Việc kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động của yếu tố tâm lý, rất cần sự công khai, minh bạch chính sách. Khi không tránh được tăng giá, cần đặt vấn đề tránh tác động xấu của tăng giá, yếu tố đòi hỏi một nghệ thuật làm chính sách.
Ảnh minh họa |
Đó là ý kiến được đưa ra tại cuộc tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 1/3 xung quanh vấn đề tăng giá điện với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Làm chính sách giá cũng cần nghệ thuật
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết, việc tăng giá điện là không thể tránh khỏi. Bởi, trước hết, theo đúng lộ trình, giá cả tất cả các mặt hàng chiến lược sẽ theo cơ chế thị trường, Nhà nước sẽ tiến dần tới bỏ bù lỗ.
Cho tới nay, tất cả nguyên liệu đầu vào của ngành điện như than trong nước, than nhập khẩu, xăng dầu, khí đều đã tăng giá so với thời gian trước. Trong khi đó, thủy điện, nguồn điện giá tương đối rẻ, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung điện, cho tới nay chỉ còn trên 30%. Về nhiệt điện, Việt Nam chỉ có thể phát triển nhiệt điện chạy than, vì nguồn khí có hạn. Mà giá than trong nước bán cho điện mới chỉ bằng 2/3 giá thành, và bằng một nửa giá than cho xuất khẩu.
Lý giải về thời điểm tăng giá điện từ 1/3, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, theo quyết định của Thủ tướng, giá điện của năm sau phải trên cơ sở tính toán đầy đủ chi phí đầu vào của năm trước, do đó, phải chuẩn bị từ trước một thời gian.
Chẳng hạn, nếu muốn tăng giá từ ngày 1/1 thì hết quý 3 năm trước đã phải có đầy đủ số liệu, trong khi điều này là không khả thi ở Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nước hiện nay cũng lấy năm tài khóa bắt đầu từ tháng 3.
Khi không tránh được tăng giá, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần đặt vấn đề tránh tác động xấu của tăng giá, yếu tố đòi hỏi một nghệ thuật làm chính sách.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, nghệ thuật làm chính sách chính là việc đưa ra quyết định lúc nào, mức độ bao nhiêu, quyết định có hợp lý hay không. Đặc biệt, việc giải trình chính sách cũng có vai trò rất quan trọng trong việc tạo đồng thuận của xã hội đối với chính sách.
Đồng tình trước sự chia sẻ thông tin xung quanh việc tăng giá điện của Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào, ông Trần Đình Thiên cho rằng, người dân sẽ dễ thông cảm hơn với quyết định tăng giá điện khi được giải trình một cách rõ ràng, cụ thể, minh bạch, cho dù thời điểm công bố giá điện mới vừa qua cũng có những bất lợi nhất định, chẳng hạn như việc trước đó vài ngày, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số CPI tháng 2 (tăng 1,96%) và giá xăng dầu cũng vừa tăng…
Các vị khách mời tham gia tọa đàm - Ảnh: Chinhphu.vn |
Việc kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh bị tác động của yếu tố tâm lý, rất cần sự công khai, minh bạch chính sách. “Nhiều khi, một số tờ báo ùa vào đưa tin giá cả đồng loạt tăng, tạo ra áp lực tâm lý”, ông Thiên nói. Trong khi đó, Chính phủ có một công cụ rất mạnh để tạo niềm tin qua hệ thống thông tin tuyên truyền.
“Kinh nghiệm cho thấy, lúc nào Chính phủ dùng công cụ này thì có tác dụng tốt. Ví dụ, lần đầu tiên chúng ta công khai dự trữ ngoại tệ, lập tức tức kỳ vọng tỷ giá thay đổi, hoặc sau lần tuyên bố gói kích cầu 1 tỷ USD rồi 6 tỷ USD, 8 tỷ USD, lòng tin doanh nghiệp tăng lên”, ông Thiên đưa ra dẫn chứng.
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nhất trí, thông tin đầy đủ, nhiều chiều của báo chí là quan trọng. Nhưng thông tin từ cơ quan hoạch định chính sách đến báo chí cũng rất quan trọng. Ông cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế người phát ngôn, đảm bảo việc cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, chính xác, kịp thời từ các cơ quan Nhà nước, tổ chức và các đơn vị cho báo chí.
Đại diện cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người tiêu dùng tại buổi tọa đàm thống nhất ý kiến rằng, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và nhất là cơ quan thông tin tuyên truyền rất quan trọng, khi các cơ quan này góp phần tạo tâm lý tin tưởng của người dân vào sự điều hành của chính phủ, đảm bảo không tăng giá tùy tiện, gây lạm phát ảo, lạm phát tâm lý. Điều quan trọng, toàn xã hội cùng đồng thuận, chung sức chung lòng đối phó lạm phát tăng cao.
Sản xuất mạnh để giảm áp lực tăng giá
Các chuyên gia, nhà quản lý đều nhất trí, trong chừng mực nào đó, lạm phát cũng có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng.
“Chỉ tiêu lạm phát 7% trong năm 2010 mà Quốc hội giao là mức phù hợp để tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5%, tăng trưởng công nghiệp trên 7%”, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nói, theo ông kinh nghiệm thời gian qua, đẩy mạnh sản xuất là biện pháp chống lạm phát tốt nhất.
Liên quan đến vấn đề giá điện, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào đánh giá, bên cạnh tác động làm tăng giá thì việc tăng giá điện lần này giúp thu hút nhiều đầu tư vào ngành điện, tăng chất lượng điện và tăng sản xuất điện, nhờ đó, các ngành sản xuất khác cũng tăng sản lượng.
Năm 2007, năm 2008, thiếu điện trầm trọng. Năm ngoái, giá điện nhích lên một chút, đầu tư vào ngành điện nhiều hơn, tình trạng cắt điện cũng giảm hẳn, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào chia sẻ. Năm nay, thời tiết không thuận, ngành điện đã và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng điện, do vậy, đầu tư cho ngành điện càng cần thiết hơn và cần sự chia sẻ từ nhiều phía, từ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Bên cạnh đó, việc tăng giá điện cũng tạo động lực buộc các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi công nghệ, áp dụng những công nghệ mới không tiêu hao nhiều năng lượng, đảm bảo việc sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, có sức cạnh tranh hơn. Theo tính toán, chúng ta có thể tiết kiệm được từ 15 - 30% lượng điện tiêu thụ hiện nay nếu áp dụng các biện pháp hợp lý.
(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com