Chuyện như đùa khi liên Bộ GTVT-Tài chính ban hành Thông tư gần một năm nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu lực; Bộ GTVT tuyên bố Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) có sai phạm nhưng không xử lý nổi.
Bộ GTVT cho rằng, JP sử dụng biểu tượng như hiện nay sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bảo Khánh |
Bộ GTVT im lặng khó hiểu
Theo Phó Cục trưởng Hàng không Lưu Thanh Bình, sau gần một năm ban hành Thông tư về triển khai giá dịch vụ và giá cước vận chuyển hàng không nội địa, Thông tư 103 đang bị vướng bởi chính Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam hiện hành. Thông tư này cho phép bỏ giá trần với những đường bay cạnh tranh nhưng Luật Hàng không lại quy định Nhà nước quản lý giá cước vận tải KH”.
Thông tư 103 là bước ngoặt trong quản lý hàng không, khi Nhà nước nới lỏng để thị trường điều tiết giá vé máy bay (ở những đường bay có từ hai hãng trở lên tham gia). Nhiều doanh nghiệp hào hứng triển khai kế hoạch kinh doanh theo chính sách mới; nhưng lại gặp sự chần chừ đến khó hiểu của cơ quan quản lý nhà nước.
Sốt ruột trước sự im lặng của Bộ GTVT ngày 8/10, Bộ Tài chính (sau khi gửi một số công văn cho Bộ GTVT) lại gửi tiếp công văn thúc giục Bộ GTVT và xác nhận “đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam về việc phối hợp triển khai nội dung trong các văn bản đã gửi trước đó”.
Hai bộ cãi nhau
Tháng 5/2008, Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacific sau khi thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu với Jetstar Airways (Tập đoàn Qantas-Úc). Một tháng sau, Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo JP không được bay với biểu tượng này vì như thế sẽ gây nhầm lẫn với hãng hàng không nước ngoài.
Gần đây, khi JP đổi thời hạn giấy phép kinh doanh thành không thời hạn (thay vì hiệu lực hết tháng 10/2010) và đề nghị tiếp tục được sử dụng hai biểu tượng chính Jetstar và Jet với hình ngôi sao liền bị Bộ GTVT phản ứng.
Tại Công văn 4421 (1/7/2009) gửi Thủ tướng, Bộ GTVT cho rằng việc JP sử dụng ba đối tượng sở hữu công nghiệp (được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận) như trên sẽ làm khách hàng sử dụng dịch vụ bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng...với dịch vụ của hãng hàng không nước ngoài khác. Theo đó, vô hình trung, thương hiệu quốc gia không được thể hiện tại hãng hàng không lớn thứ hai Việt Nam.
Theo các chuyên gia Bộ GTVT nên xử lý JP thay vì liên tục khuyến cáo hay phải kiến nghị cấp trên. Sự việc trở nên rối rắm hơn khi Bộ KH&CN lại cho rằng, quyền sử dụng nhãn hiệu theo pháp luật về nhãn hiệu không đồng nhất với quyền cung cấp dịch vụ theo sự cấp phép của Bộ GTVT.
Theo đó, Bộ KHCN cũng khẳng định, việc kết luận JP không được sử dụng ba nhãn hiệu trên trong kinh doanh hàng không là không phù hợp với pháp luật về nhãn hiệu.
(Theo Đình Thắng/TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com