Chính phủ đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công. Tuy nhiên, đại diện Bộ KHĐT cho rằng, cách làm giao các bộ, ngành, địa phương chủ động cắt giảm, đình hoãn các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách theo các tiêu chí khó định lượng sẽ dẫn đến việc cắt giảm chỉ là hình thức.
Ví như năm 2008, các địa phương, DN cam kết cắt giảm tới hơn 3.000 dự án, với khoảng 37.000 tỉ đồng, nhưng thực tế nhiều công trình, dự án sau đó vẫn kéo dài, chậm đưa vào hoạt động làm giảm hiệu quả đầu tư công.
Chờ báo cáo
Ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KHĐT) - cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết 11, điểm mới của năm nay là Chính phủ không ứng trước vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2012; không kéo dài thời gian giải ngân (chuyển tiếp vốn) cho đầu tư phát triển năm 2010-2011.
Bộ KHĐT cho biết, tổng mức chi ngân sách được khống chế khoảng 152.000 tỉ đồng, vốn trái phiếu chính phủ theo phân bổ dự toán của Quốc hội 45.000 tỉ đồng sẽ phải bố trí, cân đối lại để giảm bội chi ngân sách từ 5,3% xuống còn dưới 5% GDP. 10% tổng vốn đầu tư tín dụng từ Ngân hàng Phát triển VDB sẽ được cắt giảm; chi thường xuyên cũng phải giảm thêm 10%. Tổng mức cắt giảm khoảng trên 50.000 tỉ đồng...
Song tính đến ngày 28.3, theo số liệu rà soát sơ bộ thì mới có 30 bộ, 63 tỉnh, thành và 12 tập đoàn, TCty nhà nước cắt giảm được 1.387 dự án, với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỉ đồng. Hiện vẫn còn đến 22 bộ, ngành chưa gửi báo cáo thực hiện cắt giảm và điều chuyển vốn kế hoạch năm 2011, trong đó có một số đơn vị sử dụng vốn khá lớn như các bộ: GTVT, Quốc phòng, Công an, Xây dựng... Ông Bùi Hà cho biết, theo kế hoạch thì vào 10.4 tới sẽ là thời điểm chót các bộ, ngành phải báo cáo để Bộ KHĐT tập hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại nằm ở chỗ báo cáo rồi, nhưng thực hiện ra sao? Hiện nay, cách thức tiến hành rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư vẫn chủ yếu giao cho các địa phương, bộ, ngành chủ động cắt giảm, theo các tiêu chí đã định. Việc cắt giảm sẽ không phải là Chính phủ điều chuyển những dự án này về trung ương hoặc cắt cho tỉnh khác, mà dồn vốn cho các dự án hiệu quả hơn cũng của tỉnh, bộ ngành đó.
Điều này làm cho hiệu quả đầu tư được nâng lên. Thay vì số vốn ít ỏi của địa phương bị dàn trải quá mỏng sẽ không phát huy hiệu quả đầu tư, thì việc bố trí vốn tập trung cho các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm, để đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo hiệu quả.
Phân cấp phải đi đôi với giám sát
Trên thực tế thì ở nhiều địa phương, thậm chí các bộ, ngành, những lĩnh vực ưu tiên tập trung vốn không phải đều theo một tiêu chí thống nhất. Trong khi địa phương này cho rằng công trình A, B là quan trọng đối với địa phương cần giữ lại thì cũng công trình ấy ở các địa phương khác, chính quyền địa phương yêu cầu phải cắt giảm để tập trung vốn cho các công trình kinh tế - xã hội, phục vụ an sinh sẽ hiệu quả hơn. Như vậy, việc cắt giảm, đình hoãn, công trình nào phụ thuộc phần lớn vào sự thẩm định của các địa phương.
Trong khi chủ trương phân cấp đầu tư đã quy định, đối với nguồn vốn ngân sách và vốn có tính chất ngân sách nhà nước, UBND địa phương có toàn quyền quyết định các dự án thuộc nhóm A, B, C, Thủ tướng chỉ quyết định các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư. Đến lượt mình, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân cấp theo thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án cho các đơn vị tuyến dưới.
“Mới đây, Bộ KHĐT đã tổ chức 10 đoàn kiểm tra tình hình thực hiện cắt giảm các dự án đầu tư công tại các địa phương, tập đoàn, TCty thì công việc chủ yếu chỉ là đôn đốc thực hiện. Còn các bộ, ngành vì lý do phù hợp với tình hình của địa phương, vẫn quyết định bố trí vốn cho các dự án đang triển khai thì Bộ KHĐT cũng khó can thiệp” - một quan chức thuộc bộ này cho biết. Lấy dẫn chứng vào năm 2008, bối cảnh kinh tế tương tự như năm nay, Chính phủ đã quyết liệt yêu cầu các địa phương cắt giảm đầu tư công.
Sau đó, Bộ KHĐT đã tập hợp báo cáo Thủ tướng một danh sách khoảng hơn 3.000 dự án, với khoảng 37.000 tỉ đồng được đề nghị dừng, dãn tiến độ. Nhưng trên thực tế, việc cắt giảm không được bao nhiêu. Cũng năm đó, vốn nhà nước chi cho đầu tư phát triển vượt gần 20% dự toán; lạm phát năm 2008 ở mức gần 20%. Nhiều nhà phân tích đã nhận định, nếu phân cấp không đi cùng một cơ chế giám sát hữu hiệu, yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách quyết liệt trong giải ngân các dự án không hiệu quả thì “vết xe đổ” sẽ còn lặp lại.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com