4 năm sau hội nhập WTO, Việt Nam luôn lấn cấn giữa mục tiêu tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô. Sóng dữ khủng hoảng kinh tế toàn cầu bất ngờ nổi lên khiến những lợi ích từ hội nhập đối với Việt Nam bị giảm sút lớn so với kỳ vọng.
Báo cáo về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt Nam sau khi gia nhập WTO vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, công bố sáng 5/4.
Áp lực hội nhập là... không thể bước lùi
Một hình ảnh ví von tuy đã cũ nhưng thâm thúy: Việt Nam giống như một con thuyền nhỏ vừa mới giương buồm ra khơi đã gặp ngay giông bão, chưa đánh được mẻ cá lớn nào thì đã phải lao đao chèo chống sóng dữ. Khủng hoảng của kinh tế thế giới 2008-2009 là cơn ác mộng nằm ngoài mọi dự báo, chẳng khác gì cơn động đất 8,9 độ Richter tại cường quốc Nhật Bản vừa qua.
Ngay sau khi Việt Nam chính thứcđặt chân vào sân chơi bình đẳng WTO đầu năm 2007 thì cuối năm đó, kinh tế toàn cầu đã biến động phức tạp, giá dầu tăng mạnh kỷ lục có lúc tới 147 USD/thùng, giá lương thực leo thang. Cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính Mỹ bùng nổ kéo theo cả nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trầm trọng, hàng loạt ngân hàng và tập đoàn phá sản. Cuối 2009, kinh tế thế giới mới hồi phục.
Vì lẽ đó, với xuất phát điểm ban đầu là một nền kinh tế còn ở "level" thấp hơn rất nhiều với với những trụ cột WTO như Mỹ thì những gì mà Việt Nam đã đạt được sau hội nhập, từ việc xuất khẩu tăng cao, thu hút FDI bội thu, tăng trưởng GDP vẫn "dương cách biệt" trong suy thoái hay như môi trường kinh doanh mới đây tăng 10 bậc có thể coi là kết quả đáng khích lệ.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua sẽ thấp hơn mức đã đạt được.
Câu chuyện của năm 2008 và năm 2009 có thể minh chứng điều này. Năm 2008, tác động của hội nhập lên Việt Nam là hai chiều trái ngược nhau. Việt Nam, một quốc gia chưa tự sản xuất được nhiều nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, vốn dĩ phụ thuộc tới 80% vào bên ngoài nên khi hội nhập kinh tế sâu rộng, việc giá dầu thô, lương thực và nguyên vật liệu leo thang đã ngay lập tức tác động xấu tới nền kinh tế. Kinh tế các nước bạn hàng chính của Việt Nam bước vào suy thoái cũng ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam. Hậu quả là sức ép lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế thấp đi.
Nhưng ngược lại, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả thế giới, của dầu thô và lương thực khi đây cũng chính là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ tăng giá và việc mở rộng được thị trường đã tác động tích cực tới tăng trưởng. Nhờ đó, GDP 2008 của Việt Nam giữ được mức 6,3%.
Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, do phản ứng chính sách của Chính phủ cuối năm 2008 và trong năm 2009 kịp thời nhạy bén ứng phó với hệ lụy khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên năm 2009, GDP đã giữ được mức 5,3%. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã tăng trưởng rất thấp và tăng trưởng âm, kết quả tăng trưởng này được coi là khá.
Sức ép của hội nhập kinh tế quốc tế, như việc phải nội luật hóa các cam kết gia nhập WTO, phải xóa bỏ hàng loạt trợ cấp xuất khẩu, cắt giảm thuế quan đã trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phải tiên tiến hơn. Sự phát triển kinh tế đó tựa như một quá trình tiến hóa của xã hội không thể đảo ngược lại, giống như đoàn tàu đang chạy trên đường cao tốc một chiều thì không thể quay đầu chạy ngược.
Tư duy tăng trưởng thay đổi
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng khẳng định, Việt Nam đi nhanh hơn lịch trình cam kết giảm thuế quan, mở cửa thị trường đối với nhiều mặt hàng, lĩnh vực, trong khi đó, lại chưa áp dụng được những biện pháp hỗ trợ mà WTO cho phép, như xây dựng hàng rào kỹ thuật. Các ứng phó của Việt Nam với các ảnh hưởng bất lợi từ hội nhập trong lĩnh vực đầu tư và thương mại đều chưa chủ động, chưa linh hoạt.
Đơn cử như ở lĩnh vực thương mại, nếu không tính năm 2009, xuất khẩu giảm sút do bị chi phối bởi khủng hoảng, tăng trưởng xuất khẩu của năm 2007-2008 được cho là không bứt phá gì so với các năm trước. Nói cách khác, thành tích đó chưa được như kỳ vọng khi chúng ta tính toán lợi ích thu được sau WTO.
Trong khi đó, nhập siêu của Việt Nam đã liên tục tăng mạnh, từ 14,2 tỷ USD năm 2006 lên tới 18 tỷ USD năm 2008. Đáng chú ý nhất là nhập siêu lại quá tập trung ở một thị trường là Trung Quốc. Cơ hội trong các khu vực mậu dịch tự do mà ASEAN ký kết với các quốc gia cũng chưa được Việt Nam tận dụng tốt.
Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên quan tới 13 vụ khởi kiện về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá và cả các vụ kiện liên quan đến chống trợ cấp trong nước, do Chính phủ đã sử dụng quá nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời kỳ suy giảm kinh tế.
Đáng chú ý hơn cả là những tác động của hội nhập kinh tế tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát, tỷ giá và cán cân thanh toán của Việt Nam đều diễn biến rất phức tạp, biến động mạnh và khó lường. Năm 2008, lạm phát cả năm đã lên tới gần 23%. Tỷ giá giai đoạn 2007-2009 liên tục được điều chỉnh. Đồng thời, so với trước khi gia nhập WTO, khoảng thời gian 3 năm này đã chứng kiện sự gia tăng mức độ thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai và chu chuyển vốn cả về tuyệt đối và tỷ lệ theo GDP. Trong 3 năm nay, thâm hụt cán cân vãng lai từ 7-10 tỷ USD, khoảng 7,7-11% GDP trong khi 2001-2006, mức thâm hụt tối đa gần 1,9 tỷ USD.
TS Võ Trí Thành cho rằng, nếu không có những cú sốc quá lớn từ bên ngoài thì có thể, chúng ta chưa nhận ra được điểm yếu của chính mình, đó là liên tục nhiều năm tăng trưởng theo chiều rộng, tư duy tăng trưởng dựa vào đầu tư. Ngoài ra, khi chúng ta vào WTO, đều đã thống nhất với nhau rằng sẽ phải đối mặt với rủi ro rất cao thậm chí gây ra khủng hoảng, thế mà công tác chuẩn bị, công tác đối phó của chúng ta chưa tốt.
Ông cũng nhấn mạnh, sự lấn cấn vừa qua đã khiến cho các định chế tài chính bên ngoài không hiểu và thậm chí là lẫn lộn về mục tiêu chính sách vĩ mô của Việt Nam, vì lúc thì ta theo đuổi tăng trưởng, lúc lựa chọn ổn định. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 năm nay đã cho thấy một tín hiệu mới về cách điều hành kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn và có và sẽ lấy lại niềm tin của dân chúng hơn vào các thông điệp chính phủ ban hành.
Việt Nam tuy mới trở thành thành viên WTO được 3 năm, nhưng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã trải qua gần 20 năm. Năm 1995: Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, đánh dấu bước đi đầu tiên quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2001: Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Năm 2006: trở thành thành viên WTO Với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam tham gia các tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế qua các hiệp định kinh tế thương mại được ký giữa tổ chức này với các quốc gia và khu vực khác. Cụ thể là Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN- Trung Quốc (2002), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (2006), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (2008), ASEAN - Úc - NewZealand (2009), ASEAN - Ấn Độ (2010). |
--------------------------------------------------
Tác giả: PHẠM HUYỀN
Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com