Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 2010: Việt Nam cần tránh hệ lụy - Thế giới có thể còn nhiều rủi ro


Kinh tế 2010: Muốn tránh hệ lụy, không thể lơ là
( Bài viết của TS. Phạm Minh Trí đăng trên TuanVietnam)

Có những cơ sở để đạt tăng trưởng cao trong 2010 thế nhưng, chúng ta cũng không thể lơ là các cân đối vĩ mô để giữ ổn định kinh tế và tránh lạm phát cao - TS. Phạm Minh Trí bàn về bức tranh kinh tế Việt Nam 2010.

Vượt ra khỏi "ao nhà"


Kinh tế Việt Nam - Tin kinh tếNền kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy suy giảm và đã đạt được tăng trưởng 5,32%. Đó là kết quả của sự điều hành có hiệu quả của chính phủ, nỗ lực, phấn đấu của doanh nghiệp và sự đồng thuận của xã hội.

Bên thềm năm 2010, bức tranh kinh tế thế giới đã có phần sáng sủa hơn năm 2009, kinh tế thế giới cũng đã thoái khỏi suy thoái, mặc dù sự phục hồi còn mỏng manh, yếu ớt, một số nền kinh tế lớn cần phải có thêm thời gian và tiền của mới có thể lấy đà tăng trưởng mạnh hơn.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh thế giới như vậy cũng có thể cho chúng ta cái nhìn lạc quan hơn kịch bản kinh tế năm 2010.

Thông điệp của Chính phủ đã công khai 5 nhóm giải pháp cho kinh tế năm 2010 có tính khả thi cao nếu chỉ với mục tiêu đạt tăng trưởng 6,5%.

Có nhiều cơ hội và khả năng để chúng ta đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ, khai thác thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, thị trường mới, nếu DN chúng ta tiếp tục vượt lên chính mình trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị DN.

Thị trường trong nước hiện nay và trong tương lai đều không còn là "ao nhà" của DN. Cả thị trường Việt Nam lẫn bên ngoài đều thực sự có sự cạnh tranh gay gắt, mạnh mẽ của DN nước ngoài. Với DN Việt Nam phần nhiều, sự cạnh tranh còn lạ lẫm, trong khi với DN nước ngoài thì đã là lẽ đương nhiên.

Kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu của việc thoát đáy suy thoái, nhất là một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, EU. Điều này mở ra cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Tình hình ấy có thể sẽ tạo nên gam màu sáng, hứa hẹn nhiều may mắn, thuận lợi cho kịch bản năm 2010.

Do vậy, nếu chỉ với mục tiêu đạt tăng trưởng cao hơn năm 2009 thì ta có nhiều cơ may và khả thi.

Không thể lơ là các cân đối vĩ mô

Tuy nhiên, dù có quyết tâm và đồng thuận cao, điều hành vĩ mô không thể lơ là, hoặc lơi lỏng với ổn định vĩ mô và nguy cơ tái lạm phát cao (hơn 7%).

Kinh tế Việt Nam - Tin kinh tếChúng ta phải chủ động nhận thức một cách sâu sắc hai nguy cơ này để phòng ngừa một cách tích cực, chứ không phải suy luận vô căn cứ, không có cơ sở thực tiễn từ thực trạng kinh tế của ta và những tác động "bất khả kháng" của bên ngoài, của kinh tế thế giới.

Về ổn định vĩ mô, đó là vấn đề không dễ dàng đối với chúng ta khi năng lực, tiềm lực tài chính của ta còn rất hạn chế, không dễ dàng trang trải, cân đối mọi nhu cầu cho phát triển, hoặc điều chỉnh một quan hệ cân đối lớn nào đó. Điều này tương tự như việc ta có một cái chăn nhỏ, ngắn, hễ kéo đầu thì hở chân, hoặc ngược lại. Nói cách khác, chăn nhỏ, khéo co còn khó đủ. Nếu ta cố gồng mình để đạt mục tiêu tăng trưởng cao thì sẽ rất không dễ dàng bảo đảm các cân đối lớn, ổn định vĩ mô.

