Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam, một số người dân đã nghe tới cụm từ này. Nhưng, điều quan trọng nhất là chiến đấu hay thích ứng, là việc chung sống với thiên nhiên hay cải tạo thiên nhiên, khuất phục thiên nhiên thì, đến bây giờ, vẫn là một cuộc chiến thực sự giữa các chuyên gia. Trong khi đó, cuộc chiến biển và bờ vẫn tiếp diễn, nhiệt độ, thời tiết vẫn thay đổi, người dân phải làm gì?
Đê
Theo một báo cáo được công bố trong hội thảo bên lề Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch), Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng khí hậu khắc nghiệt trong 2 thập kỷ trở lại đây. Báo cáo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2010 do Germanwatch, tổ chức chuyên theo dõi về vấn đề khí hậu của Đức, công bố, 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm Bangladesh, Myanmar, Honduras, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc... Thống kê cho thấy trong giai đoạn 1990-2008, tại các nước này xảy ra 11.000 trận bão, lũ lụt và hạn hán khiến gần 600.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại 1.700 tỷ USD. |
Đối với nước biển, lũ lụt và thủy triều, từ hàng trăm năm, thậm chí là cả ngàn năm trước, việc đắp đê trị thủy đã được xem trọng. Câu chuyện về Nguyễn Công Trứ quai đê lấn biển mà chúng tôi đã đề cập đến trong bài viết trước là một ví dụ. Có vẻ như, tại Việt Nam, trước những biến đổi của thời tiết và mối đe dọa nước biển dâng hiện nay, việc đắp đê đang ngày càng được quan tâm hơn.
TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, dự báo: “Với BĐKH và kèm theo nó là sự dâng lên của mực nước biển, chắc chắn ảnh hưởng của thiên tai tại khu vực này sẽ gia tăng. Mực nước biển dâng có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sinh kế và cuộc sống của người dân tại khu vực ven biển. Có khả năng là các vùng đất màu mỡ sẽ bị ngập lụt hoặc nhiễm mặn. Các cánh đồng nuôi tôm, cua có thể phải di chuyển tới những nơi khác. Nghề cá ven bờ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các vùng cửa sông có thể bị thay đổi do thay đổi chế độ triều và dòng chảy. Các đầm lầy ven biển, là khu vực sinh sống của nhiều loài cua cá và chim biển, sẽ bị đe dọa do nước biển dâng…”.
Giải pháp, cũng theo TS Vũ Thanh Ca, để hạn chế các tác hại của BĐKH và nước biển dâng cần có những giải pháp đồng bộ, từ nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn, người dân, trồng rừng ngập mặn, đến việc tạo sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong dân, tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch… Tuy nhiên, nước biển dâng không đồng nghĩa với việc các vùng đất thấp bị ngập, nếu các vùng đất này được bảo vệ tốt bởi hệ thống đê điều.
“Các kịch bản về BĐKH nói rằng nếu nước biển dâng 1m, có thể phần lớn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long chìm trong nước. Theo tôi, điều này chưa hoàn toàn chính xác. Các vùng đất này chỉ chìm trong nước nếu không được che chắn bằng đê” - TS Vũ Thanh Ca nêu quan điểm.
Quan điểm của TS Vũ Thanh Ca về việc làm đê trị thủy, góp phần ngăn chặn ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng cũng là quan điểm của nhiều nhà khoa học và nhiều nhà quản lý về thủy lợi tại Việt Nam. Mới đây, chiều 7-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, đã chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo về kết quả một năm của chương trình và kế hoạch triển khai các năm tiếp theo.
Tại phiên họp này, các đại biểu cho rằng để đối phó trước diễn biến của BĐKH, Việt Nam cần sớm xây dựng một quy hoạch toàn diện và một trong những mũi đột phá là các công trình thủy lợi. Theo đó, các bộ chức năng phải đánh giá lại toàn diện toàn tuyến đê sông, biển của Việt Nam để có kế hoạch xây dựng đê bê tông bền vững, cống điều tiết nước, các trạm bơm lớn thoát nước khi cần thiết…
Bao nhiêu là đủ?
Đứng dưới góc độ của một nhà nghiên cứu về sinh thái và môi trường, GS-TS Trương Quang Học, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường, rất lo ngại về ý kiến cho rằng cần tập trung đắp đê để ứng phó với BĐKH. “Chúng tôi - các nhà sinh thái học - và các nhà khoa học chuyên về thủy lợi hiện chưa thống nhất được quan điểm về vấn đề này. Theo tôi, ở nhiều vùng đất, việc đắp đê ngăn mặn cũng đồng thời tận diệt hệ sinh thái ngập nước tại đó. Điều này là rất nguy hiểm, khi có thể gây ra nhiều bệnh tật, làm thay đổi môi trường và hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tôi mong rằng chúng ta có thể đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, làm cho rõ ra cần phải ứng xử thế nào cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng đất. Nhiều chuyên gia Hà Lan từng nói rằng, mặc dù họ tự hào về hệ thống đê bao vòng quanh cả đất nước của Hà Lan, nhưng nếu cho làm lại, họ sẽ chọn một giải pháp khác. Hiện nay Liên hiệp quốc và nhóm G8 đã giới thiệu nhiều giải pháp sinh thái hơn trước để “sống chung”, chứ không chỉ là ngăn triều, chắn lũ”, GS-TS Trương Quang Học nói.
