Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bình ổn giá: Khi các “ông lớn” bó tay

Với Petrolimex, nhiệm vụ tham gia bình ổn giá xăng dầu trên thị trường trong nước cũng đã trở lên quá khó khăn
Từ thực tế các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không làm tròn vai trò bình ổn giá, có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét lại việc “giao nhiệm vụ” cho các tổ chức này. Không thể vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa làm thay cơ quan quản lý trong việc bình ổn giá.

Trong nhiều hội nghị lớn của khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lãnh đạo Chính phủ, các bộ luôn yêu cầu các DNNN đóng vai trò chủ đạo phải đảm bảo bình ổn giá thị trường. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị khi nhà nước ra quyết định thành lập, nêu rõ trong điều lệ của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Khó làm hay bất lực?

Nhưng trên thực tế, quan sát trong mấy năm gần đây, có thể thấy, trong một số thời điểm, khi giá cả thị trường tăng cao, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước đã không thực hiện được yêu cầu tham gia bình ổn thị trường theo yêu cầu của Chính phủ. Ví dụ như Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC), vào tháng 3, tháng 4/2010, trong khi giá thép tăng cao, lãnh đạo tổng công ty này đã không thể thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, trái lại còn để cho nhiều công ty thành viên tăng giá nhanh và liên tục so với nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân khác trên thị trường. Theo thống kê của Cục Quản lý giá thì một số đơn vị của VSC còn tăng giá hơn 20 lần trong năm, thuộc nhóm các doanh nghiệp tăng giá thép nhiều lần nhất.

Hay trên thị trường gạo, có thời điểm khi thị trường gạo trong nước bỗng dưng lên cơn sốt do ảnh hưởng giá lương thực thế giới và những tin đồn không căn cứ, các Tổng công ty Lương thực I và II  đã rất chậm chạp trong việc cung ứng gạo ra thị trường. Thậm chí, đến khi được yêu cầu can thiệp, lại mang gạo dự trữ kém chất lượng, nhiều nơi bị mốc mọt ra bán, càng làm cho tình hình xấu thêm. Trong khi đó, theo đánh giá của UBND TPHCM, chính một số doanh nghiệp khác như hệ thống siêu thị Saigon Co.op, khi đó chưa hề được tiếp cận nguồn vốn do thành phố này hỗ trợ để tham gia bình ổn giá, đã tích cực tung hàng ra, ổn định thị trường lương thực.

Với trường hợp của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối khác, đầu năm nay, trong mấy ngày sau Tết, khi giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đang tăng cao thì các doanh nghiệp được coi là “nòng cốt” này lại tăng giá xăng dầu ở mức cao, càng làm cho thị trường nóng hơn. Và chính vì điều này, lãnh đạo Petrolimex và một số doanh nghiệp nhà nước khác bị phê bình là: thiếu ý thức (chính trị), thiếu nhạy cảm khi điều chỉnh giá tăng không đúng lúc.

Cơ chế bó

Càng khoác cho các DNNN nhiều vai trò càng khiến các doanh nghiệp không làm tròn vai trò nào.

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính tại Tổng Công ty Gas của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa qua cũng cho thấy, mặc dù có khả năng chi phối thị trường nhờ lượng gas cung cấp chiếm tới 30% thị phần nhưng doanh nghiệp này lại chỉ bán vòng vèo qua các đầu mối trung gian nên giá gas đến tay người tiêu dùng vẫn cao như giá nhập khẩu. Đây cũng là ví dụ cho thấy, dù có công cụ, nhà nước vẫn không thể dùng công cụ đó bình ổn giá thị trường. Tương tự, cũng như giá phân đạm Phú Mỹ, dù có độc quyền sản xuất, cung ứng sản phẩm này trong nước, Tập đoàn Dầu khí cũng không chỉ đạo được công ty con của mình tham gia bình ổn giá phân bón khi cần thiết. Ở đây, nhà nước không thể ra mệnh lệnh cho doanh nghiệp phải bán hàng giá rẻ ra thị trường vì chính sách giá cả của Công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ cũng phải theo quyết định của đại hội cổ đông của công ty.

Nhưng ngay chính nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực tế cũng không mặn mà gì với vai trò tham gia bình ổn giá mà mình được giao. Trong hội nghị giao ban trực tuyến về bình ổn giá do Chính phủ tổ chức mới đây, ông Lê Phú Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, từ năm 2005 - 2008, do tham gia nhiệm vụ bình ổn giá, mỗi năm tổng công ty này bị giảm lãi hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2008, tổng công ty này lỗ 500 tỷ đồng và năm 2009 lỗ khoảng 600 tỷ đồng do phải giữ giá thép thấp hơn giá thị trường và mua dự trữ lượng phôi thép nguyên liệu quá lớn. Đến nay, dường như Tổng công ty Thép đã không có thể làm được vai trò bình ổn giá thép với lý do, nhiều doanh nghiệp trong tổng công ty này đã cổ phần hóa và việc kinh doanh, sản xuất trong đó có vấn đề dự trữ, quyết định giá bán thế nào sẽ phải do đại hội cổ đông quyết định với mục tiêu phải có lãi.

20 lần làm mức giá thép bị đội lên tại một số đơn vị của VSC.

Với Petrolimex, nhiệm vụ tham gia bình ổn giá đối với Tổng công ty này cũng đã trở nên quá khó khăn. Trong báo cáo mới đây trình bày tại một phiên họp của Chính phủ, lãnh đạo Petrolimex nói rằng, do sự tham gia thị trường không đồng đều của một số đầu mối khác trong giai đoạn bình ổn, dẫn đến sản lượng bán nội địa của Petrolimex tăng giảm bất thường: tăng bán khi kinh doanh lỗ - giảm bán khi kinh doanh lãi. Do đó, trên thực tế, rất khó hình thành nguồn bù đắp giai đoạn lỗ. Cũng theo báo cáo của Petrolimex, việc tham gia bình ổn giá của tổng công ty này là nhờ có mạng lưới phân phối, bán lẻ thuộc sở hữu của Petrolimex, nhưng hiện nay, do sự gia tăng nhanh chóng của các cửa hàng tư nhân, của các doanh nghiệp khác, số cửa hàng của Petrolimex (hiện có khoảng 2.000 cửa hàng), chỉ chiếm khoảng 15% về số lượng và chiếm khoảng 30% về sản lượng bán. Do đó, Petrolimex rất khó để có thể tiếp tục giữ vai trò chi phối thị trường. Hơn nữa, theo lãnh đạo Petrolimex, cách thức trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay cũng làm cho tổng công ty này bị động do không hoạch định được kế hoạch kinh doanh; nguồn lực không rõ nên khó có cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng.

Khuyến nghị từ chuyên gia

Một số chuyên gia nghiên cứu kinh tế như tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Lê Đăng Doanh… nhìn nhận, không chỉ không thể thực hiện vai trò bình ổn giá mà chính nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn trở thành một trong số các tác nhân gây ra lạm phát. Nói vậy là vì, trong nhiều năm các tổ chức này đã đầu tư cho nhiều chương trình lớn nhưng sử dụng vốn kém hiệu quả, khiến cho tiền vốn ngân sách được tung ra nhiều nhưng không tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, tạo sức ép cho nền kinh tế... Thậm chí, chính nhiều tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… trong khi chưa thực hiện những cải cách nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí thì liên tục, năm nào cũng đề nghị được tăng giá. Mà ai cũng thấy, mỗi lần các doanh nghiệp này tăng giá than, tăng giá xăng, tăng giá điện… là thị trường lại bị cuốn theo một cơn lốc tăng giá mới.

Nhìn nhận từ góc độ của các DNNN, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lý giải, việc giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vai trò bình ổn giá là khó có thể đem lại kết quả như ý muốn. Bởi vì, ông Cung phân tích, nhiệm vụ số một của các DNNN chỉ nên là tập trung sản xuất, kinh doanh đảm bảo hiệu quả, có lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị duy nhất mà các tập đoàn, tổng công ty nên gánh. Còn những khuyết tật của thị trường như giá cả, lạm phát thì cần phải xử lý bằng những chính sách khác của nhà nước, do các cơ quan Chính phủ như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện. Càng khoác cho các DNNN nhiều vai trò thì chính các doanh nghiệp đó lại có cơ sở để nói rằng: vì tôi phải tập trung làm việc này (như bình ổn giá) nên không thể làm được nhiệm vụ kia (đảm bảo kinh doanh co lãi)…!

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Khi tập đoàn phát huy nội lực!
  • Việt Nam trong số quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa nhất
  • Định hướng Phát triển bền vững ở Việt Nam tập trung vào 3 "trụ cột"
  • Học làm nông nghiệp, tại sao không?
  • Chưa tận dụng được lợi thế
  • Kẻ khổng lồ bên cạnh ta: “Độc nhất vô nhị” cách Trung Quốc đầu tư nước ngoài
  • Việt Nam - ngôi sao kinh tế đang lên
  • Thanh Trì cần gỡ vướng để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng GTĐT
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi