mở. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình chính sách hỗ trợ để tạo bước đệm cho nền kinh tế trong năm tiếp theo.
Khả năng có một chính sách hỗ trợ mới, hay một gói kích cầu thứ hai đã bắt đầu được hé mở (Ảnh: ĐỨC THANH) |
Tuy vậy, liên quan đến vấn đề này, còn rất nhiều điều cần phải quan tâm. Bởi lẽ, hiện vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược về việc nên hay không nên tiếp tục thực hiện các biện pháp kích cầu.
Đề xuất cần tiếp tục thực hiện gói kích cầu thứ hai, ngay sau khi gói cấp bù lãi suất 4% kết thúc vào ngày cuối cùng của năm nay, bắt đầu được đưa ra trong phiên họp hồi trung tuần tháng 8 của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Ngay sau đó, không ít chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất này.
Nguyên nhân là do, nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, cần tiếp tục được tiếp sức để có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Một cách ví von, có chuyên gia kinh tế còn so sánh rằng, nếu gói kích cầu thứ nhất nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, thì gói thứ hai được xem là liều thuốc bổ để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Gói thứ hai này liều lượng có thể thấp hơn, thời gian ngắn hơn, có thể chỉ thực hiện trong nửa năm 2010 và đối tượng cũng chọn lọc hơn.
Tất nhiên, doanh nghiệp là đối tượng ủng hộ nhiệt tình nhất gói kích cầu thứ hai. Tổng giám đốc một tập đoàn tư nhân lớn, khi trao đổi với Báo Đầu tư đã khẳng định, nếu tiếp tục được hưởng lợi từ gói kích cầu tiếp theo, doanh nghiệp sẽ có thêm đòn bẩy để vươn lên. “Không được cấp bù lãi suất nữa, giá vốn sẽ cao và trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp khó mà chịu đựng được”, vị giám đốc này nói.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 31/8/2009, tổng dư nợ cho vay thông qua bù lãi suất 4% và cơ chế khác đã đạt 413.943 tỷ đồng. Đồng vốn này đã góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế. Những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội trong 8 tháng đầu năm đã cho thấy điều đó.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cũng không ít chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại nếu gói kích cầu thứ hai được triển khai. Bởi lẽ, nền kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất, dừng lại là hợp lý, phù hợp với tính chất “giải cứu nhanh” của các biện pháp kích thích kinh tế. Nếu tiếp tục kích cầu, hệ lụy là không nhỏ, nhất là đối với vấn đề bội chi ngân sách. Hơn thế, điều này còn có thể tạo sức ỳ cho doanh nghiệp...
Lý do có thể rất nhiều và những quan điểm trái chiều vẫn tiếp tục được đưa ra, song có một sự đồng thuận khá lớn từ cả hai phía, đó là giờ là thời điểm cần thiết để đánh giá một cách cụ thể về hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất. Bởi chỉ có như vậy, mới có thể có cái nhìn chính xác về đường đi thực sự của đồng vốn này, hiệu quả đến đâu, có cần thiết có gói kích cầu thứ hai hay không, cũng như làm sao để thiết kế gói kích cầu thứ hai một cách hợp lý.
“Cần kịp thời đúc rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp sát với những biến chuyển mới của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhất là khi thiết kế gói kích cầu thứ hai,với mục tiêu là để phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững cả trong trung và dài hạn”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói và cho rằng, gói kích cầu thứ hai phải được thiết kế rõ ràng, tránh lặp lại tình trạng một số giải pháp chưa bám sát điều kiện thực tế, ách tắc ở khâu thủ tục nên chậm tiến độ và hiệu quả chưa cao.
Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn trong giải quyết quyền lợi cho người lao động do suy giảm kinh tế; hỗ trợ lãi suất cho vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Cùng với đó, ông Thắng cho rằng, song song với nỗ lực kích cầu, cần tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh việc sử dụng phí phạm, sai mục đích. “Cần xem xét đẩy sớm việc hậu kiểm thực hiện các khoản kích cầu ngay trong năm nay”, ông Thắng nói.
Liên quan tới vấn đề này, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu, sắp tới cần làm tốt cơ chế hỗ trợ lãi suất, đồng thời, thực hiện thanh tra, giám sát chặt chẽ để số tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Trên thực tế, cho tới thời điểm này, ngoài gói cấp bù lãi suất ngắn hạn 4% sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 năm nay, thì các chính sách hỗ trợ vốn trung hạn vẫn còn hơn 1 năm nữa để triển khai và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Từ nay tới lúc đó, cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc để các chính sách này triển khai tốt hơn trong thực tế.
(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com