Trong thực trạng kinh tế của ta hiện nay ít có khả năng thực tế để vừa đạt tăng trưởng cao lại vừa bảo đảm ổn định vĩ mô vững chắc. Đó là chưa tính đến những yếu tố ngoại lai, tác đông cộng hưởng mà ta không thể dự báo được, hoặc có tính đến nhưng không chính xác, hoặc khi ta muốn giữ cân đối nào đó nên phải sử dụng một chính sách nhưng đã vô tình làm ảnh hưởng bất lợi một quan hệ cân đối khác (như chủ trương không cho nhập khẩu vàng trong năm 2009 vừa qua).

Xác định quyết tâm đạt tăng trưởng cao như được nêu trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, thì mặc nhiên, chúng ta không thể chủ quan, lơ là với các cân đối lớn và ổn định vĩ mô .

Về mục tiêu giữ CPI dưới 7% cũng không dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2010 và các năm tiếp theo, khả năng tăng giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới là điều khá rõ ràng.

Tình hình này đương nhiên sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Làm thế nào kiềm giữ tỷ giá USD/VNĐ, cân đối XNK, cân đối thu chi ngân sách, nợ quốc gia...để kéo CPI dưới múc 7%?

Đó là chưa nói đến các cân đối tiền tệ - tín dụng trong hoạt động kinh tế năm 2010, nhất là nguồn tín dụng trung và dài hạn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kĩ thuật, công nghệ cho nông nghiệp, đổi mới công nghệ, cải tiến kĩ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Hơn nữa, độ trễ của tình trạng tăng tín dụng để chống suy giảm trong năm 2009 cũng cần được tính đến.

Tất cả những cái đó không thể không tác động cộng hưởng đến ổn định vĩ mô và nguy cơ tái lạm phát cao trong năm 2010, nhất là khả năng tái lạm phát cao vào cuối năm 2010 là rất lớn. Vì vậy mà điều hành vĩ mô không thể chủ quan hay lơ là với hai nguy cơ này.


Dự đoán về những rủi ro của kinh tế thế giới năm 2010
(Bài viết trên Trang tin VN&QT)

Hiện rất nhiều người giữ thái độ thận trọng khi mô tả về tình hình kinh tế thế giới. Một mặt, họ thừa nhận kinh tế thế giới mới chỉ bắt đầu phục hồi, nhưng mặt khác, lại nhấn mạnh, nền tảng của sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa vững chắc.

Kinh tế thế giới - Tin kinh tếVậy, trong năm 2010, rốt cục kinh tế thế giới sẽ đứng trước những rủi ro tiềm ẩn nào? Năm 2010, Mỹ sẽ có hơn 500 tỷ USD khoản vay bất động sản thương mại đến kỳ thanh toán. Ngoài ra, nợ của các quốc gia phát triển ngày càng chồng chất, nguy cơ thâm hụt cao: Dòng tiền nóng liên tục đồ vào thị trường nhà đất và các thị trường chứng khoán  của các nền kinh tế mới nổi; Mây đen của chủ nghĩa bảo hộ vẫn chưa tan biến, tỷ giá đồng USD biến động không ngừng... Bất kỳ một điều gì xảy ra đều có thể gây ra một cuộc khủng hoảng bùng phát một cách toàn diện.

“Thiệt hại tiềm ẩn của các cơ quan tài chính trong cuộc khủng hoảng cao ước đạt 2600 tỷ USD, đến nay vẫn có 1/3 trong con số  thiệt hại này chưa được tiết lộ”, chuyên viên nghiên cứu Lý Trường Cửu đến từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới cho biết. Xét trong phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tổn thất tiềm ẩn chưa tiết lộ sẽ còn cao hơn. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, thiệt hại tiềm ẩn của các cơ quan tài chính toàn cầu trong khủng hoảng sẽ lên tới 3600 tỷ USD, trong đó cho đến nay vẫn có tới một nửa chưa được công bố. “Ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính vẫn đang tồn tại”. Ông  Desmond Rahman, nghiên cứu viên của Sở nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ đánh giá, năm 2010, Mỹ sẽ hơn 500 tỷ USD khoản vay bất động sản đến kỳ thanh toán, nếu giá nhà đất Mỹ tiếp tục sụt giảm, có thể nó sẽ giống như cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng thế chấp thứ cấp, sẽ tác động rộng rãi, đồng thời khiến cho các ngân hàng Mỹ thua lỗ nghiêm trọng hay thậm chí còn buộc các ngân hàng Mỹ phá sản.

