Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nếu không thêm lực đẩy, Việt Nam có tăng trưởng bền vững?

 
Ông Lê Đức Thúy phát biểu tại Hội thảo của Eurocham ngày 15/10.

Câu hỏi mà hiện nay chính phủ đặt ra và nhiều người đang quan tâm là: Liệu có nên có gói hỗ trợ thứ 2 không? Câu hỏi này dấy lên một luồng tranh luận và nhiều ý kiến khác nhau.

Phát biểu tại một Hội thảo của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) ngày 15/10 về cùng chủ đề, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng, trước khi bàn tới việc có nên thực hiện gói kích cầu thứ hai, cần trả lời câu hỏi kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững mà không cần hỗ trợ bổ sung hay không.

Nhìn từ doanh nghiệp

Do có hỗ trợ lãi suất, có nhiều lo ngại rằng tín dụng năm nay sẽ tăng "nóng."  Theo con số thống kê, đến cuối tháng 9/2009, tăng trưởng tín dụng đã ở vào khoảng 30% so với năm ngoái và dự kiến đến cuối năm tăng 35%. Đây là một mức tăng tương đối cao.

Tuy nhiên, ông Thúy cho hay cần nhìn nhận nguồn vốn tín dụng năm nay các doanh nghiệp vay tăng mạnh là do mức hỗ trợ lãi suất cao (4%). Như vậy, nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp phải vay với lãi suất tăng thêm 60% so với hiện nay. Trần lãi suất sẽ từ 6,5% nâng lên 10,5%.

Theo một dự báo của Ngân hàng HSBC, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất cơ bản thêm 2% vào đầu năm 2010 và 2% vào cuối năm. Khi đó, nếu lãi suất cơ bản khoảng 14% vào cuối năm thì lãi suất cho vay tối đa có thể là 21% theo cơ chế lãi suất doanh nghiệp hiện nay.

"Liệu các doanh nghiệp sẽ thích ứng thế nào với việc vay vốn 6,5% sang 12% hoặc 20%? Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp chịu được, bao nhiêu doanh nghiệp phải đóng cửa? Chưa có nghiên cứu thấu đáo nào để trả lời câu hỏi đó, nhưng câu hỏi đó lại rất nghiêm túc với những người quyết định chính sách," ông Thúy nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn như vừa qua, bên cạnh những mặt tích cực có những yếu tố bất lợi như làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng ở mức lãi suất hợp lý để duy trì sản xuất kinh doanh là câu hỏi chính nhằm hướng tới những giải pháp của chính phủ chứ không nên hiểu nhầm rằng tiếp tục trợ cấp tiếp lãi suất…

Đích cần đạt đến là làm thế nào để doanh nghiệp có thể duy trì công ăn việc làm, phát triển kinh doanh. Và vì thế, cá nhân ông Thúy cho rằng những chính sách hiện nay chưa đủ, có thể phải nghiên cứu những chính sách mới. "Nếu không có chính sách mới, khó có thể duy trì được sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam để 2010 có thể đạt mức tăng trưởng 6,5%, càng không ai có thể nói những năm sau có thể tăng cao lên được," ông Thúy băn khoăn.

Sức ép của tỷ giá

Một lo ngại nữa mà ông Thúy cũng đề cập tới, chính là sức ép về tỷ giá giữa VND và USD. "Dù lập luận thế nào, chỉ bằng trực quan thôi, việc các ngân hàng khó khăn trong việc đáp ứng ngoại tệ của doanh nghiệp, phải mua bán ngoại tệ với tỷ giá mua bằng tỷ giá bán... chứng tỏ thị trường ấy có những trục trặc phải xử lý," ông nói.

Hơn nữa, yếu tố về sự chênh lệch quá lớn và kéo dài giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do cũng là một vấn đề phải lưu tâm. Mức chênh lệch này khoảng 500 đồng/USD diễn ra suốt từ tháng 6/2009 đến nay, thậm chí có lúc vọt lên 700 đồng...

"Tôi từng làm việc điều hành tỷ giá suốt 13 năm ở Ngân hàng Nhà nước. Bằng kinh nghiệm của mình, chừng nào tỷ giá này chênh lệch trên 100 đồng thì có vấn đề về thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái," ông Thúy chia sẻ.

Một thực tế là, các con số thống kê cũng cho thấy cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam năm nay là thâm hụt. Điều ấy có nghĩa là nguồn cung ngoại tệ thấp hơn so với cầu ngoại tệ. Do đó, áp lực tỷ giá là khó tránh khỏi.

Vì thế, để giải bài toán tỷ giá, ông Thúy cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải sớm giải quyết vấn đề này để ổn định thị trường trong nước, đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Tìm câu trả lời cho tăng trưởng


Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Liệu có nên có gói hỗ trợ thứ 2 không? Và như thế nào?

"Có thể khẳng định, sự phục hồi của Việt Nam là khá ấn tượng và gói hỗ trợ vừa qua đã đóng góp tích cực cho việc phục hồi đó. Nhưng nó tạo ra nền tảng cho sự bền vững tự thân vận động của nền kinh tế chưa, thì bản thân tôi và một số người mà tôi trao đổi cũng chưa dám tin rằng nền kinh tế tự thân nó có thể phát triển được mà không cần một sự hỗ trợ tiếp tục nào của chính phủ. Đó là câu đặt ra trước khi chúng ta nói hỗ trợ thế nào," ông Thúy cho hay.

Về gói kích cầu vừa qua của chính phủ, khi đi vào giải pháp, cũng có ý kiến cho rằng việc cứu trợ kiểu hỗ trợ lãi suất sẽ cào bằng, cứu cả doanh nghiệp không đáng cứu, tạo ra thị trường không bình đẳng, thống nhất… Những "lo lắng" này, theo ông Thúy là chính đáng, song cần đặt lại vấn đề là chính sách ấy sẽ nên như thế nào.

Theo ông Thúy, những quyết định hỗ trợ kinh tế trong gói kích thích số 1 mà chính phủ đã nêu với tổng số 122 ngàn tỷ sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng phạm vi quy mô và thời hạn như đã công bố. Cho đến giờ chính phủ không có ý định điều chỉnh lại những quyết định đó. Có nghĩa là, gói hỗ trợ ngắn hạn đến cuối 2009 sẽ chấm dứt chứ không sớm hơn như một số đề nghị. Những gói dài hạn vẫn thực hiện như thời hạn công bố.

Về các bước tiếp theo, ông Thúy cho rằng, nên có 1 gói kích thích kinh tế bổ sung ở quy mô nhỏ hơn với những phương thức hợp lý hơn để giúp sự phục hồi tăng trưởng diễn ra bền vững.

"Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ có có 3 thành viên đề xuất việc này, 7 thành viên khác ủng hộ và cái khuyến nghị ấy của hội đồng được Thủ tướng chấp nhận đồng thời đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu, trình lên cách thức giải quyết," ông Thúy cho hay.

Tuy không cho biết một cách cụ thể đề xuất, nhưng ông Thúy khẳng định: "Cần hỗ trợ, nhưng không nên chọn giải pháp là trợ cấp lãi suất ngắn hạn cho doanh nghiệp như vừa qua"./.

Dự kiến ban đầu, gói kích thích kinh tế thứ nhất của Việt Nam vào khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thực tế thực hiện theo các giải pháp cho đến nay khoảng 122 nghìn tỷ; trong đó khoảng 74 nghìn tỷ là vốn đầu tư phát triển nhà nước, 20 nghìn tỷ là thực hiện chính sách miễn giảm thuế, 10 nghìn tỷ chi cho những biện pháp ngăn chặn tác động xấu đến an sinh xã hội và 17 nghìn tỷ là để hỗ trợ lãi suất.

Riêng con số 17 nghìn tỷ hỗ trợ lãi suất, cả năm 2009 này ước tính cũng mới chi ra khoảng 10 nghìn tỷ. Như vậy, nếu thực hiện hết các biện pháp hỗ trợ cũng không chi hết 17 nghìn tỷ, mà theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì số tiền chính phủ phải hỗ trợ nằm ở mức 10-12 nghìn tỷ.
Anh Quân (Vietnam+)

 

  • Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị Chất lượng - Ðổi mới, Sáng tạo - Năng lực lãnh đạo
  • Bài học phát triển đều “hai chân”
  • Kích cầu, dừng hay tiếp?
  • Sức ép sau khủng hoảng
  • Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh: Vẫn vì “điểm nút” thủ tục hành chính
  • Muốn "hoá rồng", phải khống chế những nhóm đặc quyền đặc lợi
  • Truyền thông khoa học công nghệ: Dễ hay khó?
  • Chiến lược phát triển kinh tế dài hạn cho Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi