Chính sách tiền tệ như con dao hai lưỡi tác động lên giá cả và sức mua của người dân |
Theo quan điểm của chúng tôi, tái lạm phát cao ở VN là không thể xảy ra. Các căn cứ chủ yếu của kết luận này là:
Mức tăng tưởng tín dụng: đúng theo nhu cầu
Mức tăng trưởng tín dụng mà các nhà kinh tế và hoạch định chính sách cho là “ nóng” trong năm 2009 thực ra là phản ánh nhu cầu tăng vọt cung tiền như là hệ quả tất nhiên của quá trình chuyển từ tình trạng lạm phát cao (19,8% năm 2008) sang tình trạng lạm phát bị ngăn chặn (6,5%% năm 2009). Nói khác đi, sự tăng trưởng tín dụng gọi là “nóng” chỉ là biểu hiện nhu cầu tăng cung tiền thực tế tiếp sau thời kỳ lạm phát cao chấm dứt. Xin lưu ý thêm rằng, yêu cầu về tăng vọt cung tiền sau thời kỳ chuyển từ lạm phát cao sang tình trạng lạm phát được ngăn chặn đã được các nhà kinh tế thế giới nghiên cứu nền kinh tế Mỹ một cách kỹ càng trong suốt bốn thập kỷ và sau đó được kiểm chứng bởi 130 nền kinh tế trên toàn thế giới. Do vậy kết luận trên là có độ tin cậy rất cao.
Theo kết luận này năm 2009, VN phải tăng vọt cung tiền. Trong hoàn cảnh đó, việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt vì mục tiêu chống lạm phát đã làm cho nền kinh tế phản ứng. Nói khác đi, tăng tín dụng “nóng” chỉ là hệ quả tất nhiên để đáp ứng nhu cầu vận hành bình thường của nền kinh té hiện thực. Điều này hàm nghĩa, sự tăng nóng này trong năm 2009 mang bản chất kinh tế khác hẳn so với tăng tín dụng được coi như một trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Nói cách khác, cái gọi là tăng tín dụng “nóng” là biểu hiện của sự “phục hồi”tăng trưởng, nghĩa là phải coi nó như là chỉ báo cần phải nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ để phục hồi tăng trưởng mà không phải là chỉ báo về tái lạm phát cao trong năm 2010.
Lạm phát thế giới: đang trong vòng kiềm tỏa
Lạm phát hiện nay trên thế giới thực ra chính là phương cách (cố nhiên không phải là duy nhất) giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng, thất nghiệp và lạm phát. Như chúng ta đã biết kích cầu của các chính phủ trên thế gới trong thời gian qua làm tăng cung tiền trong lưu thông, hệ quả là giá tăng, hay có thể dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên, cần chú ý là, sự gia tăng giá cả này còn lâu mới có thể khôi phục lại mức giá trong điều kiện lạm phát trước đây của nhiều quốc gia. Giá dầu hiện chỉ ở mức 70-80 USD/thùng so với mức đỉnh điểm 145 USD/thùng. Giá bất động sản, ôtô, hàng điện tử ở Mỹ hiện trên dưới 80% so với trước đây. Đây cũng là tình trạng chung của Châu Âu và Nhật Bản. Điều này hàm ý rằng, sự đánh đổi giữa tăng trưởng, thất nghiệp và lạm phát đang nằm trong vòng kiểm soát có hiệu quả của các chính phủ trên thế giới.
Thắt chặt tiền tệ với mục tiêu chống lạm phát hiện nay đã quá đà khiến cho nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ thiểu phát và suy giảm tăng trưởng. Do vậy cần thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ có mục tiêu để thúc đẩy quá trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế. |
Như đã nói ở trên, chuyển từ tình trạng lạm phát cao sang tình trạng lạm phát được ngăn chặn cầu tiền phải tăng vọt, do vậy tiền trong lưu thông đương nhiên thiếu hụt. Sự thiếu hụt này chắc chắn trở nên nghiêm trọng hơn trong điều kiện thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản tụt dốc. Bởi lẽ một khối lượng lớn tiền sẽ được rút khỏi lưu thông chuyển thành tiền dự trữ hay chuyển ra nước ngoài do các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để chuyển sang các thị trường tiềm năng hơn. Mặt khác, thị trường chứng khoán và bất động sản tụt dốc thường để lại hậu quả một khối lượng tiền khổng lồ mắc kẹt lại trong lưu thông, làm mất cân đối cung cầu tiền tệ. Tình trạng thiếu hụt cung tiền này chắc chắn sẽ tạo nên sức ép làm cho giá nhiều mặt hàng giảm. Nhìn chung, ngoài những mặt hàng do Nhà nước độc quyền hay kiểm soát, như điện, săng dầu... nhiều hàng hoá trong số còn lại đã hay đang có xu hướng giảm hoặc không tăng giống như cùng thời điểm của các năm. Tình trạng giảm giá của nhiều mặt hàng, chỉ số tiêu dùng tăng chậm hơn nhiều trong các tháng cuối năm, hàng tồn kho tăng rõ ràng là có nguyên do từ sức ép của thiếu hụt cung tiền này.
Hàng Việt đang thua trên sân nhà
Tình trạng hàng hoá nước ngoài giá rẻ, đặc biệt là hàng Trung Quốc tiếp tục tràn vào VN sẽ tạo nên sức ép giảm giá hàng nội địa. Điều này cố nhiên làm cho lạm phát khó có thể xảy ra.
Cũng cần phải chú ý thêm rằng, trong điều kiện nâng cao lãi suất cơ bản giá hàng nội địa nói chung sẽ tăng do tăng chi phí đầu vào. Điều này có thể xảy ra lạm phát do chi phí đẩy. Tuy nhiên, một khi giá hàng nội địa tăng sẽ tạo điều kiện cho hàng ngoại tràn vào nước ta, làm gia tăng áp lực giảm giá hàng nội địa. Điều này hàm ý rằng, lạm phát do chi phí đẩy không phải bắt nguồn từ nguyên do tăng lãi suất ngân hàng đã bị hạn chế bởi hàng ngoại giá rẻ. Như vậy, hàng ngoại giá rẻ rõ ràng là một trong số nguyên do làm cho tái lạm phát cao ở VN rất khó xảy ra.
Nhập siêu không đáng lo ngại
Sở dĩ như vậy là vì, đây không phải là hiện tượng xa lạ của năm 2009. Hơn thế, cần chú ý là trong cơ cấu hàng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu giá rẻ dùng cho sản xuất, đặc biệt là dành cho sản xuất hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Việc nhập khẩu nguyên nhiên liệu giá rẻ này rõ ràng đã hàm chứa khả năng gia tăng xuất khẩu khi kinh tế thế giới phục hồi vào 2010. Điều này hàm ý rằng, trong bản thân cơ cấu nhập khẩu năm 2009 hàm chứa khả năng rút ngắn chênh lệch xuất nhập khẩu trong ngắn hạn. Vì lạm phát còn được đo bằng hiệu số giữa xuất và nhập khẩu, do vạy khả năng rút ngắn chênh lệch giữa xuất và nhập rõ ràng là có tác dụng hạn chế lạm phát.
Vì những lý do nêu trên, nguy cơ tái lạm phát cao năm 2010 ở VN là không thể xảy ra như nhiều nhà kinh tế đã dự báo. Trái lại, cần phải nhìn nhận một nguy cơ hiện hữu là nếu chính sách thặt chặt tiền tệ tiếp tục kéo dài thì suy giảm tăng trưởng và thiểu phát gần như sẽ xảy ra.. Chống lạm phát là rất quan trọng. Nhưng nhiệm vụ quan trọng không kém là chống lạm phát không để lại hậu quả giảm phát và hạn chế tăng trưởng. Cần nhớ rằng, hồi phục và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Muốn vậy Chính phủ cần có các chính sách tạo cơ hội cho các DN và khu vực nông nghiệp nông thôn dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ. Liệu rằng, hai khu vực có vai trò quyết định đối với sự phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng có thể cạnh tranh với các DN trên thế giới khi rất khó tiếp cận nguồn vốn với lãi suất cao hơn khoảng 40 lần ? Liệu rằng, có cách chủ yếu nào khác để nhanh chống hồi phục nền kinh tế là tạo các điều kiện cho các DN có được lượng vốn mà họ cần phải có để nhanh chóng phát triển sản xuất kinh doanh ? Chính sách nâng cao lãi suất cơ bản của chúng ta phải chăng đang tạo điều kiện cho các DN và nhằm mục tiêu chống lạm phát hay bảo vệ lợi ích của một nhóm người có tiền gửi ngân hàng ?
Lạm phát Việt Nam 2010 có thể ở mức 2 con số Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo: Tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2010 ở mức 6% nhưng lạm phát có thể lên 2 con số do tăng trưởng tín dụng mạnh. Giá hàng hóa thế giới cao trở lại cũng tác động đến giá trong nước. Theo bà Vitoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN: WB đánh giá cao năng lực điều hành của Chính phủ VN trong thời gian qua và VN một lần nữa chứng minh khả năng của mình vượt qua những thách thức, khó khăn về mặt kinh tế để giành được những thắng lợi nhất định. VN đã tránh được một cuộc suy thoái trong bối cảnh suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu đang rất nghiêm trọng. Đại diện Liên Hợp Quốc tại VN cũng cho biết: Cách đây một năm, VN được cho là một trong các quốc gia trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng đến hôm nay, VN lại nổi lên như một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực. Tác động của cuộc khủng hoảng đối với việc làm và khu vực DN VN đã ít trầm trọng hơn so với lo ngại của một năm trước đây. Tuy nhiên, theo ông Shogo Ishii - Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bên cạnh những thành tựu đạt được, VN cần giải quyết vấn đề trước mắt là áp lực đối với cán cân thanh toán. Sự nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo chương trình kích thích kinh tế đã đẩy mạnh nhập khẩu, góp phần làm thâm hụt cán cân thương mại lớn quay trở lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư về VN. Dự báo mới nhất của tổ chức này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2010 ở mức 6%. Lạm phát có thể tăng từ 7% trong năm 2009 lên mức hai con số do tăng trưởng tín dụng mạnh trong thời gian gần đây. Giá hàng thế giới cao trở lại cũng tác động đến giá trong nước. Bên cạnh nguy cơ lạm phát lên 2 con số, các đại diện quốc tế còn nhấn mạnh tới những thách thức đối với VN trong năm tới. Đó là bẫy thu nhập trung bình và vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đại diện cơ quan Liên Hợp Quốc (UNDP) cảnh báo VN có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nếu hài lòng với những kết quả đã đạt được. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com