Nhà dân sống ở chân đê Bình Minh 2, huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình. |
Lo lắng của ông, bên cạnh mối lo về hệ sinh thái biến đổi và những hậu quả khó lường của nó như dịch bệnh, sinh kế của người dân… còn ẩn chứa mối lo kinh phí. Việt Nam hiện nay có 3.260 km bờ biển, đi qua 29 tỉnh thành, diện tích khoảng 1,9 triệu ha, vùng ven biển vừa là khu vực tiềm năng phát triển, nhưng lại là nơi chịu nhiều biến động, thách thức và ảnh hưởng từ những tác động mạnh nhất của tự nhiên và hoạt động của con người. Chính vì vậy theo dự đoán, các vùng ven biển sẽ là nơi chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH.
“Nếu chỉ tính các vùng ven biển này thôi, thì chúng ta phải tốn bao nhiêu tiền để đắp đê mới đủ?”, GS-TS Trương Quang Học nêu câu hỏi.
Thật khó để trả lời cho câu hỏi đó. Nhưng, có một ví dụ có thể dẫn ra để tham khảo, đó là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt vào cuối năm 2008. Theo đó, để chống ngập cho TPHCM, sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cầu và cống, hệ thống đê bao... Tổng vốn đầu tư các công trình thủy lợi chống ngập theo quy hoạch này là 11.531 tỷ đồng.
Với một bờ biển trải dài đất nước, với một nền kinh tế đang phát triển, chúng ta sẽ có bao nhiêu tiền để nhân rộng mô hình ở TPHCM ra các địa phương khác? Hơn nữa, khác với một đô thị tập trung như TPHCM, nhiều nơi, người dân liệu có thể mưu sinh trong lòng chảo, giữa toàn đê với cống?
“Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”
GS-TS Trương Quang Học nhớ rất kỹ về một mô hình người dân sống chung với lũ tại Nghệ An. Ông kể: “Người dân ở đây chuẩn bị rất kỹ để đón lũ. Những gia đình khá giả một chút thì ở nhà sàn. Ai không có điều kiện ở nhà sàn, thì họ có “vách nhà di động”. Khi lũ về, họ chỉ cần tháo khóa hay tháo các thanh ràng, là có thể kéo phên ra. Không còn vách, không còn vật cản, nước lũ cứ chảy qua bên cạnh cột nhà. Các vật dụng quý trong nhà người dân đều kê lên một tấm gỗ hình chữ thập, buộc dây vào tấm gỗ, móc qua xà (trên mái) nhà. Nước đến đâu, kéo dây, treo đồ lên đến đấy. Cơn lũ với người dân có thể còn là phù sa, là thủy hải sản hay là điều kiện để phát triển sinh kế trong năm”.
Có những mô hình sống chung với lũ tương tự như mô hình GS-TS Trương Quang Học kể, được tìm thấy nhiều nơi ở dải đất miền Trung. Cũng có những mô hình sống chung với lũ ở miền Nam, nơi mà phù sa sông Mê Kông làm tốt lúa, mùa nước nổi mang tôm cá cho Đồng Tháp Mười.
Mưu sinh ven biển, bên ngoài chân đê ở Kim Sơn - Ninh Bình. |
Theo nhiều nhà khoa học, bên cạnh việc xây dựng một chiến lược tổng thể ứng phó với BĐKH cấp quốc gia, mỗi vùng đất, với đặc điểm của mình, phải tìm được cách riêng, tìm được giải pháp thích hợp nhất để sống chung với BĐKH. Nói một cách ngắn gọn, mặc dù BĐKH là vấn đề toàn cầu, tư duy toàn cầu, nhưng để thích ứng với BĐKH, rất cần những “hành động địa phương”.
Để kết thúc cho bài viết này, xin được nhìn lại Kim Sơn (Ninh Bình), vùng đất của những “chàng Sơn Tinh” lấn biển. Khi chúng tôi đến đây, người dân địa phương đang loay hoay giữa các mô hình sản xuất. Điều đau lòng nhất là vùng đất từng một thời trù phú, là điển hình sản xuất của cả vùng đồng bằng Bắc bộ bây giờ lại thất bát với nông nghiệp. Lúa nhiều sâu bệnh, nước tưới lúa giảm phù sa khiến cho năng suất thấp, cói cũng giảm sản lượng trầm trọng. Nghề nuôi tôm từng là phong trào trong những năm gần đây, bây giờ, dọc theo đê Bình Minh 1, Bình Minh 2 là rất nhiều đầm tôm bỏ hoang, mang lại cho chủ nhân của nó… nợ nần.
Chúng tôi xót cho nỗi khổ của nhiều người dân đó. Nhưng chúng tôi không dám trách chính quyền địa phương tại huyện Kim Sơn, vì nguyên nhân của những khốn khổ nơi đây có thể còn vượt tầm hiểu biết của họ. Chúng tôi cũng không dám trách các chuyên gia đang tranh luận nhau về việc nên hay không nên làm đê bao ngăn triều, chắn lũ, bởi vì nếu cứ làm mà không tìm hiểu thật kỹ thì có thể sẽ làm sai, nhưng cũng có thể nếu cứ để yên cho họ tranh luận, thì trong lúc đó xâm nhập mặn, triều cường và BĐKH đã làm nhiều, rất nhiều người, không chỉ nghèo mà còn chất chồng những bệnh tật, túng quẫn, nợ nần… Chúng tôi cũng không thể trách chính phủ, bởi rõ ràng, dù BĐKH không phải là lỗi của Việt Nam, đã có những nỗ lực của nhà nước từ việc xây dựng chương trình thích ứng với BĐKH đến việc sử dụng ngân sách, hỗ trợ các địa phương giải quyết một vấn đề toàn cầu…
Nhân nói đến toàn cầu, cứ như quan điểm “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” mà luận, xin lại gửi những tư duy đó đến toàn cầu. Dịp này, COP 15…
(Theo MINH TÚ // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com