Ngoài những ảnh hưởng sau này của khủng hoảng tài chính, “nợ cao” và “thâm hụt cao” của các nước phát triển cũng là một rủi ro lớn khác mà kinh tế thế giới năm 2010 phải đương đầu. Năm 2009, chính phủ của các nước châu Âu như Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha đều đã lâm vào tình trạng gặp khó khăn về tài chính, rủi ro của tín dụng quốc gia ngày càng gia tăng.

Xét theo góc độ rộng hơn, thậm chí bao gồm cả Anh và Mỹ, do chính phủ đã tiêu tốn một khoản vốn lớn khi đối phó với cơn bão tài chính, thâm thụt tài chính gia tăng mạnh, cũng đã gây ra mối lo lắng của bên ngoài về tính lâu dài của nền tài chính trung và dài hạn của những nước này. Theo thống kê, từ năm 2007 – 2010, nợ công toàn cầu sẽ tăng khoảng 15300 tỷ USD, 80% trong đó đến từ nhóm G7. 10 năm sau, tổng quy mô thâm hụt tài chính liên bang Mỹ sẽ đạt khoảng 9050 tỷ USD, quy mô trái phiếu chính phủ Mỹ đã lên tới 12000 tỷ USD. Vấn đề nợ chính phủ của các nước thành viên Liên minh châu Âu EU cũng nghiêm trọng tương tự. Hiện tại nợ công của một số nước thành viên EU đã vượt quá 50% GDP.

Đối với các nước đang phát triển, rủi ro cũng không thể xem thường. Ngân hàng thanh toán quốc tế có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cảnh báo, chính sách lãi suất mà hiện rất nhiều quốc gia và khu vực đang thi hành đã khiến các ngân hàng tiến hành các hoạt động đầu tư có rủi ro cao. Ngân hàng trung ương các nước nên cảnh báo chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ mang đến ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng ổn định tài chính sau này. Ngân hàng thanh toán quốc tế kiến nghị, các nhà hoạch định chính sách các nước nên cảnh giác cao độ trong thời kỳ lãi suất thấp bất thường này, đặc biệt quy mô cho vay mở rộng với tốc độ quá nhanh, khi giá tài sản tăng cao, càng cần phải cảnh giác. Điều cần phải đặc biệt chú ý là, một số cơ quan tài chính đang lợi dụng chính sách lãi suất siêu thấp của nước mình, rót một lượng vốn lớn vào thị trường cổ phiếu của các nền kinh tế mới nổi và thị trường nhà đất, tiền nóng liên tục đổ về ào ào, đang mang đến một rủi ro quá lớn cho nền kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính của nhiều nước mới nổi.

Chủ nghĩa bảo hộ và biến động tỷ giá đồng USD là hai rủi ro lớn khác mà kinh tế thế giới năm 2010 phải đối mặt. “Nếu tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu, Nhật Bản và Mỹ tiếp tục tăng cao đến năm 2010, chắc chắc sẽ tạo mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa bảo hộ”, ông Rahman nhấn mạnh. Một vụ bùng nổ kinh tế khác đến từ Mỹ có thể là “khủng hoảng đồng USD trên diện rộng”. Khi đã trở thành một con nợ lớn nhất nhất thế giới, nền tài chính Mỹ vô cùng túng quẫn. Nguy cơ khủng hoảng đồng USD phá rối thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ là một tồn tại chân thực, bất kỳ một sự phục hồi kinh tế toàn cầu của Mỹ và toàn cầu đều có thể bị tiêu diệt ngay trong trạng thái manh nha.

Ngoài ra, số người thất nghiệp toàn cầu tăng mạnh, hiểm họa thiên nhiên và cục diện chính trị căng thẳng tại một số khu vực…, cũng là những rủi ro mà kinh tế thế giới có thể đương đầu trong năm 2010.



(TuanVietNam)

  • Tạo sức bật cho kinh tế biên mậu
  • Quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi: Còn nhiều bất cập
  • Để chất xám thực sự được phát huy
  • Thị trường nhiều giá - Doanh nghiệp bị hành thế nào?
  • Vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội
  • Cải cách thủ tục hành chính: Ai cũng muốn nghe!
  • Khắc phục hạn chế khi hội nhập kinh tế quốc tế
  • “Gam màu” sáng từ cuối quý I/2010
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi