Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam năm 2009 - Thành công kép

Năm 2009, sản xuất công nghiệp thoát khỏi tình trạng trì trệ những tháng đầu năm và cả năm đã tăng 7,6%. - tinkinhte.com
Năm 2009, sản xuất công nghiệp thoát khỏi tình trạng trì trệ những tháng đầu năm và cả năm đã tăng 7,6%. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Theo báo cáo công bố tình hình kinh tế xã hội năm 2009 của Tổng cục Thống kê được công bố ngày 31/12, trong năm 2009, Việt Nam đã hoàn thành hai mục tiêu khó khăn là chống suy giảm kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; đồng thời chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại.

Kết quả này một lần nữa khẳng định sự nhất trí đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt hiệu quả của Chính phủ.

Thành công này đáng ghi nhận trong bối cảnh khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn trong năm 2008 đã đẩy kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác.

GDP vượt mục tiêu

Năm 2009, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,32%, vượt mục tiêu đề ra và đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới. Sản xuất công nghiệp thoát khỏi tình trạng trì trệ những tháng đầu năm và cả năm đã tăng 7,6%. Sản xuất nông nghiệp được mùa với sản lượng lúa cả năm đạt 38,9 triệu tấn, tăng 165.700 tấn so với năm 2008. Cân đối kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Mặc dù nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài giảm sút, nhưng đầu tư trong nước đã được khơi thông nên tính chung vốn đầu tư phát triển cả năm đạt 7 042 000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2008.

Thu ngân sách đạt dự toán cả năm và bội chi ngân sách bảo đảm được mức Quốc hội đề ra là không vượt quá 7% GDP. Lạm phát được kiềm chế, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 12 năm 2009 so với tháng 12 năm 2008 tăng 6,52%, thấp hơn mục tiêu 7% Quốc hội thông qua; chỉ số giá bình quân năm 2009 là 6,88%, thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,4% năm 2008 xuống còn 12,3%. Văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng đạt được những thành tích vượt trội.

Yếu kém cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nếu không tích cực tìm các giải pháp khắc phục có hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và các năm tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đã tăng lên, vượt qua giai đoạn suy giảm, nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả nên tăng trưởng chưa thật vững chắc, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao.

Tỷ lệ đầu tư so với GDP năm 2008 là 41,3%; năm 2009 là 42,8%, nhưng tốc độ tăng GDP hai năm chỉ đạt 6,18% và 5,32% là chưa tương xứng. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của nhiều ngành, nhiều sản phẩm còn thấp.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của Việt Nam tuy bước đầu đã có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ và tích cực, nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất nói chung và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nói riêng.

Năm 2009, cơ cấu tổng sản phẩm 3 khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ lần lượt là 20,66%; 40,24%; 39,10%; không khác mấy so với năm 2008 và những năm gần đây.

Đặc biệt, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Mức thâm hụt ngân sách tuy đã được khống chế, nhưng đã lên tới 7% GDP. Lạm phát trong năm tuy được khống chế ở mức hợp lý, nhưng nhìn chung giá cả ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.

Ngoài ra, một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục, đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng bị ảnh hưởng của thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,9%, cao hơn mức 2,38% của năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhưng vẫn còn 12,3%.

Bởi vậy, nhiệm vụ trong năm 2010, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Hòa, tiếp tục ngăn lạm phát cao trở lại và đang tiềm ẩn yếu tố tăng giá; nắm bắt cơ hội kinh tế thế giới phục hồi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh việc giữ vững thị trường truyền thống, cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới, đặc biệt là những thị trường không đòi hỏi hàng hóa chất lượng quá cao hoặc không có hàng rào kỹ thuật khắt khe với hàng hóa Việt Nam như thị trường châu Phi...

Nhiệm vụ nữa theo Tổng cục trưởng Nguyễn Đức Hòa, cần khẩn trương xây dựng chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nông dân; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm..../.
 
(Theo Nguyễn Kim Anh // Vietnam+)

  • Đối mặt với mức lạm phát cao trong năm 2010
  • Những kỳ vọng mới ở môi trường kinh doanh 2010
  • Biến đổi khí hậu và cuộc chiến sinh tồn : Dải đất Sơn Tinh
  • Việt Nam, liệu có xảy ra tái lạm phát cao?
  • 2010: TP.HCM khó cân đối nguồn vốn
  • Kinh tế 2010: Việt Nam cần tránh hệ lụy - Thế giới có thể còn nhiều rủi ro
  • Tạo sức bật cho kinh tế biên mậu
  • Quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi: Còn nhiều bất cập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi