Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi tập đoàn phát huy nội lực!

Công nhân vận hành đường ống ở Nhà máy Khí Dinh Cố, thuộc PVN. Ảnh: Lê Toàn.

Nghị quyết phát huy nội lực của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tạo ra sức tăng trưởng nhảy vọt cho các doanh nghiệp dịch vụ thành viên, nhưng đồng thời nó cũng lấy đi cơ hội tiếp cận một khách hàng rất lớn của các công ty ngoài ngành.

Trong buổi họp báo công bố kết quả sản xuất kinh doanh chín tháng đầu năm 2010, thành tựu phát triển mảng dịch vụ của PVN được ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc tập đoàn, đặc biệt nhấn mạnh.

Chín tháng qua, doanh thu dịch vụ của PVN đạt 122.000 tỉ đồng, tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thực dự báo: “Đến cuối năm nay, dịch vụ có thể mang lại cho tập đoàn 150.000 tỉ đồng doanh thu, góp phần quan trọng đưa tổng doanh thu của toàn tập đoàn lần đầu tiên vượt mức 400.000 tỉ đồng”.

Phát huy nội lực!

Sự phát triển vượt bậc về doanh thu dịch vụ của PVN xuất hiện sau khi tập đoàn ra nghị quyết phát huy nội lực. Theo đó, các doanh nghiệp thành viên của PVN phải ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nội bộ tập đoàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty dịch vụ không thuộc PVN sẽ dần mất đi một khách hàng rất lớn, có tổng chi tiêu đầu tư hàng năm lên đến 74.000 tỉ đồng.

Trước hết, cần phải ghi nhận thành quả trên của PVN. Trong một thời gian dài trước đây, dịch vụ dầu khí, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật, gần như do các nhà cung cấp nước ngoài kiểm soát hết, với trên 80% thị phần. Sự tăng trưởng mạnh về doanh thu dịch vụ của PVN phần nào cũng đồng nghĩa với phát triển những khả năng kỹ thuật, mà trước đây phải phụ thuộc nước ngoài.

Tên của một số công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật chủ lực, như Vietsovpetro, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), Công ty cổ phần tập đoàn Năng lượng dầu khí (PV EIC), xuất hiện trong danh sách những đơn vị về đích trước kế hoạch doanh thu năm 2010 trong vòng chín tháng đầu năm của PVN, là bằng chứng cho sự trưởng thành đó.

Tuy nhiên, đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu dịch vụ của PVN không chỉ có lĩnh vực kỹ thuật dầu khí, mà còn có nhiều loại dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phổ biến khác, gồm bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, vận tải, xây dựng... Với việc PVN ban hành nghị quyết về phát huy nội lực, các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trong nước đã dần mất đi cơ hội được tiếp cận mảng thị trường dịch vụ khổng lồ của PVN.

Bảo hiểm dầu khí là một ví dụ. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, thị trường bảo hiểm dầu khí chỉ có hai doanh nghiệp tiếp cận được, là Bảo Việt và Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI). Nhưng đến nay, doanh thu của Bảo Việt đang giảm dần, còn 99,9% doanh thu của PVI thì đến từ hợp đồng bảo hiểm cho các doanh nghiệp thuộc PVN.

Tương tự, Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVT) cũng được ưu tiên nhận hợp đồng vận chuyển toàn bộ dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Còn Tổng công ty Xây dựng dầu khí (PVC) thì được PVN chỉ định thầu hầu hết những công trình xây dựng lớn của tập đoàn. Cũng nhờ được ưu ái như vậy, nên từ năm 2008 đến nay, doanh thu của PVC tăng trưởng trên, dưới 100% mỗi năm.

Tại cuộc họp báo vào đầu tháng 10 vừa qua, một nhà báo đã chất vấn lãnh đạo PVN vì sao các công trình xây dựng nhà máy điện không tổ chức đấu thầu, mà lại chỉ định thầu cho PVC, khiến cho nhiều nhà thầu xây dựng khác thấy bức xúc. Ông Phùng Đình Thực chỉ trả lời rằng, giá giao thầu cho PVC luôn thấp hơn dự toán 5% và có khi là 10%. Đồng thời, PVC cũng có hợp tác với một số nhà thầu khác.

Có thể phát sinh những hệ lụy xấu

Việc ưu tiên cho nội bộ, thay vì đấu thầu rộng rãi, sẽ không tránh khỏi làm tăng chi phí dịch vụ. Thoạt nhìn, vấn đề này cũng giống như lấy từ túi này bỏ sang túi kia của PVN. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi tác động đến hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thành viên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhất là khi những công ty này đều là doanh nghiệp hạch toán độc lập và một số đã chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Ngoài ra, chính sách ưu tiên này có thể còn dẫn đến một số hệ lụy xấu khác. Trước hết, ưu tiên trong nội bộ không khác gì chính sách bao cấp đầu ra cho các doanh nghiệp dịch vụ. Về lâu dài, nó sẽ khiến một số công ty của PVN phát triển tâm lý ỷ lại, trở nên kém năng động và mất dần khả năng cạnh tranh.

Thứ đến, do trình độ chuyên môn còn yếu, công nghệ hạn chế... nên một số công ty dịch vụ thuộc PVN buộc phải hợp tác với những nhà cung cấp có chuyên môn cao hơn ở bên ngoài. Hình thức này vô hình trung tạo ra thêm một nấc trung gian, sẽ làm tăng chi phí dịch vụ.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu tăng vọt trong nội bộ tập đoàn, một số công ty dịch vụ của PVN phải nhanh chóng phát triển đội ngũ nhân viên, cho ra đời thêm hàng loạt công ty con. Điều này có thể làm nảy sinh những bất cập về quản lý. Đáng lo hơn, nếu vì một nguyên nhân nào đó, các công ty này không còn được ưu tiên nhận các dịch vụ trong nội bộ PVN nữa, sự phát triển quá nhanh lực lượng lao động và các công ty con sẽ trở thành gánh nặng lớn.

Ở tầm vĩ mô, do PVN là khách hàng rất lớn, nên chính sách phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nội bộ sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp khác ngoài ngành. Điều này không có lợi cho sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của cả nước nói chung.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Việt Nam trong số quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa nhất
  • Định hướng Phát triển bền vững ở Việt Nam tập trung vào 3 "trụ cột"
  • Học làm nông nghiệp, tại sao không?
  • Chưa tận dụng được lợi thế
  • Kẻ khổng lồ bên cạnh ta: “Độc nhất vô nhị” cách Trung Quốc đầu tư nước ngoài
  • Việt Nam - ngôi sao kinh tế đang lên
  • Thanh Trì cần gỡ vướng để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng GTĐT
  • Đấu thầu qua mạng: Lợi ích kép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi