Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá đánh giá, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2010 có thể đạt mức 6,5% như dự kiến, nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý là lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại.
Phát biểu tại hội thảo “Thị trường, giá cả và lạm phát năm 2009 - dự báo năm 2010” do Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường Giá cả tổ chức ngày 31/12, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, đầu tiên là do tác động của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa từ năm trước.
Một số yếu tố sẽ ảnh hưởng mạnh tới lạm phát như, lương tối thiểu tăng từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng, cộng thêm kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo… sẽ làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư.
Thêm nữa, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ năm 2010, nhiều mặt hàng như điện, than, nước sạch... sẽ tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường.
Điều này cũng sẽ làm cho mặt bằng giá tiêu dùng tăng lên. Không thể loại trừ một số nguyên nhân mang tính quy luật khách quan như thiên tai, dịch bệnh… có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến cung cầu, tác động đến giá cả thị trường.
IMF dự báo mức lạm phát của Việt Nam trong năm tới sẽ là khoảng 7%. Còn bộ phận nghiên cứu chiến lược hàng hóa và kinh tế toàn cầu của Tập đoàn Goldman Sachs thì dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ là 10,8%.
Theo một số chuyên gia, lạm phát ở mức hai con số cũng không phải là điều nghiêm trọng. Vì vậy, để ưu tiên cho sự phát triển, CPI của Việt Nam ở mức 10% trở xuống là có thể chấp nhận.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lại có quan điểm, các con số cụ thể về tốc độ tăng trưởng cũng như chỉ số lạm phát không phải là quá quan trọng. Vấn đề là cần giữ chúng ở mức có thể chấp nhận được và đảm bảo cho chính sách điều hành kinh tế vĩ mô có sự linh hoạt nhất định.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, các mục tiêu của năm 2010 như tốc độ tăng trưởng là 6,5%, lạm phát khoảng 7%, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 41,5%GDP, kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2009, bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 6,2% GDP, có thể đạt được thông qua các biện pháp không mang tính cấp bách, tình thế như gói kích thích kinh tế năm 2009 mà sẽ gắn với chiến lược phát triển tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững và hiệu quả hơn./.